Gặp "triệu phú ổ chuột" ngoài đời thực

20/03/2009 10:35 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột), bộ phim vừa đoạt 8 giải Oscar, kể về một cậu bé nghèo giành chiến thắng trong chương trình truyền hình Ai là triệu phú? phiên bản Ấn Độ. Nhân vật đó có thật  ở ngoài đời với cái tên Harsh Nawathe. Phóng viên tạp chí Spiegel (Đức) đã tìm gặp Nawathe để xem cuộc đời của anh có giống như mô tả trong phim nay không.
 
 
Kể từ khi Slumdog Millionaire đoạt 8 giải Oscar đến nay, người Ấn Độ vẫn chưa hết bàn tán xôn xao về sự kiện này. Harshvardhan Nawathe, hay còn được gọi với tên thân mật là Harsh, dĩ nhiên cũng được mời tham dự một chương trình truyền hình để nói về bộ phim, xoay quanh câu hỏi người Ấn Độ nên cảm thấy tự hào hay nhục nhã với Slumdog Millionaire, một bộ phim phơi bày trần trụi những hình ảnh nghèo đói ở một khu ổ chuột Mumbai. Harsh từ chối không tham dự. Anh không muốn dính dáng gì với sự rùm beng hiện nay ở Ấn Độ xung quanh bộ phim. Harsh có nhiều điều đáng bận tâm hơn. Với tư cách là nhân viên của một quỹ cứu trợ, anh đang phải lo chính những đứa bé thất học ở khu ổ chuột nói trên.
 
H. Nawathe hiện nay

Chắc chắn không có một ai có thể nói nhiều về Slumdog Millionaire như Harsh, người duy nhất cho tới nay ở Ấn Độ giành chiến thắng cuối cùng trong một chương trình Ai là triệu phú? và chính là nguyên mẫu cho tiểu thuyết đầu tay Q & A của Vikas Swarup mà dựa vào đó các nhà làm phim Anh chuyển thể thành kịch bản phim Slumdog Millionaire, với một cách nhìn đầy sự tương phản.

Harsh kể anh và vợ anh đã đi xem Slumdog Millionaire khi bộ phim ra mắt ở Mumbai để xem nó có gì dinh dáng đến mình hay không. Ngay từ đầu phim, vợ anh đã cảm thấy ghê tởm và bị xúc phạm với tư cách là một người Ấn Độ, sau xem cảnh nhân vật chính Jamal nhảy xuống một chiếc hố đầy phân người. Xem xong, anh thất vọng. “Đó chỉ là một bộ phim”, anh nói. Một câu chuyện cổ tích từ Hollywood, chỉ dành cho người Mỹ và người Anh xem, những người mà cho tới nay vẫn hỏi, người Ấn Độ có còn cưỡi voi để đi lại hay không. “Thực tế cuộc đời mình hoàn toàn khác”, anh nghĩ.

Cách đây hơn 8 năm, hồi tháng 10/2000, Harsh đã giành 10 triệu rupees (khoảng 200.000 USD), một con số khổng lồ thời ấy, tại chương trình Ai là triệu phú? của kênh KBC có tới 1/3 số dân Ấn Độ, tức là 315 triệu người, hồi hộp theo dõi. Từ một anh chàng 27 tuổi chưa có công ăn việc làm sống trong một gia đình có cha làm cảnh sát (chứ không phải ở khu ổ chuột như trong phim), anh bỗng trở thành “người hùng Bombay” mà cho đến tận bây giờ người ta vẫn nhận ra khi gặp ở trên đường.
 
Năm 2000, H. Harsh Nawathe đoạt 10 triệu rupees
tại chương trình Ai là triệu phú? phiên bản Ấn Độ

Sau khi Slumdog Millionaire đoạt 8 giải Oscar, báo chí lại đua nhau tìm đến với anh, để xem cái anh chàng “Triệu phú ổ chuột” có thật ngoài đời hiện ra sao. Nhưng Harsh lẩn trốn.

Harsh trở thành một người sợ mọi sự rùm beng. Trong đêm kênh KBC phát chương trình Ai là triệu phú? mà anh giành chiến thắng, người dân Bombay (nay là Mumbai) đổ đầy ra đường hát hò và bấm còi inh ỏi ăn mừng. Suốt một năm sau đó anh sống như một người khác lạ: Ngày nào cũng có người gửi thư tới xin Harsh quyên góp tiền cho công trình này, cho ngôi đền kia, xin kết bạn và cả xin cưới anh làm chồng. Đi tới đâu Harsh cũng được trọng vọng. Khắp nơi người ta tìm cách tận dụng tên tuổi anh để quảng bá cho bản thân mình và nghe theo lời của cố vấn PR, anh đã tham dự tới 800 sự kiện lớn nhỏ khác nhau, từ các lễ khai trương cho đến các buổi ra mắt và thậm chí là đại hội đảng.

Rồi có tin đồn cha anh đã đút lót người dẫn chương trình Ai là triệu phú? - ngôi sao Bollywood Bachchan, hồi ấy đang dính dáng vào những vụ trốn thuế, để giúp anh giành chiến thắng. Rồi Harsh tham gia mở những cửa hiệu bán quần jeans và hiệu bánh. Cho tới nay vẫn còn 8 cửa hiệu ở Mumbai mang tên anh.
 
Triệu phú ổ chuột trên phim

Nhưng rồi một ngày kia Harsh bỗng nhận ra cái con người giờ đây giao du với những ngôi sao Bollywood, những danh thủ cricket và những quan chức ấy không phải con người thực của anh. Harsh cám thấy cô đơn trong cái thế giới đó. Anh có một chiếc ô tô, có đồng hồ đắt tiền, có rất nhiều thời gian, nhưng chẳng có một kế hoạch gì cho cuộc đời. Anh trở nên trầm cảm. Sau khi một lần nữa thử xin vào làm ở một cơ quan nhà nước không thành công, anh sang Edinburgh (Scotland), học đại học kinh tế. Nhà trường cấm anh tiếp xúc với báo chí. Vậy là Harsh lại trở thành một người bình thường, trở lại với chính mình và đã tốt nghiệp với bằng loại ưu.

Trở lại quê hương, Harsh thay đổi số điện thoại, chấm dứt tất cả các hợp đồng mà anh đã ký, vứt bỏ tất cả những bức ảnh và bài báo nói về thời anh là “Người hùng Bombay”, chuyển tới trong một căn hộ nhỏ bắc Mumbai và cưới vợ. Trước khi vợ sinh con, anh đề nghị vợ bỏ nghề diễn viên. Sarika, vợ anh, vốn là một gương mặt quen thuộc của những serie truyền hình “sướt mướt” của Bolywwod.

Kể từ 2 năm nay Harsh là Phó giám đốc của Naandi, một tổ chức cứu trợ trẻ em, chuyên giúp đỡ những em bé nhà nghèo có điều kiện học hành. “Triệu phú ổ chuột” giờ đây đang ra tay cứu giúp những em bé sống ở các khu ổ chuột. Quản là một kết thúc có hậu. Nhưng ở Ấn Độ hầu như không có ai biết chuyện đó.

Báo nước này đang bận tâm đến những chuyện như cha của Azharuddin, một cậu bé sống ở chu ổ chuột tham gia đóng trong Slumdog Millionaire, vừa bị chụp ảnh khi đang thẳng tay tát đứa con mình, vì cậu quá lười, không muốn trả lời một cuộc phỏng vấn có trả tiền. Trước cửa nhà cậu ta có cả một bầy “cò mồi” chuyên dẫn các nhà báo tới viết bài để kiếm vài đồng rupees. Rồi chuyện những người hàng xóm của Azharuddin ghen ăn tức ở với gia đình của cậu ta, người bỗng trở nên nổi tiếng vì được đóng phim.

Harsh đọc tất cả những chuyện đó với một nỗi buồn. Anh vẫn nói với các gia đình ở khu ổ chuột: “Nếu giờ đây tôi tặng cho con của các bạn 1 triệu rupees, thì chúng sẽ mua thứ này thứ nọ và tất cả rồi cũng mất hết. Nhưng nếu tôi để tiền đó cho việc giáo dục con của các bạn, thì chúng vẫn giữ được mãi mãi”.

Harsh biết vinh quang là một thứ phù phiếm và nguy hiểm. Anh nói, nếu anh là cha của Azharuddin, thì anh đã quát thằng bé: "Đừng có vênh mặt như vậy nữa, hãy trở lại trường học ngay!".
 
H.T (theo tạp chí Spiegel)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm