Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Đỗ Toàn Diện - Cùng bay với nhân vật thiếu nhi

07/12/2022 16:25 GMT+7 | Văn hoá

Đoạn trích bài thơ Lên rẫy của Đỗ Toàn Diện được tuyển vào sách Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Cánh diều. Bài này nằm trong tập Đám mây màu cổ tích (NXB Hội Nhà văn, 2020), viết cho thiếu nhi và là tập thơ thứ 15 của ông.

Viết lời tựa cho tập thơ, nhà thơ Trần Quang Quý (1955-2022) khen ngợi: "Thơ cho thiếu nhi của Đỗ Toàn Diện có những quan sát tinh tế, gần gũi, sinh động và không thiếu những phái sinh, suy tưởng từ hiện hữu hình ảnh".

Bác nông dân ngang vai với ông mặt trời!

Đọc 38 bài kết thành Đám mây màu cổ tích, cây viết Bùi Minh Vũ phát hiện nhiều đặc sắc và viết trên báo Đắk Lắk ngày 1/9/2020, có đoạn: "Nhà thơ có những khám phá mới khi nhìn những sự vật gần gũi, thú vị theo cách nhìn của trẻ thơ, giúp các em dễ tiếp nhận. Như bài thơ Quạt máy:"Mùa Đông nín thở/ Nằm nép góc nhà/ Mùa Hè oi ả/ Vù vù… thở ra/ Ba cánh đoàn kết/ Thua chi gió trời/ Mùa Hè nóng bức/ Uống sạch mồ hôi/ Em học em chơi/ Bạn bè đoàn kết/ Cũng như cánh quạt/ Là vui nhất đời".

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Đỗ Toàn Diện - Cùng bay với nhân vật thiếu nhi - Ảnh 1.

Nhà thơ ĐỗToàn Diện

Hoặc như bài thơ Que diêm: "Tôi là những mẩu gỗ/ Đầu đội mũ diêm sinh/ Ẩn giấu ở trong mình/ Âm thầm một ngọn lửa/ Tôi là que diêm nhỏ/ Nhưng làm việc lớn lao/ Thắp lên ngàn bếp lửa/ Ánh sáng cho mọi nhà/ Tôi là que diêm nhỏ/ Giúp ích cho mọi người/ Tôi mong các bạn nhỏ/ Cũng có ích cho đời".

Tới năm 2022, trong trại viết văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo, Đỗ Toàn Diện hoàn thành bản thảo tập thơ thứ 16 là Lên trời hái sao, cũng dành cho bạn đọc thiếu nhi.

Từng bài trong tập được các trại viên thảo luận, góp ý kỹ lưỡng để phong cách Đỗ Toàn Diện sắc nét hơn, dễ nhận hơn, với những câu rực rỡ, giàu màu sắc trong thi ảnh, giàu tưởng tượng trong thi tứ. Ví dụ "Bác nông dân lùa vịt/ Vỡ mặt trời trong sương", thơ đã phù phép, cách điệu, để cái sào chăn vịt giúp bác nông dân đứng ngang vai với ông mặt trời!

Trong tập Lên trời hái sao có bài được cấu tứ như dựng truyện, dùng thuật phục bút ở khổ thứ nhất "Phòng học đơn sơ/ Cạnh ô cửa sổ/ Nhìn ra bầu trời" để câu kết bài vút lên cao hơn, từ khung của học vấn kia "Bay vào vũ trụ/ Hái mặt trời hồng".

Vẫn kiểu thơ giàu tính tự sự, bài Cá chuồn thật hay: "Sống trong nước cá chuồn/ Bơi lội mãi cũng buồn/ Liền phóng lên mặt nước/ Bay như chú chuồn chuồn// Những hôm trời đẹp nắng/ Cá chuồn lượn từng đàn/ Vẩy lóng lánh ánh bạc/ Sáng một vùng không gian// Cá chuồn sống trong nước/ Thi thoảng lại diễn xiếc/ Bay lượn vòng trên không/ Màn biểu diễn thật tuyệt!!!".

Bài thơ hồn nhiên, mềm mại như đồng dao, không lên gân dạy đời; dí dỏm tinh nghịch như các anh chị cá lộn tùng phèo, biến bơi thành bay; tráng lệ huy hoàng khi vẩy cá bắt nắng lóng lánh… Trong tập thơ này, Đỗ Toàn Diện đã cùng bơi, cùng bay với nhân vật thiếu nhi của mình.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Đỗ Toàn Diện - Cùng bay với nhân vật thiếu nhi - Ảnh 2.

Tập thơ “Đám mây màu cổ tích”

"Lên rẫy" tìm màu sắc

Quê ở Thanh Hóa, nhưng có Đỗ Toàn Diệntới 37 năm dạy văn và dạy vẽ ở các trường THCS trên vùng nương rẫy Đắk Lắk, nên cái nhìn của ông có nhiều khung cảnh cao nguyên.Bài thơ được tuyển vào giáo khoa vừa tràn đầy đường nét sinh động của vùng đất, vừa ẩn chứa những bài học sâu sắc về mối tương giao giữa con người và thiên nhiên.

"Em cùng mế lên rẫy/ Gùi đung đưa, đung đưa/ Con chó vàng quấn quýt/ Theo bước chân nô đùa// Kìa mặt trời mới ló/ Trên đầu chị tre xanh/ Sương chăng đèn ngọn cỏ/ Tia nắng chuyền long lanh// Bao nhiêu ngày chăm học/ Mong đợi đến cuối tuần// Được tung tăng theo mế// Xôn xao hoài bước chân// Rẫy nhà em đẹp lắm/ Bắp trổ cờ non xanh/ Lúa làm duyên con gái/ Suối lượn lờ vây quanh// Rừng đẹp tựa bức tranh/ Phong lan muôn sắc nở// Hoa chuối màu thắm đỏ/ Giăng mắc như đèn lồng".

Trong bài thơ, thiên nhiên được nhân cách hóa thành ông trời đỏ, thành chị tre xanh để chơi đùa với con người trong nhịp thơ linh hoạt với sự nối tiếp một chuỗi 6 từ lấp láy: Đung đưa, quấn quýt, long lanh, tung tăng, xôn xao, lượn lờ. Con người làm đẹp thiên nhiên với lối mô tả "thi trung hữu họa" bằng hòa sắc 3 màu vàng, xanh, đỏ.

Từ một góc nhìn khác, có thể thấy, thiên nhiên đã hồn nhiên nở hoa kết trái dâng tặng, thì con người tri ân, khéo léo "giăng mắc" đèn sương trong, đèn hoa thắm, để được cùng thiên nhiên hiển hiện trong thời khắc "đẹp tựa bức tranh".

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Đỗ Toàn Diện - Cùng bay với nhân vật thiếu nhi - Ảnh 3.

Trang sách giáo khoa có bài “Lên rẫy”

Hỏi tác giả cảm nghĩ thế nào khi bài Lên rẫy được chọn vào Tiếng Việt 3, Đỗ Toàn Diện tâm sự: "Đây là bài thơ đầu tiên của tôi được vào giáo khoa. Tôi rất vui khi Lên rẫy đóng góp công sức nhỏ bé vào sự nghiệp trồng người. Vui vì mỗi năm học mới, trang giáo khoa sẽ giúp tôi tìm thêm rất nhiều bạn đọc".

Tôi hỏi: "Nếu được thêm một câu hỏi vào số các câu đã in trong sách, để học sinh có thêm hứng thú khi học, thì anh sẽ hỏi như thế nào?". Nhà thơ Đỗ Toàn Diện hào hứng: "Tôi sẽ hỏi: Ngoài màu lũy tre xanh, con chó vàng, hoa chuối đỏ, còn màu gì nữa?. Hỏi vậy để thầy cô giáo và học sinh cùng tích hợp tri thức thơ ca và hội họa, vì có tranh màu minh họa".

Dám cất tiếng nói thật về những giá trị giả

Ở mục Đọc sách trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam,số ra ngày 12/12/2009, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc tập thơ trào phúng lọc Những điều trông thấy của Đỗ Toàn Diện. Rồi ông viết: "Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, những nhà thơ trào phúng đã gần như vắng bóng trong đời sống thi ca nước nhà. Có lúc tôi nghĩ, sẽ không còn nhà thơ nào làm thơ trào phúng như một sự nghiệp của mình nữa. Thế nhưng những năm trở lại đây, có một nhà thơ trào phúng thường xuyên xuất hiện với một ý thức và nỗ lực trong sáng tác thể loại này. Đó là tác giả Đỗ Toàn Diện".

Ông Thiều nhận định: "Hình thức của thể loại thơ này trong sự sáng tạo của Đỗ Toàn Diện đã có nhiều thay đổi. Một đặc điểm rất rõ trong thơ trào phúng của Đỗ Toàn Diện là tính trữ tình…Đây là một cách nói nhiều khi làm cho người đọc đau đớn nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn về nhân tình thế thái và về những giá trị thật đang bị đánh tráo. Cách viết như vậy làm cho bài thơ mang nhiều tính triết lý hơn. Với cách nhìn và cách viết khá riêng biệt của mình, Đỗ Toàn Diện đã cho chúng ta cùng nhận ra những ý nghĩa mang triết lý sâu xa cũng như những nguy cơ tiềm ẩn có thể làm cho những giá trị của con người bị vấy bẩn và suy tàn mà những nguy cơ này ẩn giấu dưới những hiện thực bóng bẩy dễ làm cho chúng ta bỏ qua".

Đồng quan điểm với Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trúc Thông (1940-2021) cũng viết: "Chính những người trào phúng căn cốt là trữ tình, mà là trữ tính sầu thảm nữa chứ".

Theo góc nhìn của Trúc Thông và Nguyễn Quang Thiều, cái cười trong thơ trào phúng của Đỗ Toàn Diện là cười ra nước mắt! Là khóc trong niềm thấu hiểu thành kính với Phật bà (trang 71),khi trong chúng sinh có nhiều kẻ liều mạng xé lưới trời lồng lộng để thỏa mãn lòng tham: "Người lên tít tận trăng sao/ Kẻ xuống âm phủ tìm đào sắt than".Để giọng thơ trào phúng phải trữ tình mà "kiến nghị": "Nghìn tay chẳng đủ phát ban/ Nghìn mắt vẫn sót nỗi oan giữa đời/ Cần thêm tay mắt người ơi/ Ôm trọn trái đất xuyên trời bao dung". 

Nhưng đã là trào phúng, hài hước thì trước hết phải chọc cười bạn đọc. Thủ pháp gây cười thành công nhất của Đỗ Toàn Diện là chơi chữ. Trên "sân cỏ chữ nghĩa", Đỗ Toàn Diện khéo Đá bóng (trang 56) theo kiểu đồng âm dị nghĩa để"sút" ý tưởng: "Tiếng anh giờ nổi như cồn/ Giỏi lừa, giỏi đảo, lánh luồn…lăng-xê/ Dắt rê lắt léo có nghề/ Mỗi khi anh sút hả hê bao người".

Lừa, đảo, lách luồn, dắt rê… đều là thuật ngữ, là động từ trong môn bóng đá cả đấy. Nhưng thật tức cười khi Đỗ Toàn Diện đưa nó vào quy trình tác nghiệp của một "anh" chức quyền, làm công tác cán bộ theo cảm hứng (đúng ra là "ám hứng") lợi ích nhóm, "đá bóng" để cài cắm cánh hẩu vào những vị trí ngon ăn!

Kết thúc bài báo của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gắn chuyện thủ pháp vào chức năng: "Trong một thời đại mà không phải nhiều người dám cất tiếng nói thật về những giá trị giả, những thói đời đen trắng, những bất công xã hội...thì sự cất tiếng một cách dũng cảm và bền bỉ của Đỗ Toàn Diện cho thấy lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút".

16 tập thơ

Đỗ Toàn Diện sinh 1957 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, học ngành thư viện, học Đại học Đà Lạt và lớp viết văn Nguyễn Du (Hội Nhà văn Việt Nam). Tác giả của 16 tập thơ. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017. Hiện cư ngụ tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm