Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng trống… báo động của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng

14/12/2022 17:49 GMT+7 | Văn hoá

Trong giới nhạc sĩ, nhiều người mang tên đẹp Trần Thanh Tùng. Nhưng, người gõ Tiếng trống trường em (thơ: Hà Phương Loan) ngay ở bài đầu tiên sách Âm nhạc 1, bộ Chân trời sáng tạo - "Cái trống trường em, tròn như trái đất/ Tiếng trống rền vang, giục em tới lớp" - mới là Trần Thanh Tùng của bài viết này.

Ông cũng là người viếtThà làm hạt mưa bay:"ướt tóc em một ngày, còn hơn anh phải đợi, cuối đường chiều nắng phai". Nhìn lại con đường dẫn mình tới âm nhạc, Trần Thanh Tùng tâm sự: "Năm 10 tuổi, cha tôi hỏi: Con muốn học đàn gì? Tôi thưa: Con muốn học nhạc cụ nào khó nhất. Cha dạy: Đó là violon-vĩ cầm. Ông hoàng của các nhạc cụ".

Một nhạc sinh hiếu học

Người thầy âm nhạc đầu tiên ấy, cha của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, là một trí thức yêu nước.

Ông là một giáo sư trung học trước 1975, người thường đưa ra những ý kiến phản biện trên các tờ báo mà ông cộng tác. Tên ông - Trần Hữu Quảng - có trên trang bìa những sách giáo khoa sử-địa thời ấy. Theo lời khuyên của cha mình, năm 12 tuổi (1969), Trần Thanh Tùng thi đậu vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, nay là Nhạc viện TP.HCM.

Sau 1975, trường đời lại mở cửa đón nhạc công vĩ cầm tuổi 20 Trần Thanh Tùng, rèn giũa thêmtại Đoàn Văn công Quân khu VII ở miền Đông Nam bộ. Những năm tháng là công nhân quốc phòng trong một dàn nhạc, Trần Thanh Tùng từng biểu diễn ở mặt trận Campuchia cả tháng trời, sách nhạc lý của nhạc sinh hiếu học Trần Thanh Tùng có thêm "nốt khói", "nốt lửa". Có thêm"dấu trường" ngân kéo dài như một chiến dịch!

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng trống… báo động của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng

Cho tới năm 1985, khi thấy 4 dây đàn và 5 ngón nhấn vĩ cầm không còn nói hết được tình yêu với âm nhạc của mình, Trần Thanh Tùng thi vào khoa Sáng tác của Nhạc viện TP.HCM và tốt nghiệp năm 1989.

Ông kể: "Vào năm thi tốt nghiệp, PGS-TS Đào Trọng Minh giao đề tài viết giao hưởng thơ (symphonic poem). Tôi học được rất nhiều ở thầy, nhất là, trong kỹ thuật phân tích tác phẩm âm nhạc, từ ca khúc tới hợp xướng, giao hưởng, thầy trang bị cho tôi thật đầy đủ. Nhờ vậy sau này tôi viết được nhiều thể loại âm nhạc. Những tác phẩm ấy vừa như bài dạy của tôi, một giáo viên âm nhạc ở Nhà Thiếu nhi TP.HCM, vừa tham gia thị trường âm nhạc".

Cho tới hôm nay, Trần Thanh Tùng đã viết hơn 400 ca khúc các loại, viết nhạc cho các phim như Lục Vân Tiên, Bến sông trăng, Kính vạn hoa (tập 18 và nhiều tập khác)… và vở kịch nói nổi tiếng Dạ cổ hoài lang.

Hợp xướng Việt Nam mến yêu của ông được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan hợp xướng Việt Nam đất nước anh hùng, tổ chức tại TP.HCM tháng 10/2013. Đấy là một tác phẩm bề thế, 3 bè, có hát đuổi, hát đối, với gần 50 diễn viên ca, múa. Hợp xướng có ca từ tái hiện lịch sử từ thời vua Hùng dựng nước tới thế kỷ 21 tới lúc nhân dân ta bảo vệ chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Có vài nhạc sĩ Trần Thanh Tùng

Họ đều là những cá tính âm nhạc và có dấu ấn trong lòng khán giả. Nhân vật của số báo này là Trần Thanh Tùng sinh 1957, từng học violon tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, từng là nhạc công tại Đoàn Văn công Quân khu VII, là giảng viên âm nhạc tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM. Ông là hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam, hiện sống, sáng tác và sản xuất chương trình âm nhạc tại TP.HCM.

Ai vun trồng vườn âm nhạc thiếu nhi?

Cầm trên tay sách Âm nhạc 1, bộ Chân trời sáng tạo, có in ca khúc Tiếng trống trường em và những câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu bài hát, Trần Thanh Tùng bàn rộng ra toàn cảnh âm nhạc thiếu nhi: "Ca khúc viết cho thiếu nhi không ít, xin cùng vui về chuyện này, nhưng để có ca khúc lưu lại trong nhạc sử và đồng hành ca diễn với các em trong cuộc sống hàng ngày, lại là một chuyện buồn. Các chương trình thi giọng hát nhí trăm hoa đua nở ở các đài truyền hình trên toàn quốc, họ tranh giành mua bán bản quyền".

Ông phân tích: "Trong "cảm hứng" âm nhạc của đa số các nhà sản xuất chương trình, thiếu nhi chính là đối tượng dễ tính khi mua hàng, chi phí lại ít nhất, nên dễ làm hàng để bán. Đơn ca là thể loại được ưu tiên của các cuộc thi, các nhà tổ chức khuyến khích thiếu nhi hát "cho bằng" người lớn, kể cả trang phục, trang điểm và phong cách trình diễn. Dần dà, đã trên dưới 10 năm nay, các cuộc thi ấy "cày nát" khu vườn âm nhạc hồn nhiên của tuổi thơ. Tốp ca, hợp ca, hợp xướng, ca kịch, vũ kịch làm sao trụ nổi! Cho nên thiếu nhi vắng bóng trong các loại hình âm nhạc tầm cỡ, kinh viện cũng là điều dễ hiểu".

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng trống… báo động của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng - Ảnh 3.

Trang giáo khoa có bài “Tiếng trống trường em”

Vậy thì làm sao giải quyết tình trạng đáng buồn này? Người viết bài hỏi và giật mình khi nghe Trần Thanh Tùng trả lời: "Thực tế là đa số các ca sĩ hiện nay đều "mù" nhạc, không thể tự tập bài hát mới. Là vì, khi họ đi học, trong các trường phổ thông, đa số giáo viên chỉ dạy bài hát theo kiểu truyền khẩu, hát cho đúng lời đúng giai điệu là tốt lắm rồi, ít ai dạy xướng âm theo các nốt nhạc của bài. Chuyện ca sĩ "mù" nhạc là mặt trái của tiện nghi nghe nhìn. Là sự hổ thẹn của giới trí thức có hiểu biết về loại hình nghệ thuật này. Xin bắt đầu giải quyết chuyện "cày nát" này bằng "xóa mù" âm nhạc".

Người có bài đầu tiên về âm nhạc trong sách giáo khoa bắt đầu một cấp học đã nói thế, thì có lẽ Tiếng trống trường em còn là một tiếng trống báo động!

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng trống… báo động của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng - Ảnh 4.

Một chương trình âm nhạc thiếu nhi do Trần Thanh Tùng sản xuất

Những người bạn âm nhạc thân tình

Ngày 20/11/2022 vừa qua, Trần Thanh Tùng và các học trò của ông đã biểu diễn chương trình giới thiệu nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, với chùm 12 ca khúc về 12 con giáp, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Xem lại sáng tác của mình, Phạm Đăng Khương vui sướng: "Chỉ trong thời gian quá ngắn mà bạn tôi đã làm nên điều kỳ diệu. Âm nhạc có hiệu ứng tiếng động, tiếng kêu của các con vật thật sinh động".

Để có thể thực hiện chương trình này, Trần Thanh Tùng đã mạnh dạn mở cơ sở đào tạo và trình diễn âm nhạc của cá nhân, lập "vườn nhạc" của riêng mình. Đó là Green Art - Music Academy, được thành lập cuối năm 2017, với 3 nhóm trình diễn Nemo, Dori và LiLisa. Mỗi nhóm thuộc một lứa tuổi khác nhau, từ nhi đồng tới thiếu nhi, rồi tuổi ô mai sắp vào đời.

Trần Thanh Tùng hào hứng nói về các học sinh của mình: "Thùy Dương, Yến Nhi (Thủ Đức) đã thi đậu vào khoa Thanh nhạc củaNhạc viện TP.HCM các năm 2018, 2019. Năm 2020, em Kim Ngân thi đậu vào cả 2 môn là trống ­- khoa Nhạc nhẹ, và đàn bầu - khoa Dân tộc, của Nhạc viện TP.HCM".

Có một danh sách dài những học sinh thành đạt của ông thầy - nhạc sĩ này, ví dụ nhạc trưởng Trần Vương Thạch, nhạc sĩ Đức Trí, ca sĩ Võ Hạ Trâm, ca sĩ Tóc Tiên… Trần Thanh Tùng có hơn 30 năm làm giáo viên âm nhạc và đạo diễn dàn dựng chương trình âm nhạc ở Nhà Thiếu nhi TP.HCM. Đây là một cái nôi ươm mầm tài năng.

Trần Thanh Tùng vẫn giữ được sự hòa đồng, hồn nhiên, như chính các nhạc sinh tuổi nhi đồng, thiếu nhi của mình. Khi biết ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP có Lạc trôi được giới trẻ ưa thích, ông đã dàn dựng cho học sinh của mình nhạc phẩm ấy.

Nói về công việc liên tài này, Trần Thanh Tùng chia sẻ: "Nhạc cụ Việt Nam vẫn có sức thu hút và bứt phá để hòa quyện với các nhạc cụ hiện đại phương Tây. Tôi muốn giúp các em cân đối lại thị hiếu thẩm mỹ. Muốn Lạc trôi đừng lạc quá xa tới xứ người tuyết trắng, đừng lạc quá sâu vào cung đình hoài cổ, đừng vì Tây phương hiện đại mà "phớt ăng-lê" với âm nhạc truyền thống".

40 từ đi cùng năm tháng

Về phần nội dung, ca khúc Tiếng trống trường em (thơ: Hà Phương Loan. nhạc: Trần Thanh Tùng) chỉ có 40 từ, rất dễ thuộc: "Có cái trống trường/ Cái trống trường em, tròn như quả đất/ Tiếng trống rền vang, giục em đến lớp/ Có cái trống trường, cái trống trường em/ Hình như muốn nói/ Cái trống dồn vang, em yêu ngôi trường".

Thần tượng của trẻ em những năm 2000 là ca sĩ Xuân Mai (sinh 1995) đã hát rất thành công ca khúc này.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm