Dự kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết trong năm 2021

19/05/2020 19:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Sáng 1/10/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra hiện trường tại một số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội: đường vành đai 4 trên cao đoạn Nam Thăng Long - Mai Dịch và 2 tuyến đường sắt đô thị đoạn Cát Linh - Hà Đông, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về quy hoạch. 

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2017 đã đưa ra nhiều quan điểm, cách làm mới, khắc phục nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch thời gian qua. 

Theo đó, có 4 Quy hoạch cấp quốc gia là Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và Quy hoạch ngành quốc gia. 

Dự kiến Quy hoạch, Dự kiến Quy hoạch quốc gia, Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Để triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, ngày 14/2/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết Thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Thành viên Hội đồng là Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và một số chuyên gia về quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng. 

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các đơn vị nghiên cứu quy hoạch đã cơ bản xây dựng được các nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học. 

Dự kiến Quy hoạch, Dự kiến Quy hoạch quốc gia, Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trên cơ sở đó, cuộc họp của Hội đồng thẩm định sẽ xem xét, trước khi trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở cho việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, các bộ, ngành, cơ quan tiến hành xây dựng các cấu phần cụ thể của Quy hoạch tổng thể quốc gia. 

Quy hoạch này sẽ phải được Quốc hội xét xét, biểu quyết, dự kiến trong năm 2021. 

* Quy hoạch mang tầm vóc của chiến lược phát triển quốc gia

Tại cuộc họp, các ý kiến thảo luận đều nhất trí cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia là một quy hoạch mới, vừa mang tầm vóc của chiến lược phát triển quốc gia vừa có tính chất vật thể, không gian.

Việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia là bước đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đang được xây dựng, trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Chú thích ảnh
Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc rất hệ trọng nhưng cũng rất khó, chưa từng có tiền lệ, không có nhiều kinh nghiệm quốc tế. Quy hoạch phải có tính khả thi cao, thể hiện được tầm nhìn chiến lược và phải có các nội dung phù hợp. Để đạt mục tiêu này, phải có một “đề bài” rất rõ, đấy chính là các nhiệm vụ quy hoạch.

Đồng tình với nhận định này, các ý kiến thảo luận cũng cho rằng nhiệm vụ lập quy hoạch là cơ sở rất quan trọng cho việc tổ chức triển khai lập quy hoạch; chỉ khi đưa ra được các định hướng đúng, yêu cầu đầy đủ thì mới có thể triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia một cách khoa học nhưng vẫn có không gian cho sự sáng tạo. 

Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng những vấn đề đưa vào Quy hoạch tổng thể quốc gia phải có tính định hướng cao, mang tính chiến lược, không đi vào các vấn đề cụ thể, vụn vặt (sẽ rất khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch do phải trình Quốc hội phê duyệt). 

Tuy nhiên, do là loại quy hoạch mới, lần đầu tiên được nghiên cứu lập ở Việt Nam nên kiến thức và kinh nghiệm về nội dung, hình thức, phương pháp, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch là hoàn toàn chưa có. Đồng thời, kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới đối với loại quy hoạch này cũng hạn chế. 

Các đại biểu cũng phát biểu, làm rõ, cụ thể thêm nhiều nội dung đối với các nhiệm vụ lập quy hoạch. Trong đó, cơ bản thống nhất với các nội dung của nhiệm vụ lập quy hoạch, bao gồm quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp tiếp cận; các nội dung của nhiệm vụ lập quy hoạch; việc tổ chức lập quy hoạch… 

* Phân bổ và huy động hợp lý các nguồn lực quốc gia 

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Chiến lược phát triển, các bộ, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 để trình Hội đồng thẩm định. 

Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ để sớm trình Chính phủ theo quy định. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Quảng Ninh quy hoạch đường bao biển. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, do phải thực hiện song song, gần như đồng thời các Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch vùng; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia; Quy hoạch tổng thể quốc gia, nên phải có sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan bộ, ngành trung ương, các địa phương; huy động sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học ở từng ngành, lĩnh vực. 

Về quan điểm, Phó Thủ tướng lưu ý việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia phải phù hợp với Cương lĩnh xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. 

Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm phân bổ và huy động hợp lý các nguồn lực quốc gia đảm bảo phát triển nhanh và bền vững; phải có tính định hướng cao; thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, định hướng 2045-2050, phù hợp với sự phát triển của thời đại. 

Đồng thời, quy hoạch thể hiện được việc định hướng không gian phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; tạo sự gắn kết hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thể hiện được sự kế thừa, phát triển các quy hoạch hiện có. 

Phó Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt rất rõ nguyên tắc các quy hoạch phải phù hợp với nhau, đặc biệt trong bối cảnh triển khai thực hiện đồng thời các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh. 

Về nội dung, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật các ý kiến đóng góp; hoàn thiện hệ thống các Nhiệm vụ quy hoạch trình Chính phủ quyết định.

Nguyễn Xuân Tùng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm