Đội tuyển Đức: Những lý do để tin Đức sẽ giành cúp vàng

08/07/2014 06:59 GMT+7 | Bán kết

(Thethaovanhoa.vn) - Trong số bốn đội tuyển lọt vào bán kết World Cup 2014, Đức được đánh giá ổn định hơn cả. Nhưng chỉ ổn định thôi thì chưa đủ.

Tuy nhiên, có những lý do để tin rằng Đức sẽ vượt qua Brazil, hay xa hơn là lên ngôi vô địch thế giới.

Duy trì ổn định

So với Brazil, Argentina và Hà Lan, Đức duy trì tính liên tục tốt hơn, cả về nhân sự lẫn lối chơi. Người Đức vẫn đang đi trên con đường cách mạng do Juergen Klinsmann khởi xướng từ năm 2004, và 5 cầu thủ tại World Cup 2006 đến nay vẫn là trụ cột của “Die Mannschaft”. Lukas Podolski, Bastian Schweinsteiger, Per Mertesacker, Miroslav Klose và Philipp Lahm đều có thể ra sân trong trận bán kết với Brazil.

Huấn luyện viên Jochim Loew cũng đã làm việc với đội tuyển Đức liên tục từ năm 2006, chưa kể hai năm trước đó trong vai trò trợ lý của Klinsmann. Đây là triều đại kéo dài nhất trong số 32 đội bóng dự World Cup 2014. Ông Alejandro Sabella chỉ dẫn dắt Argentina từ năm 2011, trong khi Louis van Gaal và Luiz Felipe Scolari chỉ bắt đầu công việc tại đội tuyển Hà Lan và Brazil từ năm 2012.

Lối chơi tập thể

Suốt nhiều năm qua, Đức luôn chọn lối chơi mang tính tập thể cao, các cầu thủ kết nối với nhau bằng một mạng lưới mà bản thân mỗi người là một mắt xích, và có thể thay thế bằng một người khác khi cần. Điều này trái ngược so với ba “đội bóng một người” còn lại ở bán kết gồm “Brazil - Neymar”, “Hà Lan - Robben” và “Argentina - Messi”.

Trong mạng lưới ấy, các cầu thủ Đức rất tích cực chuyền bóng cho nhau. Thống kê của FIFA cho thấy Đức là đội tuyển chuyền bóng tốt nhất cho đến thời điểm này, với tổng cộng 2.938 đường chuyền (698 đường chuyền ngắn, 1.997 đường chuyền cự ly trung bình và 243 đường chuyền dài) - gấp đôi con số trung bình của cả World Cup 2014 là 1.458 đường chuyền, và tỷ lệ thành công lên đến 82%.

Đức cũng là đội bóng tích cực di chuyển nhất, với tổng cự ly trong một trận đấu là 115,3 km, trong khi mức trung bình của giải chỉ là 109,7 km. Ngược lại so với Đức, Brazil là đội lười chạy nhất, chỉ đạt 106,8 km/trận - kém xa Hà Lan (114,8 km) hay Argentina (109,6 km). Di chuyển nhiều đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận khung thành đối phương hơn, cũng như phòng ngự tốt hơn.

Linh động về chiến thuật

Trong trận ra quân, ông Loew sử dụng sơ đồ với một số 6 - tiền vệ phòng ngự duy nhất là Lahm. Nhưng sau đó, Đức lại chuyển sang sơ đồ chiến thuật “doppelsechs” - 2 số 6, đội trưởng Lahm được trả về vị trí hậu vệ cánh phải quen thuộc. Đức có thể chơi với một “số 9 ảo” gồm khá nhiều lựa chọn nhân sự như Mueller, Goetze hay Oezil, cũng có thể đá với một trung phong cắm là Klose.

Về mặt lối chơi, Đức cũng đã có sự điều chỉnh đáng kể so với World Cup 2010. Trong trận tứ kết với Pháp, khi sớm có bàn thắng, Đức chủ động hạ thấp đội hình, đá chậm và điều khiển cuộc chơi theo ý mình. Bốn năm trước ở Nam Phi, thầy trò ông Loew đã bung sức để tạo nên những chiến thắng tưng bừng trước Anh (4-1) hay Argentina (4-0) để rồi sau đó phải trả giá đắt.

Giờ đây, Đức coi trọng phòng thủ hơn tấn công, với bằng chứng là họ đã khởi đầu giải đấu với 4 trung vệ. Ngay cả khi Lahm được trả về vị trí hậu vệ phải thì cầu thủ này cũng rất ít khi dâng cao, mà chỉ chuyên tâm nhiệm vụ phòng ngự.

Giữ được sự ổn định làm nền tảng, và có những thay đổi để tạo ra sự đột phá, đội tuyển Đức đang hướng đến một giải đấu thành công thực sự.

Đông Hà
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm