Góc Anh Ngọc: Ở nơi cuộc sống trôi trong bụi than

22/06/2012 14:52 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Cả một vùng đất đã trở nên nổi tiếng thế giới không chỉ vì than, mà còn vì tinh thần và thái độ của họ với cuộc sống, cũng như một đội bóng của người thợ mỏ, đội Shakhtar Donetsk (mà họ muốn gọi là "Shaktior": thợ mỏ) hơn.

Xem chi tiết P/S ảnh về mỏ than tại đây

Petrovskayaya chỉ là một khu rất nhỏ trong số hàng trăm mỏ của cả một vùng Donbass từ hơn một thế kỉ nay sống cùng than, chết cùng than, sướng vì nó và cũng khổ vì nó.

* Mỏ than chết trong vùng đất chết

Xa trung tâm Donetsk hơn 10 km là một thế giới rất khác. Không khí nằng nặng mùi và dù không thấy được, nhưng chỉ cần lấy giấy vệ sinh lau lên mặt là có thể nhìn thấy bụi đen đặc quánh.

Petrovskaya thể hiện hết tất cả những gì đang xảy ra trong không chỉ ngành công nghiệp khai thác than đá của Ukraina, mà còn của chính nền kinh tế đất nước: mỏ than trong tay nhà nước ấy đang hoạt động một cách thoi thóp vì thiếu vốn và đang chờ được tư hữu hóa. Hàng chục giếng than lớn ở vùng Donbass đã bị đóng cửa vì không có vốn. Hàng chục giếng khác đang hoạt động cầm chừng như Petrovskaya. Phần còn lại đã bị tư hữu hóa và chủ yếu nằm trong tay của Rinat Akhmetov, người giàu nhất đất nước. Chính những người như Akhmetov giờ đang kiểm soát gần 80% những khu mỏ ở nơi này.

Ở Petrovskaya, một bức tượng Lenin dựng trong khuôn viên trước tòa nhà hành chính của mỏ và ở cửa ra vào, những chữ "CCCP" là biểu tượng của một quá khứ Xô Viết sống động vẫn còn nhắc nhở rằng, trong gần một thế kỉ, nơi đây đã đã đóng góp không ít cho Liên Xô thứ than đá tuyệt hảo.



Tượng Lenin trước khu mỏ Petrovskaya.

Đã 21 năm trôi qua kể từ ngày Liên Xô sụp đổ và Ukraina tách ra thành nước độc lập, vẫn chẳng có gì thay đổi ở nơi này. Ban quản lí mỏ Petrovskaya chấp nhận cho chúng tôi vào thăm mỏ, đến gần như mọi ngóc ngách của nơi này, cho phép chụp ảnh về tình trạng ngặt nghèo mà nơi này đang rơi vào, với một điều kiện duy nhất: không được đưa ảnh lên internet. Một lí giải quá rõ ràng: người ta không muốn có quá nhiều người biết đến tình trạng kinh khủng mà Petrovskaya đang trải qua, trong khi chờ đợi chủ mới đầu tư.

Căn nhà được xây từ những năm 1950 vẫn còn nguyên vẹn, hầu như chẳng có gì thay đổi. Những hành lang ẩm mốc bốc lên một thứ mùi khó chịu. Những máy hút gió to khủng khiếp vẫn chạy từ những năm tháng Xô Viết. Những chiếc mũ đội đầu và cái chụp ô xi cho thợ dường như có từ những thế kỉ trước. Hành lang dài nối khu nhà với hầm thang máy đưa những kíp thợ mỏ xuống điểm khai thác cách mặt đất hơn nửa cây số đã lở loét và cỏ mọc đầy. Chiếc thang máy đã rỉ sét và ròng rọc đưa họ xuống kêu kẽo kẹt như răng bà già…

Người điều khiển thang máy là một phụ nữ đứng tuổi và làm việc trong một căn phòng cũ kỹ rách nát từ nhiều năm rồi. Khu sàng than hoạt động cầm chừng. Nơi tắm rửa cho những người thợ bẩn thỉu và tối tăm, cửa kính đã vỡ gần hết. Tất cả đều cũ kĩ, rách nát và dường như đang tồn tại trong một vùng đất chết.



Tác giả ở khu mỏ.  

* Góc khuất mà ánh đèn EURO không rọi tới

Nhưng nơi này không chết, vì nó phải sống một cách lay lắt, dù trữ lượng than được dự báo là vẫn còn có thể khai thác được trong 25 năm nữa.

Giám đốc mỏ Oleksandr, 32 tuổi và là một cổ động viên trung thành của đội Shaktar Donetsk của thành phố mà anh sinh ra này, nói rằng mỏ chỉ còn khoảng 200 công nhân làm việc mỗi ngày trong khi thời đỉnh cao đã qua từ rất lâu, luôn có hơn 3 nghìn công nhân khai thác than ngày đêm.

Petrovskaya bây giờ chính là một hình ảnh tiêu biểu của ngành công nghiệp từng một thời là niềm tự hào của Ukraina, và khi mọi thứ bắt đầu tàn lụi từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nơi đây trở thành chiến trường của những kẻ giang hồ, những băng mafia và là sân khấu cho ra đời những kẻ đầu cơ như Akhmetov, hiện cũng là chủ của đội Shaktar.

Anh không nói sai, bởi con người sinh ra trong một gia đình thợ mỏ-thành phần cực kì cơ bản của người dân ở nơi vào cuối thế kỉ 19 này được một người xứ Wales phát hiện là có trữ lượng than lớn-đã chứng kiến tất cả, dù còn rất trẻ. Nơi này đã từng là mỏ vàng đen của Liên Xô trong những năm 1960, và Donetsk phát triển hết sức nhanh chóng về dân số và quy mô thành phố trong thời gian ấy. Sau năm 1991, tất cả đã thay đổi khi nhà nước không thể đầu tư nhằm hiện đại hóa trang thiết bị khai thác.

Petrovskaya cần 1 triệu USD để mua trang thiết bị mới. Nhưng một chuyên gia rất có kinh nghiệm đi cùng chúng tôi bảo rằng, để Petrovskaya nhận được 1 triệu USD ấy, nhà đầu tư phải bỏ ra thêm 2-3 triệu USD nữa để bôi trơn cho các quan chức tham nhũng và một mạng lưới "bảo kê" khác.

Người ta bảo, đến Donbass mà không thăm một mỏ than, thì rõ ràng là ta chưa đặt chân đến vùng đất này. Những gì đang diễn ở đây phản ánh một phần thực tế mà đất nước này đang trải qua, khi ánh đèn EURO 2012 rạng rỡ của sân Donbass Arena không đến được đây. Cách xa nơi ấy nhiều cây số, là một thế giới của biết bao những núi đất đá được đưa lên từ các mỏ, cao từ không kém Donbass Arena mà nhiều người không hề biết đến và xung quanh những ngọn núi là câu chuyện của biết bao con người và bao cảnh đời.

EURO đã làm thay đổi điều gì trong cuộc sống của những người thợ mỏ, một khi chỗ làm đang hết sức bấp bênh, có thể bị sa thải bất cứ lúc nào? Oleksandr bảo, công nhân được nghỉ trong những ngày mà đội tuyển Ukraina đá để họ không bị ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động. Bây giờ thì đội Ukraina đã bị loại khỏi giải, nhưng EURO vẫn phải diễn ra trên đất Ukraina mà không cần họ.

Những người công nhân trở lại với nhịp độ công việc chậm chạp và đầy chán nản, với mức lương chết đói, ở vùng đất của Akhmetov, người giàu nhất Ukraina với 16 tỉ USD tài sản. Ông là một trong số 17 nghị sĩ quốc hội và thành viên chính phủ có tên trong danh sách 50 người giàu nhất đất nước này...

                        Bài và ảnh: Anh Ngọc(từ Donetsk)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm