Chào tuần mới: Tết có qua nhanh?

30/01/2023 07:10 GMT+7 | Văn hoá

Một tuần trước, chúng ta vừa đón những ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán Quý Mão. Còn bây giờ, mọi thứ đã lui lại phía sau, để nhường chỗ cho tuần làm việc đầu tiên của một năm âm lịch.

Nói đầu tiên, bởi kì nghỉ Tết năm nay khá thú vị: Chúng ta nghỉ hết mùng 5 Tết, đi làm vào mùng 6, rồi lại tiếp tục có 2 ngày nghỉ cuối tuần. Và tất yếu, trong tâm lý chung,"thụ hưởng nốt 2 ngày nghỉ ấy mới là… hết Tết.

Nhưng, dù "tính gộp" như vậy, dư vị của Tết đến bây giờ chắc chắn vẫn chưa thể hết ngay, mà còn đang đọng lại ở rất nhiều người.

Dư vị ấy không chỉ nằm ở những góc bánh chưng, mứt Tết hay cành đào còn lại trong mỗi nhà. Xa hơn, nó đến từ những cảm xúc vừa trải qua trong một chuỗi ngày rất đặc biệt. Đặc biệt, không bởi tính chất của một sự kiện quan trọng thường niên trong nền văn hóa lúa nước, mà còn ở cách cộng đồng đón nhận nó.

Chào tuần mới: Tết có qua nhanh? - Ảnh 1.

Hoa đào nở dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Ngẫm lại, ở mỗi giai đoạn của đời người, dường như cái Tết Nguyên đán lại được tiếp nhận với những tâm thế khá khác nhau: Khi còn nhỏ, chúng ta háo hức chờ mong Tết như một dịp để vui chơi với bánh mứt, hội hè và tiền mừng tuổi. Lớn dần và trưởng thành, Tết là cơ hội để nghỉ ngơi, thư giãn sau những bề bộn của công việc hàng ngày. Rồi bước sang tuổi trung niên, Tết lại là dịp để người ta quay về với sự sum họp của gia đình và dòng tộc - những giá trị vốn phần nào dễ mờ nhạt trong vòng quay của cuộc sống thường nhật…

Có nghĩa, từ lớn đến nhỏ, chẳng ai không mong chờ đón Tết. Và bất chấp những lời than vẫn thường rộ lên vào dịp tháng Chạp về chuyện "Tết mệt" hay "Tết nhạt" thì đến bây giờ, nhìn lại một tuần qua, hẳn nhiều người vẫn tiếc nuối bởi thấy… Tết trôi nhanh.

Tâm lý ấy không lạ. Những khi hào hứng hay bận rộn, người ta thường bỏ qua ý thức về ngày tháng. Và việc trải qua một chuỗi ngày Tết - với quá nhiều lựa chọn để mang lại niềm vui - chắc chắn cũng rất khác với cảm giác rằng thời gian như ngừng trôi, nếu bạn mệt mỏi, nhàm chán hoặc sốt ruột chờ đợi điều gì.

Và dù có một ngày rằm tháng Giêng - thời điểm từng được nhiều người coi là cột mốc để "hết Tết" - trước mặt, chắc chắn kỳ nghỉ Tết nào cũng sẽ quá ngắn so với nhu cầu và tâm nguyện của mỗi chúng ta.

***

Nhưng, đặt những cảm xúc ấy qua một bên, không khó để nhận thấy rằng vòng quay của cuộc sống thường nhật cũng đã bắt đầu từ rất sớm, chỉ vài ngày sau kỳ nghỉ Tết. Nó không chỉ đến từ sự đông đúc, tất bật ở những đô thị lớn hay cảnh ùn tắc của dòng người trở lại thành phố, mà đâu đó còn nằm khuất trong suy nghĩ và ý thức của mỗi người.

Đơn giản, những đòi hỏi từ xã hội hiện đại bây giờ không dễ để chúng ta hoàn toàn vứt bỏ những suy tính, trăn trở mà cuộc sống mang lại cho mình. Và, khi Tết gắn với sự kiện thường niên trong mỗi đời người, thì nó cũng là cột mốc để chúng ta nhớ rằng mình vừa có thêm một tuổi.

Đời người hữu hạn, và hẳn ai cũng sẽ thấy thời gian quá ngắn so với những nguyện ước của bản thân. Sau Tết là những ngày mới và những kỳ vọng mới mà chắc chắn mỗi người đều tự đặt ra cho bản thân mình. Ở đó, nhịp điệu của thời gian không cho phép chúng ta giữ "sức ỳ" tâm lý sau kỳ nghỉ Tết  - chứ chưa nói tới thói quen của một "tháng ăn chơi" của xã hội thuần nông cũ.

Tết qua nhanh, nhưng một năm trước mắt cũng sẽ rất nhanh. Hãy để những giá trị tinh thần mà cái Tết vừa mang lại làm động lực cho mỗi người bắt đầu một vòng quay mới theo thời gian. Như Nguyễn Huy Thiệp viết: "Ba ngày Tết trôi qua, lòng đường đầy xác pháo. Ai cũng có cảm giác ngày Tết trôi nhanh! Ngày nào mà chẳng trôi nhanh, hở giời?"

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm