Điều trị thành công một bệnh nhân bị suy kiệt do lao cơ hiếm gặp

29/06/2017 11:01 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lao cơ, làm vết thương tại đùi không lành, gây sốt cao kéo dài hơn 1 tháng, cơ thể suy kiệt. Lao cơ là một căn bệnh khó chẩn đoán do không có dấu hiệu đặc trưng nhưng lại gây ra hậu quả rất lớn cho sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân là anh N.V.N (51 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp). Hơn 1 tháng trước, anh N. cảm thấy đau ở đùi trái. Anh đến khám tại một phòng khám ở Đồng Tháp và được chẩn đoán áp xe cơ đùi trái, các bác sĩ tại đây đã rạch vết áp xe nhưng sau đó vết thương không lành.

Đầu tháng 06, anh đến nhập viện và điều trị tại Khoa tổng hợp BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng nhiễm trùng vết thương, sốt cao, cơ thể suy kiệt, thiếu máu, vết thương mặt ngoài đùi trái rỉ nhiều dịch đục thấm băng. Qua thăm khám ban đầu và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ tại bệnh viện đã nghi ngờ vết thương không lành có thể do một nguyên do khác ngoài các loại vi trùng thông thường và cho cấy dịch tại vết thương làm xét nghiệm PCR lao và kháng sinh đồ.

Chú thích ảnh
Ths. BS Huỳnh Anh Tuấn (chuyên khoa lao và bệnh phổi) – Phó trưởng khoa Tổng Hợp (BV Hoàn Mỹ Cửu Long) thăm khám cho bệnh nhân

PCR là xét nghiệm tìm vi trùng lao ở mức độ phân tử có khả năng phát hiện vi khuẩn lao nhanh, tốt hơn và đặc hiệu hơn so với các xét nghiệm vi trùng lao thông thường. Kết quả xét nghiệm cuả bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn lao. Anh N. được chẩn đoán bệnh lao cơ. Chẩn đoán này đã giúp cho các bác sĩ có hướng điều trị đúng hơn cho anh N.

Do cơ địa của bệnh nhân cushing vì sử dụng thuốc corticoid lâu ngày nên việc điều trị có thể sẽ kéo dài và không dễ dàng. Song song với việc chăm sóc vết thương không để mủ và chất tiết ứ đọng, kết hợp với điều trị bệnh lý mạn tính kèm theo, dinh dưỡng tốt, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng lao theo phác đồ và đươc theo dõi sát nhằm phát hiện và xử trí kịp thời tác dụng phụ nếu có của thuốc kháng lao.

Sau hai ngày điều trị, bệnh đã có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt, giảm sốt. Bệnh nhân hiện đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.

Theo Ths. BS Huỳnh Anh Tuấn – phó trưởng khoa Tổng Hợp BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, bác sĩ chuyên khoa về lao và bệnh phổi cho biết: bệnh lao cơ là một thể bệnh lao ngoài phổi hiếm gặp, người dân thường chỉ được nghe nói đến bệnh lao phổi nhưng ít nghe đến các thể lao ngoài phổi. Vi khuẩn lao có thể gây các bệnh lao ngoài phổi như lao màng não, lao cột sống, lao da, lao màng bụng, lao ruột, lao cơ quan sinh dục, lao gan lách…

Riêng bệnh lao phần mềm (lao cơ) là một thể bệnh lao ngoài phổi hiếm gặp, lây nhiễm do vi trùng lao xâm nhập qua vết thương hay chính từ ổ vi khuẩn lao từ phổi, sự phát tán vi khuẩn lao theo đường máu. Bệnh dễ xảy ra  trên cơ thể giảm sức đề kháng. Trường hợp anh N, anh mắc các bệnh lý viêm khớp có sử dụng corticoid thường xuyên gây suy vỏ thượng thận mạn nên sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.

Người bị lao phần mềm có vết thương không lành, rò rỉ dịch với các triệu chứng sốt kéo dài, suy kiệt cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. Do các triệu chứng không rõ ràng, bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác nếu không có hướng điều trị đúng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chính vì thế, việc chẩn đoán đúng là một bước rất quan trọng để điều trị cho bệnh nhân.

Để điều trị bệnh lao cơ, ngoài việc tuân thủ phác đồ lao với sự hướng dẫn và theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân cần được điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính kèm theo như đái tháo đường, suy vỏ thượng thận, viêm khớp, dinh dưỡng tốt, tập thể dục….Với các vết thương da niêm không đáp ứng tốt với điều trị thông thường cần đến khám sớm để được chẩn đoán và điều tri thích hợp ngay từ đầu. 

   
                                            P. Chi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm