Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thầy giáo toán Nguyễn Việt Bắc đã viết văn như thế

30/11/2022 17:27 GMT+7 | Văn hoá

Năm 1992, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo toán Nguyễn Việt Bắc viết văn, kể trên báo Tuổi trẻ câu chuyện Người thầy đầu tiên. Sau này, bài báo được biên tập và đổi tên thành bài Ông ngoại, in trong sách Tiếng Việt 3, tập 1, bộ sách hiện hành, sử dụng từ năm 2003.

Tới năm học mới 2022-2023 này, Ông ngoại lại được đưa vào giáo khoa mới, theo chương trình 2018, ở sách Tiếng Việt 3, của cả 2 bộ Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Một ẩn dụ đẹp cn nhìn ra

Bài tập đọc ấy là hồi ức của một học sinh:

"Thành phố sắp vào Thu. Những cơn gió nóng mùa Hè đã nhường chỗ cho luồng khí mát dịu mỗi sáng. Trời xanh ngắt trên cao, xanh như dòng sông trong, trôi lặng lẽ giữa những ngọn cây hè phố.

Năm nay, tôi sẽ đi học. Ông ngoại dẫn tôi đi mua vở, chọn bút, hướng dẫn tôi cách bọc vở, dán nhãn, pha mực và dạy tôi những chữ cái đầu tiên.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thầy giáo toán Nguyễn Việt Bắc đã viết văn như thế - Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Việt Bắc

Một sáng, ông bảo:

- Ông cháu mình đến xem trường thế nào.

Ông chậm rãi nhấn từng nhịp chân trên chiếc xe đạp cũ, đèo tôi tới trường. Trong cái vắng lặng của ngôi trường cuối hè, ông dẫn tôi lang thang khắp các căn lớp trống, ông còn nhấc bổng tôi trên tay, cho gõ thử vào mặt da loang lổ của chiếc trống trường. Tiếng trống buổi sáng trong trẻo ấy là tiếng trống trường đầu tiên, âm vang mãi trong đời đi học của tôi sau này.

Trước ngưỡng cửa của trường tiểu học, tôi đã may mắn có ông ngoại - thầy giáo đầu tiên của tôi".

Cả 3 cuốn sách giáo khoa nhắc trên kia đều đưa Ông ngoại (đã biên tập từ bài báo hơn 1.000 chữ thành bài tập đọc hơn 100 chữ ) vào chủ điểm gia đình, chứ không phải chủ điểm trường học, cho dù câu chuyện diễn ra ở một sân trường. Đấy là lý do để tên bài tập đọc không cùng tên với bài báo đã in trên báo Tuổi trẻ.

Với lưu ý này, khi hướng dẫn học sinh đọc hiểu, thầy cô giáo cần giúp học sinh nhìn ra vẻ đẹp của nhân vật người ông. Người "dẫn tôi", "dạy tôi", "đèo tôi", "nhấc bổng tôi"… đã giúp cậu bé - người kể câu chuyện này - tới được bước thay đổi lớn lao trong một đời người. Với góc nhìn ấy, ngay câu văn tinh tế nhất trong bài, câu tả cảnh nhập đề có góc nhìn lạ, cũng có thể hiểu như một hình ảnh ẩn dụ nói về vẻ đẹp của người ông. Cái đẹp trong sáng, kín đáo, lặng lẽ trôi trên cao xanh kia.

Trao đổi với người viết bài báo này, tác giả Nguyễn Việt Bắc thổ lộ: "Khi bài được vào giáo khoa, tôi đã mang sách lên thăm mộ ông tôi, khấn thầm, ông đã dạy con biết chữ, hiểu thêm nghĩa lý, đã cho con trang đời hôm nay".

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thầy giáo toán Nguyễn Việt Bắc đã viết văn như thế - Ảnh 2.

Từ toán học tới tâm lý học

Nguyễn Việt Bắc tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1971. Để lan tỏa môn khoa học "vua" mà mình được đào tạo, thầy Nguyễn Việt Bắc "dạy toán" cả trên mặt báo. Với bút danh Anh Việt, thầy giữ chuyên mục Toán học vui- Vui học toán trên tuần báo Khăn quàng đỏ những năm 1985 - 1990.

Xin trích dẫn một chuyện vui, vui đến kỳ lạ, có trong cuốn sách Toán học giải trí dành cho học sinh THCS, một tập hợp từ các bài báo kia. Tác giả Nguyễn Việt Bắc kể với bạn đọc của mình: "Quan sát cây cối, bạn sẽ thấy lá mọc vòng quanh thân cây theo một đường xoáy trôn ốc. Lá mọc sau thường mọc ở cao hơn lá mọc kề trước đó. Với một loại cây nhất định, hai lá mọc kề nhau tạo nên một góc A, hầu như không đổi. Các nhà thực vật nghiên cứu thấy rằng góc A ở cây bồ đề và cây du bằng 1/2 đường tròn; ở cây dẻ bằng 3/2 đường tròn, ở cây sồi và cây anh đào bằng 2/5 đườngtròn; ở cây bạch dương bằng 3/8 đường tròn; ở cây liễu bằng 5/13 đường tròn… Dãy các số của góc A nêu trên có tên gọi là dãy Phi-bô-na-xi (Fibonacci), theo tên nhà toán học Ý, tên thật là Lê-ô-na-đô Pi-za-nô (Leonardo Pizano, 1180-1240)".

Vừa dạy toán thầy Nguyễn Việt Bắc vừa học thêm để có bằng thạc sĩ tâm lý giáo dục học, đủ tầm để cùng các đồng nghiệp biên soạn bộ giáo khoa đạo đức dùng cho học sinh tiểu học. Ngoài trách nhiệm biên soạn, ông còn viết bài Thăm mộ trong chủ điểm "Nhớ ơn tổ tiên" ở sách Đạo đức 5, ký bút danh Nguyễn Thăng Long, còn bài Phần thưởng trong chủ điểm "Hiếu thảo với ông bà cha mẹ" trong sách Đạo đức 4 thì ký bút danh Nguyễn Thị Cầu. Bài nào cũng hướng tới thuần phong mỹ tục của người Việt, những phẩm hạnh cần có của một người tử tế.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thầy giáo toán Nguyễn Việt Bắc đã viết văn như thế - Ảnh 3.

Sách giao khoa Đao dức Nguyễn Việt Bắc tham gia biên soan

Bài Thăm mộ có đoạn người cha nói với con, sau khi "kính cẩn thắp hương trên mộ ông và cả những ngôi mộ xung quanh":

"Nhà mình ngày xưa nghèo lắm con ạ! Các cụ tổ đã cùng bà con khai phá, tạo lập làng từ lúc nơi đây còn hoang vắng... Dù nghèo khó nhưng các cụ vẫn luôn gắng giữ nền nếp nhà ta: cần cù làm lụng, ngay thẳng chân tình với bà con xóm giềng và dành dụm cho con cháu được học hành".

Để có thể dạy giỏi, dạy hay, ngay thời đại học của mình, sinh viên toán học Nguyễn Việt Bắc còn say sưa học nhạc. Ông kể: "… Ngày khoa Toán của Đại học Sư phạm Hà Nội sơ tán ở xóm Cát, Ứng Hòa, Hà Tây, khuya vẫn ngồi đàn hát trên bờ mương. Một đàn guitar, năm bảy "anh trẻ" quanh rổ khoai luộc, sắn luộc. Nhiều ca khúc cổ điển đã được chia sẻ chính trong giai đoạn này, rồi những ngày Hè hiếm hoi về Hà Nội, tôi xoay trần mài mực tàu, kê ghế ngồi cạnh chiếc phản gỗ lim cao, nắn nót kẻ khuông, chép nhạc".

"Thời chiến tranh, trong trường, thầy trò chúng tôi sống như anh em, như cha con…" - thầy giáo Nguyễn Việt Bắc.

Trong mái trường như mái nhà thân yêu

Khi đất nước còn chia cắt, thầy Nguyễn Việt Bắc từng dạy vàchủ nhiệm lớp chuyên toán ở Trường Học sinh miền Nam ở Đông Triều, vốn dành cho con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Đầu năm 1975, thầy dẫn các trò từ Quảng Ninh ra Hà Nội tham gia vòng thi tuyển chọn thí sinh cho cuộc thi học sinh giỏi toán quốc tế 1975 tổ chức tại Bulgaria. Dù hai em học sinh dự thi không trúng tuyển, nhưng vẫn giữ mãi niềm say mê với môn toán,sau này là TS Lê Thế Hùng của FPT và thầy Thái Võ Trang của Đại học Bách khoa TP.HCM. Các em học sinh lớp 8, 9, 10K chuyên toán những năm ấy, sau nhiều người thành đạt, trở về phục vụ quê hương.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thầy giáo toán Nguyễn Việt Bắc đã viết văn như thế - Ảnh 5.

Trang sách “Tiếng Việt 3”, trong bộ Chân trời sáng tạo

Thầy Nguyễn Việt Bắc tâm sự: "Tôi dạy ở trường học sinh miền Nam cho tới ngày đất nước thống nhất, được là người đưa học sinh tỉnh Quảng Nam hồi hương ngay năm 1975. Thời chiến tranh, trong trường, thầy trò chúng tôi sống như anh em, như cha con. Tôi xa Hà Nội, đến trường sống nội trú với các em. Cùng ăn một bếp, ngủ một nhà, cùng đàn hát trong các hội diễn, cùng đuổi trái banh trên sân…  cùng làm tất cả để lấp đầy khoảng trống của những đứa con thiếu gia đình. Chính những ngày dạy học mà như trực chiến ấy, tôi nhìn ra tầm chiến lược của công việc phấn bảng mà thầy cô giáo chúng tôi đeo đuổi. Mặt khác, chính những ngày mái trường cũng là mái nhà ấy, tôi được sống trong không khí gia đình của mối quan hệ đồng bào Bắc - Nam, tình thầy trò thiêng liêng hơn trong biến động lịch sử của dân tộc".

Ngày 2/5/2022, nhiều học trò ở Đông Triều ngày trước vui mừng được gặp thầy Nguyễn Việt Bắc trong buổi họp mặt các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc. Trong buổi lễ này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là một học sinh miền Nam, khiêm nhường nói thay lời hơn 32.000 đồng môn của mình: "Các thầy giáo, cô giáo vừa làm thầy, vừa làm cha mẹ để chăm lo cho học sinh của mình; những mái trường nội trú trở thành tổ ấm che chở cho những cánh chim non nớt, chập chững bay ra từ mảnh đất phương Nam nhiều khói lửa…Đây là một trong những mô hình giáo dục thành công của nền giáo dục - đào tạo cách mạng của nước ta. Là một trong các vinh quang quý báu của nền giáo dục nước nhà…".

Người thầy với 8 đầu sách về giáo dục

Nguyễn Việt Bắc quê Bắc Ninh, sinh tại Bắc Kạn năm 1950. Sau khi tốt nghiệp khoa toán tại Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1971, ôngdạy tại Trường Học sinh miền Nam ở Đông Triều cho tới đầu năm 1976. Ông tiếp tục dạy Trường Bổ túc văn hóa Trung ương B tới đầu năm 1978, rồi chuyển vào dạy tại Cao đẳng Sư phạm TP.HCM. Từ 1994 tới 2000, ônglà Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm TP.HCM, tiếp tục là Hiệu phó Cao đẳng Sư phạm TP.HCM. Từ 2007, được bổ nhiệm Hiệu phó Đại học Sài Gòn cho tới khi nghỉ hưu 2010.

Ông là tác giả của 8 đầu sách về giáo dục. Hiện cư ngụ tại TP.HCM.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm