22/02/2013 10:00 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Bob Dylan từng hát “Tôi sinh ra ở một nơi rất xa với chốn đúng ra tôi phải thuộc về, cho nên cả cuộc đời đối với tôi là sự trở về”. Những chàng trai Mumford & Sons vừa mang trong mình những quá khứ đẹp của rock, vừa tượng trưng cho cả tương lai của nó. Giải thưởng Grammy mới đây là tín hiệu tốt đẹp của một sự trở về.
Niềm tự hào Anh quốc
Hai năm liên tiếp người Anh lại thống lĩnh Grammy. Năm ngoái là Adele, năm nay đến lượt Mumford & Sons. Nếu Adele mượt mà soul/pop thì Mumford & Sons nhịp nhàng cùng folk rock, một kiểu rock dân gian mà đối với nhiều người tưởng chừng đã được xếp vào viện bảo tàng, nhất là từ khi Bob Dylan đã dần ít xuất hiện vì tuổi tác.
Tờ Hitfix bình luận rằng khi mà rock suốt một thời gian dài chỉ được nói ở thì quá khứ hoặc giả định ở thời tương lai thì những nhóm nhạc như Mumford & Sons hay The Black Keys (đều đoạt Grammy năm nay) là những đơn cử đẹp ở hiện tại. Đã gần một thập niên sau khi U2 gây đình đám tại Grammy khi biến rock thành một môn khoa học hỗn hợp, có cả ánh sáng, điện tử trộn lẫn, lúc ấy nhiều người cho rằng rock đã đi hết vận tốc ánh sáng của mình. Trước U2, rock trải qua mọi trào lưu, từ những tiếng yeah yeah yeah non nớt như tình đầu của Beatles đến âm thanh vũ trụ từ phát minh của David Bowie, từ bộ mặt vẽ hình Hỏa tinh của The Kiss đến không gian âm thanh như đến từ ngoài Trái đất cùng các thí nghiệm phòng thu kinh hoàng của Pink Floyd, từ tiếng gào rú như điên loạn của Janis Joplin đến tiếng khề khà nổi gai ốc của Bob Dylan… Tất cả như thể được khoác một chiếc long bào và có một ngôi vị không thể thay thế trong ngôi đền rock.
Nhóm Mumford & Sons |
Đường về
Chỉ cần nhìn cái tên ban nhạc cũng đủ biết người sáng lập nó là ai. Marcus Mumford sinh năm 1987, chơi thành thạo nhiều nhạc cụ, xem Bob Dylan là thần tượng và nguyện đi theo rock đến hơi thở cuối cùng từ năm 15 tuổi. Mumford thành lập nhóm vào năm 2007 cùng với người bạn chung Trường Đại học Kings (Wimbledon, Anh), Ben Lovett. Ban đầu cả hai chỉ chơi nhạc chung nhưng càng lúc họ càng tỏ ra đồng hướng trên con đường theo đuổi rock. Đối với họ, rock là một cuộc hành hương chứ không nhất thiết phải là một thể dạng đặc trưng nào đó. Và trên con đường tìm về, họ thống nhất nhiều chất liệu để diễn tả ngôn ngữ âm nhạc của mình.
“Tìm về” có thể là một hướng đi đúng nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi bởi mọi sự mô tả, nếu không có sáng tạo, sẽ trở thành rập khuôn. Trên con đường trở về ấy có rất nhiều đá tảng mà Mumford & Sons phải vượt qua nếu không họ sẽ trở thành một nhóm nhạc cover mà hằng hà sa số đang nhan nhản trên thị trường. Mumford và Ben Lovett thống nhất với nhau là màu sắc âm nhạc sẽ mang màu folk rock nhưng pha thêm nhiều chất liệu hiện đại. Sự pha trộn này không phải là tính ngẫu nhiên mà cả hai đã rất sáng tạo để tạo nên một cá tính đặc trưng của nhóm. Âm nhạc của họ mang dáng dấp của Bob Dylan nhưng ca từ lại mô phỏng thơ của Plato, Aristotle hay Shakespeare. Có cảm giác âm nhạc của Mumford & Sons mang nhiều tính cứu rỗi bởi trong ca từ của họ luôn toát lên sự hướng thượng, những câu thơ mang đầy thi vị, tràn trề sức sống. Album đầu tay của họ, Sigh No More, được đặt tên từ tác phẩm Much Ado About Nothing của Shakespeare. Ca khúc Roll Away Your Stone có nhiều đoạn lời được lấy từ Macbeth. Hai ca khúc Timshel và Dust Bowl Dance cũng mang nhiều dáng dấp tinh thần của nhà văn John Steinbeck trong 3 tác phẩm: Chuột và người, Chùm nho phẫn nộ và Phía Đông vườn Địa đàng. Mumford thừa nhận anh bị ảnh hưởng bởi văn học cổ điển nhưng “những điều ấy không làm giảm đi giá trị của nó trong cuộc sống hôm nay. Bọn tôi hay nói đùa là làm thế thì không sợ bị luật sư gõ cửa đòi kiện bản quyền nhưng thực tế là thế giới hôm nay đã che lấp rất nhiều giá trị cũ cần được làm sáng rõ hơn”.
Trong bài hát được xem là thành công nhất của mình, I Will Wait, Mamaford đã hát “Và anh đã trở về nhà/như hòn đá/và đổ gục vào vòng tay em/Trong những ngày mà bóng đêm phủ khắp như thế này/Chúng ta đều biết/rằng tất cả sẽ bị thổi đi theo ánh nắng Mặt trời”. Nghe những ca từ như thế dường như cảm lại được mùi âm nhạc ngày cũ của Bob Dylan. Âm nhạc của Mumford & Sons không có mùi thuốc súng, họ tự tạo nên một cuộc chiến ngấm ngầm trong tâm khảm và cùng giúp nhau vượt qua.
Mumford & Sons có đội hình rất trẻ, gồm 4 người: Marcus Mumford (hát chính, guitar, trống, mandolin), Ben Lovett (keyboards, accordion, trống), Winston Marshall (đàn banjo, guitar, guitar thùng sắt) và Ted Dwane (bass, trống, guitar). Album đầu tay, Sigh No More, khá thành công và đã từng được đề cử Grammy nhưng thất bại. Album thứ hai, Babel, phát hành tháng 9/2012 đã giành chiến thắng tại hạng mục quan trọng nhất của Grammy, Album của năm. Tờ Christianity Today cho rằng Mumford & Sons đã nghiên cứu rất kỹ các thể loại rock “như một cậu sinh viên tỉ mẩn, đọc hết các loại sách từ quá khứ đến hiện tại và cuối cùng tìm ra một lối riêng cho mình, một lối đi ít người đi. Họ đã giải phóng năng lượng bằng âm nhạc của mình với tất cả đam mê và sự thành kính và những gì họ đang có mới chỉ là sự bắt đầu”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất