Giải Pháp mở rộng 2009: Sụp đổ một đế chế

01/06/2009 08:47 GMT+7 | Tennis

(TT&VH) - Cú sốc lớn nhất tại Roland Garros 2009! Chính xác hơn, đó xứng đáng là cú sốc lớn nhất trong lịch sử giải đấu này: ông vua sân đất nện Rafael Nadal đã gục ngã một cách đau đớn trên chính thành trì bất khả xâm phạm của mình.
Cú trượt ngã lịch sử

Nadal đã đến Roland Garros năm nay với những lời ca tụng như thường lệ. Thất bại trước Federer ở chung kết Madrid Masters dường như chẳng ảnh hưởng tới vị thế của tay vợt này ở Roland Garros, giải đấu mà anh đã giành chức vô địch 4 lần liên tiếp. 5 danh hiệu ATP kể từ đầu năm, trong đó có 3 chức vô địch liên tiếp trên mặt sân đất nện ở Monte Carlo, Barcelona và Rome khiến cho người ta tin tưởng rằng trên mặt sân đất nện ở Paris, chẳng ai có thể khuất phục nổi anh, dù là một Federer đang khát khao tìm lại ánh hào quang, một Murray mới nổi, hay một Tsonga được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của khán giả nhà.

Nhưng báo chí đã “việt vị”, bởi Nadal rốt cục cũng phải gục ngã, chỉ có điều là nó diễn ra quá sớm. Và kẻ đánh bại anh chẳng phải một trong những ông lớn ở trên. Đó là Robin Soderling, tay vợt hạng 25 thế giới, vốn chưa giành nổi một danh hiệu nào trong năm, và bước vào giải đấu này với một phong độ tồi tệ: thắng 11- thua 10. Ở 3 lần chạm trán Nadal trước đây, anh này cũng toàn thua. Nhưng với chiến thắng 6-2, 6-7 (2), 4-6, 6-7 (2) trước ông vua sân đất nện, tay vợt 25 tuổi người Thụy Điển bỗng chốc trở thành trung tâm của mọi sự chú ý.

Công bằng mà nói, Soderling không phải một tay vợt toàn diện như Federer, những cú giao bóng của anh chưa đạt tới kỷ lục về tốc độ như Andy Roddick (249,5 km/h), và khả năng lên lưới thì không thể bằng Lleyton Hewitt thời kỳ đỉnh cao. Nhưng tay vợt người Thụy Điển đã giành chiến thắng nhờ phát huy tối đa sức mạnh của mình vào những thời điểm quyết định nhất cũng như tận dụng được sai lầm của đối phương. Cho dù đánh hỏng (unforced error) tới 59 lần, quá nhiều so với 28 của Nadal, song Soderling lại biết cách chuộc lỗi với số lần đánh thắng điểm (winner) vượt trội: 61 so với 33.
 
Nadal (trái) cùng Ivanovic (đơn nữ) đã trở thành cựu vô địch của giải Pháp mở rộng

Cho dù trên mặt sân nào, điểm yếu lớn nhất của Nadal vẫn là những cú giao bóng thiếu lực (dù anh đại diện cho trường phái cơ bắp), và không có độ hiểm cao. Chính vì thế, khi phải đối đầu với một tay vợt sở hữu những cú giao bóng sấm sét như Soderling, điều tối kỵ là giải quyết thắng thua bằng những loạt tie-break. Nadal đã thay đổi định kiến ấy khi giành thắng lợi 7-2 trong loạt tie-break ở set thứ hai để gỡ hòa 1-1. Nhưng cũng chính vì quá tự tin vào điều đó mà anh đã phải trả giá vào thời điểm quyết định. Ở set thứ 4, khi đã liên tục dẫn trước Soderling 5-4, rồi 6-5, anh lại không thể dứt điểm thành công, để rồi sau đó “ăn đủ” ở loạt tie-break với tỷ số 2-7, khi mà thể lực đã bị sút giảm rất nhiều.

Chắc chắn phải rất lâu nữa, Nadal mới có thể tiêu hóa được thất bại này. Đó là trận thua đầu tiên của anh ở Roland Garros, chấm dứt chuỗi 31 trận thắng liên tiếp kể từ hè 2005. Còn đối với Soderling, đây hẳn là một trận đấu khó quên trong sự nghiệp. Trong lần đầu tiên lọt vào tới vòng tứ kết Roland Garros, anh sẽ đối đầu với Davydenko (10). Tay vợt người Nga này vừa khép lại một ngày buồn của quần vợt Tây Ban Nha bằng chiến thắng 6-2, 6-2, 6-4 trước Verdasco (8).
 
Tạm biệt Ivanovic

Hôm qua không phải ngày của những nhà ĐKVĐ. Nối gót Nadal, Ana Ivanovic (8) cũng trở tành cựu vô địch ở nội dung đơn nữ sau thất bại 2-6, 3-6 trước Victoria Azarenka (9). Trong cuộc so tài này, Ivanovic đã thể hiện một hình bóng kiệt quệ khi mắc tới 20 lỗi tự đánh hỏng, gần gấp 3 lần so với đối thủ người Belarus (7 lỗi).

Nhưng trái với thất bại của Nadal, cú ngã của Ivanovic không làm nhiều người bất ngờ. Cô gái xinh đẹp này đã bước vào Roland Garros với những chấn thương còn chưa thực sự lành hẳn. Những chiến thắng dễ dàng trước các đối thủ không cùng đẳng cấp như Tanasugarn và Benesova (32) rõ ràng không thể hiện được sức mạnh của tay vợt người Serbia. Khi đụng Azarenka, tay vợt đang chơi rất lên tay thời gian qua, điểm yếu về thể lực của Ivanovic (thực tế, cô vẫn phải băng đầu gối) đã bộc lộ qua những bước di chuyển chậm chạp và khả năng phán đoán kém nhạy bén hẳn.

Với thất bại này, Ivanovic đã lỡ hẹn với Safina, đối thủ mà cô từng đánh bại ở trận chung kết một năm về trước, và là hạt giống số 1 ở giải năm nay. Trong khi những ứng cử viên (Venus, Dementieva, và Ivanovic) lần lượt gục ngã thì cô em gái nhà Safin vẫn thẳng tiến với một sức mạnh đáng sợ. Hôm qua, cô đã đè bẹp đối thủ nước chủ nhà Rezai với tỷ số 6-1, 6-0 chỉ sau vỏn vẹn 53 phút. Đây cũng là trận thắng nhanh nhất ở Roland Garros 2009.
 
Phương Chi
 
Các trận vòng 4 đêm qua:

Đơn nam
F.Gonzalez (12) - Hanescu (30) 6-2, 6-4, 6-2.
Murray (3) - Cilic (13) 7-5, 7-6 (4), 6-1.
Soderling (23) - Nadal (1) 6-2, 6-7 (2), 6-4, 7-6 (2)
Davydenko (10) – Verdasco (8) 6-4, 6-4, 6-4

Đơn nữ
Cibulkova (20) - Szavay (29) 6-2, 6-4.
Safina (1) - Aravane Rezai 6-1, 6-0.
Azarenka (9) - Ivanovic (8) 6-2, 6-3.
Sharapova – Na Li (25) 6-4 0-6 6-4

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm