Dự báo kinh tế của IMF 'đè nặng' lên chứng khoán thế giới

12/10/2022 09:48 GMT+7 | Bạn cần biết

Chứng khoán thế giới hầu hết đi xuống trong phiên 11/10, khi thị trường đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng tăng với báo cáo ảm đạm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu bật những rủi ro lạm đối với kinh tế toàn cầu.

Chứng khoán châu Á hầu hết 'đỏ lửa' trong phiên đầu tuần 3/10

Chứng khoán châu Á hầu hết 'đỏ lửa' trong phiên đầu tuần 3/10

Chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 3/10.

Tại thị trường Phố Wall, chỉ số S&P 500 sụt mất 0,7% xuống 3.588,84 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1,1% và khép phiên ở mức 10.426,19 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones là điểm sáng hiếm hoi khi tăng 0,1%, lên 29.239,19 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu không tránh được xu hướng suy giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,1% xuống 6.885,23 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,4% xuống 12.220,25 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,1% xuống 5.833,20 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,5% xuống 3.340,35 điểm.      

Chú thích ảnh
Các giao dịch viên tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Yếu tố tác động nhiều tới thị trường trong phiên này là báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF. Trong dự báo mới nhất được công bố hôm 11/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7%. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng thế giới cho năm nay ở mức 3,2%.

Tuy nhiên, cố vấn kinh tế của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cũng cảnh báo rằng hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu đang có xu hướng suy giảm trong năm nay hoặc năm tới. Ba nền kinh tế lớn nhất – Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc - sẽ tiếp tục đình trệ.

Bên cạnh đó, tâm trạng thị trường cũng trở nên u ám vì các lệnh phong tỏa mới của Trung Quốc liên quan đến dịch COVID-19 và những biến động trên thị trường tài chính Anh.

Với trọng tâm đặt vào lạm phát, các nhà phân tích cho biết báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (dự kiến được công bố vào cuối tuần này) sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với định hướng của các thị trường tài sản rủi ro. Một đợt số liệu lớn khác có thể châm ngòi cho một đợt bán tháo chứng khoán mới và đẩy đồng USD tăng vọt.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho biết ngày càng có nhiều sự bi quan trên thị trường. Các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho giai đoạn nhiều biến động hơn, khi các số liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ sẽ được công bố trong tuần này và thời điểm bắt đầu mùa báo cáo thu nhập sắp tới.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, chỉ số VN - Index giảm 36,28 điểm (3,48%) xuống 1.006,2 điểm sau khi đã có lúc thủng ngưỡng 1.000 điểm trước đó cùng phiên. Chỉ số HNX - Index cũng mất 11,07 điểm (4,82%) xuống 218,78 điểm.

H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm