Góc Anh Ngọc: Cuối cùng, họ cũng về nhà

26/06/2012 14:22 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Khi những tiếng hò reo cổ vũ đội Ý trên sân trong hầu hết trận đấu chùng xuống, là họ hát vang một câu quen thuộc mà ở cuối trận thắng Ukraina tuần trước, người ta đã nghe thấy vọng rền ở sân Donbass Arena tận Donetsk xa xôi: "Chúng ta sẽ không về nhà".

Ở sân Olimpic đêm tứ kết, cuối hiệp hai và cuối hiệp phụ thứ hai, họ hát tiếp đoạn đó, với sự hứng khởi cao độ.

1. Gần 8 nghìn cổ động viên Anh ngồi trắng cả một góc khán đài phía sau gôn. Họ tin tưởng vào khả năng của đội nhà, vào những gì Roy Hodgson đã đem lại cho tinh thần của họ sau mấy tháng căng thẳng và rắc rối trước giải, với việc Capello từ chức và việc Anh thiếu vắng một vài hảo thủ cho cuộc đấu trên đất Ukraina.


Rooney và đội Anh chỉ hùng dũng trong quảng cáo của hãng Umbro

Họ cũng như Hodgson đã tin rằng, cứ lui lại, chờ phản công và tìm kiếm các cơ hội để đánh bại người Ý vốn chắc chắn sẽ chơi tấn công từ đầu. Nếu các cơ hội đó không từ trên trời rơi xuống, hoặc không thể tạo ra chúng, thì loạt luân lưu 11 mét sẽ giải quyết tất cả. Họ đã tin là như thế, rất tin là đằng khác. Những câu chuyện ở các quán cafe trước sân, trước khi trận đấu diễn ra, quanh đám cổ động viên cũng xoay quanh việc có penalty hay không. Báo chí Anh và nhất là cái tên Hodgson dường như đã đảm bảo cho họ về một kết cục như vậy.

Tất cả đã diễn ra đúng theo kịch bản của họ, trừ một chi tiết rất nhỏ: người chiến thắng không phải là họ, và chính họ phải trở về nhà.

2. Sự hùng hậu của fan Anh ở Ukraina cho giải lần này chỉ thua mỗi Thụy Điển. Nhưng Thụy Điển cũng đã về nhà. Trận đấu với Ý ở tứ kết tập trung nhiều người khoác cờ Thánh George hơn bao giờ hết. Họ đổ về Kiev từ nhiều nơi khác nhau, thực hiện những chuyến đi rất dài với mức chi phí không nhỏ, để rồi sau đó phát hiện ra, Ukraina không như những gì mà họ đã được nghe, được thấy, được đọc trên báo chí Anh, vốn đưa ra một cái nhìn hết sức tệ hại về nước đồng chủ nhà EURO.

Ba anh chàng người Anh trông rất có học  mà tôi đã ở chung khoang trên một chuyến tàu từ Donetsk đi Kharkov mới rồi cùng thừa nhận rằng, họ không thấy ở đây có phân biệt chủng tộc, có các tệ nạn mà báo chí đã đồn thổi ầm ỹ, và vé thì kiếm được không khó một chút nào. Họ cảm thấy tiếc, bởi các vấn đề chính trị mà báo Anh theo đuổi trong cuộc chiến chống chính phủ Kiev liên quan đến vấn đề Tymoshenko đã hại chính cổ động viên của họ.

Matthew, anh chàng "Pháo thủ" đến từ London và là người thần tượng Arsene Wenger nói rằng: "Rất ít khi đội Anh thi đấu xa mà cảm thấy đúng là họ xa nhà, bởi lượng fan đi theo họ rất đông, ngay cả khi World Cup đá ở châu Phi. Nhưng lần này, người ta tin báo chí sái cổ, và họ thà ở nhà còn hơn. Ngay cả Sol (Campbell) cũng làm cho họ sợ về nạn phân biệt chủng tộc. Tất cả đều là lừa dối".

 Không hẳn là tất cả, Matthew, vì giá cả ở Ukraina tăng vọt khiến tiền thuê phòng trở thành một cơn ác mộng với những ai thích ở một cách từ trung bình trở lên (tôi thầm nghĩ, làm sao Matthew và các bạn có thể hiểu được sự sung sướng của việc ở trong "khu tập thể Kim Liên" của chúng tôi ở Kiev?). Nhưng ở Olimpic, trong một sân chỉ có một nhúm màu Thiên thanh, người ta vẫn thấy những tiếng "Italia, Italia" ở khắp nơi. Còn nhóm các fan Anh chìm nghỉm giữa những tiếng hát ấy. Chẳng ngạc nhiên khi thấy Matthew và các bạn của anh chạnh lòng.

Đối với nhiều cổ động viên Anh ngồi xen kẽ trong khán đài nam ở sau một khung thành, đêm tứ kết là cả một cơn ác mộng. Họ mua vé lẻ và vì thế phải ngồi xa nhóm cổ động viên đông đảo ở phía khung thành đối diện. Họ cũng chờ đợi trong khắc khoải giây phút mà Hodgson và các học trò của ông sẽ tiêu diệt Italia trên chấm phạt đền. Một nhóm nhỏ người Anh mặc áo đỏ từ thời Sheringham còn khoác áo Tam Sư la lên ầm ỹ khi Montolivo đá hỏng quả penalty và rồi sau đó Anh vượt lên dẫn trước trong loạt luân lưu. Nhưng họ gần như xỉu xuống lúc hai anh chàng Ashley lần lượt đá hỏng phạt đền. Một sự im lặng như chết phủ lên họ khi Diamanti đá xong quả quyết định.

3. Không có party nào xảy ra sau đó. Tất cả kết thúc. Họ hiểu là đội Anh đá thế không xứng đáng chiến thắng và cũng không có lí do để phá phách nhằm thể hiện sự bất mãn như bọn hooligan vẫn làm. 5 nghìn cảnh sát được huy động cho trận đấu trên thực tế đã "thất nghiệp" và sự mạnh mẽ cứng cỏi của họ rốt cục chỉ thể hiện trên quân phục và những gương mặt đầy kiêu hãnh.

 Hệt như quảng cáo của hãng Umbro ở đường tầu điện ngầm ngay cạnh sân Olimpic. Ở đó, có gương mặt của Rooney, im lặng, kiêu hãnh, nhưng bất lực.

Bài và Ảnh: Anh Ngọc (từ Kiev)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm