Đóng cửa YxiNeFF: Tiệc đã tàn, những gì còn ở lại?

04/12/2014 16:16 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Phút cuối lễ bế mạc và trao giải YxineFF 2014- liên hoan phim ngắn quốc tế trên mạng đầu tiên do các bạn trẻ Việt Nam khởi xướng và tổ chức - đã trở thành phút chia tay thực sự khi đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, một trong hai thành viên chủ chốt của Ban tổ chức, tuyên bố “dừng cuộc chơi” ở năm thứ năm vì vấn đề bản quyền. Trao đổi với Thể thao & Văn hóa cuối tuần xung quanh quyết định này, Nhật Linh vẫn còn khá xúc động.

* Anh có phải là người đi với YxineFF từ mùa đầu tiên, năm 2010 “chân ướt chân ráo” không, khi đó, tôi nhớ anh đang còn theo học đạo diễn ở California?

- Vâng, Cường Marcus, Quỳnh Hà và tôi là những người đi với YxineFF từ những ngày đầu tiên. Xuất phát điểm của nó là diễn đàn Yxine như chị đã biết, trên đó các bạn có post một số phim ngắn của mình lên để chia sẻ với mọi người, khi ấy chúng tôi đã mơ ước có một LHP. Thời điểm đó Internet bắt đầu chuyển hướng, sang blog, rồi Facebook, phong trào diễn đàn lắng xuống, tôi và Quỳnh Hà cũng có dự án làm phim ngắn của mình. Và thế là chúng tôi bàn tới việc có một tiệc phim. Gọi là “tiệc” thôi, vì muốn nó vui. Lúc đó cũng không hình dung nó sẽ lớn tới mức độ nào, chỉ nghĩ đó là một sân chơi nho nhỏ cho các bạn yêu thích làm phim. Cái gì đầu tiên cũng khó khăn, nhưng YxineFF thì có nhiều thuận lợi vì nó mới. Khó lớn nhất chỉ là lúc ấy cả ba chúng tôi đều không ở Việt Nam, Cường ở Đức, tôi và Quỳnh Hà ở Mỹ. Vì vậy “tiệc phim” trên mạng, làm việc online là tiện nhất. Cứ vừa làm vừa điều chỉnh chứ cũng chưa biết mô hình của “tiệc phim” cuối cùng nó như thế nào. Đến khi bế mạc, thấy mọi người ai cũng thích, thế là biết mình thành công. Rồi làm tiếp...

* Vâng, tôi vẫn nhớ tiệc bế mạc đơn sơ của năm đầu tiên 2010. Khó tin được là từ con số 0, YxineFF mùa đầu tiên đã thu về 120 tác phẩm dự thi, rồi sau đó mỗi năm số lượng một tăng thêm, mùa thứ năm là 200 tác phẩm, các hạng mục dự thi cũng ngày càng mở rộng, từ trong nước ra khu vực, ra quốc tế...

- Qua hai mùa, nhận thấy chất lượng các phim dự thi thiếu đi sự đột phá, chúng tôi nghĩ nếu cứ lủi thủi làm với nhau ở trong nước thì không được, cần có sự cọ xát với quốc tế. Vì vậy đến năm thứ ba, YxineFF không chỉ còn là sân chơi riêng của các nhà làm phim ngắn Việt Nam nữa. Đó cũng là năm YxineFF thành công, chất lượng phim dự thi rất tốt. Mỗi mùa tiệc phim chúng tôi đều muốn tìm ra một cái gì đó mới, để YxineFF có thể phát triển lâu dài.

* Và từ những hoạt động khá âm thầm và riêng lẻ giờ trở thành một phong trào “người người làm phim ngắn”. Bản thân cũng là một đạo diễn, anh nhìn thấy gì từ phong trào làm phim ngắn ở YxineFF từ góc độ nghề nghiệp?

- Phim ngắn, theo tôi, chỉ là bước đầu tiên, bước đệm của người làm phim. Khi đã làm phim ngắn đầu tiên tốt rồi, người ta không cần làm phim ngắn tốt lần thứ hai. Nên bắt tay vào làm phim dài. Mùa thứ năm vừa qua, hội thảo do YxineFF tổ chức luôn khuyến khích các bạn xây dựng dự án phim dài.

Còn YxineFF mỗi năm phát hiện ra 1 - 2 bạn làm phim ngắn hay, 1 - 2 nhân tố mới là vui rồi. Các mùa tiệc phim sau này, có thể thấy các bạn làm ngày càng tốt hơn rất nhiều, đặc biệt về kỹ thuật. Vấn đề chỉ còn là cách kể chuyện, là bộc lộ cá nhân mình - hai thứ đó phụ thuộc vào tố chất và đào tạo. Tôi nghĩ thế là YxineFF đã hoàn thành sứ mệnh của mình...

* YxineFF có thể đã hoàn thành sứ mệnh tạo sân chơi, gây phong trào. Nhưng trong lời chia tay của anh, vẫn thấy le lói hy vọng, như anh nói, là đóng vào để mở ra. Vậy sẽ mở ra cái gì?

- Đây chỉ là mong muốn của cá nhân tôi thôi, và có lẽ là nó quá lớn đối với một cá nhân. Tôi muốn YxineFF là một LHP thực sự, được tổ chức 5 ngày như bất kỳ một LHP nào khác, và vẫn giữ tinh thần độc lập của nó. Thực ra thì mỗi mùa YxineFF chúng tôi đều đã có “test” cho ý tưởng này, với các chương trình chiếu phim gala, hội thảo, chợ phim... Đó có thể xem là những bước tập sự cho một LHP thực sự. Tiếc là chúng tôi có những bất đồng quan điểm về hướng đi.

* Không dễ dàng để xây nên một YxineFF với mạng lưới toàn cầu chỉ sau 5 năm ra mắt, vậy mà các bạn dễ dàng đóng cửa chỉ vì những bất đồng cá nhân sao?

- Không, thật sự thì không dễ dàng để làm việc đó. Rất khó khăn và phức tạp nữa, nhưng xin phép cho tôi không nói thêm về vấn đề này.

* Điểm yếu của người Việt Nam chúng ta là làm chung với nhau, anh có thấy vậy không?

- Chuyện bất đồng giữa các cá nhân không chỉ có ở Việt Nam. Ở nước ngoài cũng vậy thôi. Tuy nhiên điểm khác nhau là khi có chuyện thì pháp lý luôn là một vấn đề. Bản thân mình sinh ra trong một môi trường không mấy coi trọng các vấn đề pháp lý như nhiều quốc gia khác, bắt tay vào là làm, không quan tâm tới các vấn đề thuộc về bản quyền, pháp lý, nên gặp phải chuyện này là mình đuối... Như chuyện taxi Uber ở các nước khác thì không sao nhưng ở Việt Nam lại gặp rắc rối...

* Vừa chia tay YxineFF, đã thấy anh trên phim trường. Một kế hoạch mới lại mở ra?

- Tôi về lại Việt Nam đã 5 năm, cùng với YxineFF (Phan Gia Nhật Linh tốt nghiệp Khoa Sản xuất phim Trường Điện ảnh Đại học Nam California, Mỹ). Giờ nhìn lại mới thấy thời gian đã 5 năm - tất nhiên đó là sự lựa chọn của mình. Bây giờ cũng đã tới lúc mình tính làm cho riêng mình. Năm tới tôi sẽ tập trung cho dự án làm phim và sẽ trở lại dự án cộng đồng sau, khi đủ điều kiện.

* Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Giải thưởng chính YxineFF 2014

- Giải Trái tim vàng (phim xuất sắc nhất hạng mục tranh giải quốc tế): Mùi (Lê Bảo)

- Giải Trái tim hồng khu vực (khán giả bình chọn): Hạt cam và con mèo vàng không tuổi (Nguyễn Lê Hoàng Việt).

- Giải Trái tim lửa (giải sản xuất cho bộ phim hay nhất): Contreband (Julien Smith).

- Giải Trái tim cầu vồng (dành cho phim hay nhất về đề tài LGBT, đồng tính, song tính và chuyển giới): Talking To My Mother (Leon Le), phim đồng thời giành thêm giải Trái tim hồng quốc tế (giải khán giả bình chọn).

- Giải Trái tim Việt Nam (giải báo chí phê bình): Ðồng điệu (Bùi Nguyễn Diệu Anh).

Ban giám khảo quốc tế gồm: Đạo diễn Trần Anh Hùng, đạo diễn hình ảnh Benoit Delhomme, nhà văn Phan Việt, nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh, diễn viên Ngô Thanh Vân.

P.T.T.T (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm