Đi về đâu, hỡi thể thao Việt Nam?

06/12/2010 06:58 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Asian Games 16 đã ở lại phía sau cùng lời xin lỗi của ông trưởng đoàn vốn luôn rầu rĩ bởi cái “vận đen” nó ám. Thế nhưng, vẫn còn đó lời hứa thay đổi, thậm chí là thay đổi toàn diện trong tương lai khi mà chẳng ai biết, thể thao Việt Nam rồi sẽ còn đi đến đâu nữa...

Chưa “xây” đã “sụp”?

Ngay trước thềm Asian Games 16, ngành TDTT đã có một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của mình, đó là xây dựng “Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030”. Tầm quan trọng của bản quy hoạch này có lẽ không cần phải bàn tới và trong phạm vi bài viết, cũng sẽ chỉ đề cập đến vấn đề liên quan, đó là: Chỉ tiêu cụ thể về thể thao thành tích cao đã nêu trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 (nằm trong quy hoạch này).

Theo đó, mục tiêu cuối trong năm 2010 là tham dự Asian Games 16 và đứng trong tốp 15. Ở các năm kế tiếp cho đến 2020, chỉ tiêu được “áp” vào 3 đấu trường chính theo 3 cấp độ: khu vực - SEA Games; châu lục - Asian Games; và thế giới - Olympic. Cụ thể hơn, tại SEA Games cho tới năm 2015 vẫn chỉ là giữ vị trí tốp 3 và phải đến năm 2017 là tốp 2, rồi tới 2019 nếu lại là chủ nhà sẽ đứng nhất toàn đoàn như cách đó... 16 năm (năm 2003 khi lần đầu tiên tổ chức SEA Games, Việt Nam cũng từng đứng ngôi đầu một cách áp đảo). Với Asian Games, mục tiêu dĩ nhiên là khiêm tốn hơn khi giữ hạng tốp 14 ở Incheon, Hàn Quốc 2014 và đến năm 2018 mới là phấn đấu lên hạng từ 12 đến 14 trong bảng xếp hạng huy chương.


Ấn tượng nhất trong bản quy hoạch này chính là đấu trường thể thao số 1 thế giới - Olympic vào năm 2012 tại London (Anh), chỉ tiêu đề ra là có khoảng 20 VĐV giành quyền tham dự chính thức (vượt qua vòng loại) và phấn đấu có huy chương. Năm 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil), phấn đấu có khoảng 30 VĐV lọt qua vòng loại và có huy chương. Còn tới năm 2020, khi mà nước chủ nhà kỳ Olympic tới giờ này còn chưa được xác định, TTVN đã đặt ra chỉ tiêu có 35-40 VĐV giành quyền tham dự chính thức và... có HCV!



Thể thao VN tới lúc cần những chiến lược gia trẻ trung hơn sau chuyên gia “đi tắt đón đầu” - ông Hoàng Vĩnh Giang

Vẫn biết chỉ tiêu thì cũng chỉ là... chỉ tiêu và trong cả một nền thể thao quốc gia, thể thao đỉnh cao không phải là tất cả, nhất là với nền thể thao mang tính toàn dân như TTVN! Và cũng khoan hãy bàn tới chuyện từ chỉ tiêu đến thực tế cũng như những dự báo mang tính dài hạn, nhưng rõ ràng, nếu cứ chỉ nhìn vào cái chỉ tiêu gần nhất, thực tế nhất vừa sụp đổ tại Asian Games 16 thì người ta có quyền để nghi ngờ tất cả những gì sau đó. Phải chăng là... chưa “xây” đã “sụp”?

“Xây” ở đâu và từ chỗ nào?


Vẫn biết quy hoạch thì cũng chỉ là... kế hoạch mang tính định hướng và phấn đấu. Rồi thể thao cũng chẳng bao giờ là phép cộng. Đơn giản là nếu thế, sẽ chẳng bao giờ có Brazil đá bóng giỏi nhất thế giới, người Mỹ đứng đầu về điền kinh, hay gần hơn là Trung Quốc độc tôn với môn bóng bàn... TTVN phải tiến, nhưng tiến đến đâu và tiến như thế nào? Đó không hề là câu chuyện đơn giản giống như thứ mà những người có trách nhiệm vừa nói.


Sau lời xin lỗi về thất bại tại Asian Games 16, cái được nhắc đến nhiều nhất với TTVN chính là sự thay đổi, thậm chí nói một cách hình ảnh hơn là cuộc “đại phẫu” từ những vấn đề mang tính vĩ mô như chiến lược, tư duy phát triển, cung cách đầu tư... đến vi mô như chuyên sâu, riêng biệt, tiêu chuẩn, chế độ... Dĩ nhiên, không có cái nào sai bởi đơn giản, đó toàn là thứ lý luận mang tính nền tảng cho sự phát triển của không chỉ thể thao mà nhiều mặt khác trong đời sống xã hội hiện tại. Vấn đề ở chỗ, cuộc “đại phẫu” có thực sự diễn ra được không và tại sao những người có trách nhiệm lại nhắc đến cái thứ được xem là thứ giải pháp cuối cùng trong y khoa này?


Đó không hề là tấm HCV duy nhất tại Asian Games 16 khi mà tấm huy chương ấy chỉ là sự bất ngờ mà dám cá là khó có lần thứ hai nếu những người có mặt trong trận chung kết lại tái ngộ. Sự thay đổi, xét về bản chất cũng như thực tế, nó được nhắc đến là nhờ những khoảnh khắc thăng hoa của điền kinh và phần nào của rowing, bắn súng, vật - các môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic đã phần nào “gỡ thể diện” cho TTVN trong cuộc chơi đầy thất bát.


Nhưng nếu xét kỹ ra, thì ngay cả những thành công ít ỏi này cũng đâu xuất phát từ cách làm, cách nghĩ, cách đầu tư của ngành thể thao mà nó giống “mùa gặt” trên cánh đồng hoang của thứ lúa trời! Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, kể cả Hoàng Anh Tuấn (nếu không dính doping)... là những tài năng đặc biệt mà phải hàng thế hệ mới sản sinh ra, lại không phải là sản phẩm của cả một quá trình đầu tư khoa học, dài hơi. Cứ nhìn lại cái cảnh Hương, rồi Hằng phải bỏ cái nơi “chôn rau, cắt rốn” mà tìm bến đỗ khác vì sự mưu sinh, hay chuyện anh chàng cử tạ đầu quân hết nơi này đến nơi khác chỉ để kiếm mức lương thỏa đáng là thấy.


Thay lời kết


TTVN không thành công tại Asian Games 16 và khá ngạc nhiên là chưa bao giờ những hạn chế của cả nền thể thao quốc gia lại được phân tích sâu đến thế, kỹ đến thế. Từ những chuyện “cái kim, con bò” đều được mổ xẻ tới tận nguyên căn, nguồn cội và dĩ nhiên sau đó là con đường đi mà nếu hệ thống lại thấy rất giản đơn, chỉ cần quyết tâm là làm được. Vậy mà cũng vẫn phải chờ tới khi phải đại phẫu mà chưa biết có đại phẫu nổi hay không.


Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm