05/01/2013 14:24 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Hay tin nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM không được khỏe, nhạc sĩ Nguyễn Lưu đã gửi tới TT&VH những chia sẻ về vị nhạc sĩ quen thuộc với công chúng yêu âm nhạc này.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tên thật là Lưu Trần Nghiệp, còn bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh năm 1931 tại Long Xuyên và là một tên tuổi quen thuộc của người yêu nhạc Việt Nam. Ông đã tham gia hoạt động âm nhạc cùng với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc và để lại nhiều tác phẩm xuất sắc.Hoàng Hiệp vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho văn học nghệ thuật và khi nhắc đến tên ông, công chúng cả nước đã liên tưởng ngay đến các ca khúc nổi tiếng như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông, Viếng lăng Bác...
Trong đó, nổi bật lên từ tác giả này là 2 mảng đề tài rất rõ rệt: Những ca khúc cách mạng: Lá đỏ, Ngọn đèn đứng gác, Đồng đội, Cô gái vót chông, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây... và bên cạnh đó là những ca khúc trữ tình mang đậm tình yêu quê hương trong bối cảnh đất nước thanh bình qua những ca khúc: Đất mũi Cà Mau, Viếng lăng Bác, Nhớ về Hà Nội, Thành phố tôi yêu, Thơ tình người lính biển, Trở về dòng sông tuổi thơ, Em vẫn đợi anh về, Mùa chim én bay, Nơi gặp gỡ tình yêu...
Người phổ thơ giỏi nhất Việt Nam?
Rất khó nói khác điều này, nếu có sự so sánh nào đó về nghệ thuật sáng tác, đặc biệt về cái duyên và cái tài phổ thơ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp với đồng nghiệp. Nhà thơ Trinh Đường từng tâm sự rất thật với người viết bài này: “Các ông làm nhạc ơi, chắc là các ông sẽ gặp khó khăn khi so đọ với cánh thơ chúng tôi về ngôn từ, vậy theo ý mình thì cứ tìm một bài thơ nào đó mà thấy tâm đắc rồi phổ “quách” nhạc vào đó có hay hơn không?”. Rồi nhà thơ chỉ sang nhạc sĩ Hoàng Hiệp đứng gần đó: “Đấy, vua phổ thơ đó”.
Tra cứu lại thì quả có thế. Bản danh sách đại khái thế này: Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi), Ngọn đèn đứng gác, Đồng đội (Chính Hữu), Cô gái vót chông (Moli Clavy), Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật), Đất quê ta mênh mông (Dương Hương Ly), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Đăng Giao), Viếng lăng Bác (Viễn Phương), Nhớ về Hà Nội (Lê Giang), Thành phố tôi yêu, Thơ tình người lính biển (Trần Đăng Khoa), Trở về dòng sông tuổi thơ, Em vẫn đợi anh về, Mùa chim én bay (Diệp Minh Tuyền), Hoa hồng (Hoàng Phủ Ngọc Tường)...
Dễ có đến 85% những tác phẩm này là các ca khúc có tiếng và có lời thơ của những thi nhân có hạng. Thật sự thì tôi cũng đã rất cố gắng để tìm thấy điều ngược lại, nhằm có cái gì phản bác một cách đáng yêu (!) với ý của nhà thơ Trinh Đường, song mọi nỗ lực đều không sao chứng minh được điều gì, ngoài chân lý đã nói ở trên: Người nhạc sĩ rất lãng mạn của đồng bằng sông Cửu Long quả là bậc vô địch về khía cạnh phổ thơ, một bậc tài năng.
Câu hò bên bờ Hiền Lương
Tôi đã đọc đâu đó, lời tâm sự của ca sĩ Văn Hanh, em trai nữ ca sĩ nổi tiếng Thương Huyền. Ông Văn Hanh là ca sĩ đầu tiên thu băng bài hát ấy tại Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1957. Đầu đề bài hát là Câu hò bên bến Hiền Lương và làm gì có cái bến nào ở đó, chưa kể câu đầu tiên là Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về…, tiếc là đến giờ, người ta đã thậm vô lý khi sửa tên bài hát ấy thành Câu hò bên bờ Hiền Lương! Tuy nhiên, chuyện tôi kể lại là hoàn cảnh mà tác giả đã viết lên giai điệu xuất sắc kia.
Đó là vào mùa khô năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Buôn Mê Thuột lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một trại sáng tác âm nhạc và thơ đã được tổ chức tại Đắk Lắk. Trong đoàn văn nghệ sĩ TP.HCM tham gia trại có trưởng đoàn là nhạc sĩ Xuân Hồng và các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Lư Nhất Vũ, Phạm Minh Tuấn, Trần Quang Huy, cùng các nhà thơ Lê Giang, Trần Mạnh Hảo. Chính trong dịp ấy, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động như sau:
Khi 2 miền còn chưa thống nhất, nhạc sĩ Hoàng Hiệp có chuyến đi thực tế ở ngay bên bờ Hiền Lương. Ông quen một người miền Nam vốn là bộ đội ra Bắc tập kết và không hiểu sao anh này xung phong nhận nhiệm vụ chiều chiều leo lên cây đa ngay đầu làng và gần bờ sông Hiền Lương để “a lô” mọi chuyện của hợp tác xã nông nghiệp cho bà con nghe. Mãi sau mới biết, người trai tập kết ấy kể rằng ngay bên bờ con sông chia cắt đất nước đó là gia đình anh, trước khi sang bờ bên này tập kết, lũ giặc dã man đã giết chết cả cha mẹ của cô vợ trẻ của anh.
Vì thế, mỗi khi trèo lên cây cao, anh hy vọng có thể nhìn thấy rõ hơn vợ con mình. Có hôm anh nhìn thấy con trai anh đang chạy đi chạy lại mà rơi nước mắt mong ngày thống nhất… Chao ơi, tôi cam đoan những ai đã nghe câu chuyện này đều rưng rưng xúc động mỗi khi họ nghe câu mở đầu “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê…”. Gần 30 năm đã trôi qua, tôi vẫn chưa sao quên được ấn tượng sâu lắng và cả những giọt nước mắt của chính mình và nhiều thành viên trại sáng tác năm ấy khi nghe nhạc sĩ Hoàng Hiệp tâm sự câu chuyện xúc động này.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (bìa phải) trong lần đến thăm nhạc sĩ Hoàng Hiệp |
Hoàng Hiệp và Cô gái vót chông
Cũng cùng thời gian ấy, chúng tôi tiếp xúc nhà thơ Moli Clavy, người dân tộc Ê Đê, quê ở sông Hinh, vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Từ một bài thơ chưa thật xuất sắc về nghệ thuật nhưng hấp dẫn ở đề tài đã lọt vào mắt xanh người nhạc sĩ, thế là bài hát Cô gái vót chông ra đời. Năm tháng trôi qua, bài hát ấy đã có số phận riêng rất khó lẫn.
Khỏi cần đề cập lại chất lượng nghệ thuật của ca khúc rất độc đáo này. Điều cần nói rõ hơn là việc chính từ tác phẩm ấy, từ kỹ thuật diễn xướng của nghệ sĩ Tường Vy mà hiện tượng bắt chước tiếng chim bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam, sau Cô gái vót chông thì rõ nhất là Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), thậm chí cách hát ấy đã trở nên một xu hướng biểu diễn của giới ca sĩ.
Thứ hai, Cô gái vót chông đạt kỷ lục về số lượng ca sĩ sử dụng và đã biểu diễn thành công, đó là Tường Vy, Lê Dung, Anh Thơ, Hoàng Tùng, Thu Giang, Bích Việt, Hồng Vy, Quang Linh, Phương Thảo và vài người khác, nhất là các ca sĩ trẻ được học thanh nhạc trong các nhạc viện. Từ danh sách trên cũng có thể thấy được rằng ca khúc Cô gái vót chông xứng đáng xếp hạng cao, bởi chỉ có một tác phẩm tốt mới có nhiều ca sĩ yêu thích và sử dụng trên sân khấu.
Cuối cùng, rất độc đáo là việc Cô gái vót chông là tác phẩm âm nhạc duy nhất ở ta có “ông ba mươi” trong ca từ. Vẫn biết, loài hổ là chúa sơn lâm, ước mơ hóa hổ thật chẳng của riêng ai song “ông ba mươi” chỉ có thể xuất hiện trong hội họa, điện ảnh và mỹ thuật, chưa kể có thật nhiều trong thi ca, nhưng ở âm nhạc thì tìm đâu ra! Thế mà ở Cô gái vót chông đã có đó, chúng ta cùng nhắc lại:
Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo
Em chưa ngừng tay vót chông làm cạm bẫy
Nhưng mai đây giặc chạy rồi, tre rừng ta làm nhà, làm chòi cao…
Những làn gió Xuân đã tràn về, xin kính chúc nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tác giả bài ca Nhớ về Hà Nội nhanh chóng khỏe mạnh và trở lại với nét lãng mạn như chính sự mạnh mẽ và trữ tình trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông.
Nguyễn Lưu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất