Dấu ấn trẻ của kịch Hoàng Thái Thanh mùa Tết

16/01/2023 09:04 GMT+7 | Văn hoá

Mùa kịch Tết 2023 này, sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ diễn vở Trái tim oan khuất (kịch bản: Huỳnh Trúc Anh, đạo diễn: Hoàng Thái Thanh, phó đạo diễn: Công Hiển). Thật khó xác định đây có phải là vở diễn hay nhất của sân khấu này sau hơn 10 năm hoạt động hay không, nhưng chắc chắn là một vở rất ấn tượng, bởi yếu tố oan hồn, lời nguyền bùa ngải, tình mẫu tử… được cài cắm khá thuyết phục.

Hoàng Thái Thanh vốn không phải là sân khấu chuyên về thể loại kịch kinh dị và tâm linh. Nhưng lần này, ông bà bầu Thành Hội - Ái Như đã quyết định kể một câu chuyện nổi gai ốc, có ma thật, có thầy bùa đầy bí hiểm, cũng như những loại bùa chú tà thuật mà dân gian truyền miệng.

Cái tứ kịch trẻ trung

Thật bất ngờ, thử nghiệm này đã chinh phục được rất nhiều khán giả khó tính ở buổi diễn ra mắt. Câu chuyện bi kịch gia đình, với nỗi đau âm ỉ trong lòng đứa con trai bị mẹ ruột bỏ rơi từ năm 6 tuổi để cậu phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng. Nỗi uất ức bị đè nén bùng phát ở thời điểm 25 năm sau, khi chàng trai phát hiện ra một bí mật hãi hùng trong bức tượng có hình thù quái dị. Các tình tiết đã được cài đặt với những tình huống thắt mở đầy kịch tính, khó đoán, khiến khán giả vừa sợ vừa dõi mắt theo cho đến phút cuối.

Dấu ấn trẻ của kịch Hoàng Thái Thanh mùa Tết - Ảnh 1.

Hoài Thương và Công Danh trong vở “Trái tim oan khuất”

Thể loại kịch tâm linh nặng đô xuất hiện trên một sân khấu chuyên về kịch tâm lý, xoáy sâu vào tình yêu lứa đôi và tình người như Hoàng Thái Thanh… là vì một nhân tố trẻ. Đó là phó đạo diễn Huỳnh Công Hiển, một người mới ngoài tuổi 20, với nhiệm vụ được giao phó là phải trẻ hóa màu sắc của Hoàng Thái Thanh.

Hai năm trở lại đây, anh đã làm tốt phần việc của mình bằng cách tận dụng công nghệ để triển khai các chiến lược tiếp thị để tiếp cận với khán giả trẻ. Kết quả là một sân khấu rất nghiêm túc và chững chạc, xuất hiện ngày càng nhiều khán giả tuổi đôi mươi. Công Hiển cũng góp sức rất lớn đến các buổi diễn kịch học đường, sân chơi mà các thầy cô xem kịch là tiết học văn ngoại khóa cho các bạn học sinh.

Dấu ấn trẻ của kịch Hoàng Thái Thanh mùa Tết - Ảnh 2.

Lần này, với vở Trái tim oan khuất, Huỳnh Công Hiển dấn thân từ vai trò tác giả đến đạo diễn. Tác giả Huỳnh Trúc Anh tức là Huỳnh Công Hiển - Hồng Trúc - Lê Anh. Cả ba tác giả tuổi ngoài 20 này đã làm việc quần quật, tìm tòi ra một ý tưởng kịch lạ, nhằm có thể làm hài lòng đối tượng khán giả chính ở độ tuổi trung niên, đồng thời tiếp cận được khán giả trẻ.

Phần kịch bản hoàn thành, Hiển tham gia phụ với nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như phần dàn dựng. Mặc dù kịch bản gốc còn hơi lỏng lẻo, buộc Thành Hội và Ái Như phải chỉnh sửa và bồi đắp, nhằm tạo ra một câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn mà có giá trị nghệ thuật và thông điệp đẹp. Thế nhưng, ba con người trẻ này đã tạo ra được cái tứ hay để có được một vở diễn giàu cảm xúc.

Dấu ấn trẻ của kịch Hoàng Thái Thanh mùa Tết - Ảnh 3.

Các gương mặt trẻ tự tin

Chính nhờ các tình huống kịch trẻ trung, thú vị mà Công Danh lấy được cảm xúc người xem trong vai Hoàng, đứa con đi tìm nguyên nhân sự mất tích của mẹ mình. Công Danh, với những giọt nước mắt bên cạnh hình ảnh người mẹ, cũng như sự giận dữ trong cảnh đối thoại với người cha về tư cách người đàn ông, đã chạm sâu vào cảm xúc người xem.

Suốt 2/3 vở diễn, trong vai Minh, Hoài Thương chỉ ở mức tròn vai, vì các tình huống chưa đủ thử thách về kỹ năng diễn xuất. Nhưng vào gần cuối, Thương đã tỏa sáng bằng các cảnh diễn khó về tâm lý.

Dấu ấn trẻ của kịch Hoàng Thái Thanh mùa Tết - Ảnh 4.

Khánh Vân trong vai bà vú Liên

Khánh Vân cũng là trường hợp tương tự. Nhiều năm đứng trên sân khấu với các vai diễn chưa đủ gây ấn tượng, đến vai vú Liên trong vở này, Khánh Vân đã khiến khán giả sờ sợ qua dáng đi, nét mặt và ánh mắt vô cùng bí hiểm.

Điều cần nhắc đến là trong vở diễn này có sự xuất hiện của ba học viên khóa 1 lò đào tạo Hoàng Thái Thanh, đó là Phi Long (vai Báu), Hoài Nguyên (Lan, lúc trẻ), Yến Nhi (Phụng, lúc trẻ). Dù là những gương mặt còn rất mới, nhưng các bạn đã khá tự tin trên sân khấu.

Người xưa có câu "Thầy già, con hát trẻ" là để chỉ đặc trưng tuổi tác, kinh nghiệm của từng nghề nghiệp. Việc sân khấu Hoàng Thái Thanh và các sân khấu khác đang nỗ lực tìm kiếm các gương mặt trẻ là điều rất đáng ghi nhận.

Dấu ấn trẻ của kịch Hoàng Thái Thanh mùa Tết - Ảnh 5.

"Chia sẻ" nhân sự

Mùa Tết này, có 3 gương mặt trẻ của Hoàng Thái Thanh đi "đầu quân" ở sân khấu IDECAF là Quốc Thịnh, Tuyết Mai và Lê Thúy. Quốc Thịnh và Tuyết Mai là học trò của Thành Hội và Ái Như từ trường nghệ thuật. Khi hai vị thầy của họ thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh, họ về đầu quân trong các tư cách như diễn viên, biên kịch và đạo diễn. Trong vai trò diễn viên, Quốc Thịnh đã có nhiều vai diễn hay.

Lê Thúy xuất hiện tại sân khấu này khoảng vài năm trở lại đây. Cô cũng nhanh chóng để lại ấn tượng sâu sắc qua hai vai nữ chính là Út Gương vở Mơ trăng bóng nước và vai bà Tư Chớp trong Bàn tay của trời.

Mùa kịch Tết năm 2023, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn mời bộ ba này về để triển khai vở hài nhạc kịch có tựa đề Em em chị chị. Trong vở này, đồng vai trò kịch bản là Mai Thịnh - Lê Thúy, còn đồng đạo diễn là Quốc Thịnh - Tuyết Mai.

Từ lâu, ông Huỳnh Anh Tuấn đã đánh giá tốt năng lực của Quốc Thịnh và Tuyết Mai, nên khi có thêm điểm diễn tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, anh đã lập tức mời họ về cộng tác. Kịch bản Em em chị chị dẫn dắt người xem vào cuộc điều tra vụ mưu sát một đại gia trong showbiz, xen lẫn trong đó có cả những thị phi giữa các ngôi sao. Để cuối cùng rồi khán giả vở ra với một sự thật khác, khá bất ngờ.

Nếu như Quốc Thịnh từ lâu đã khẳng định năng lực ở cả ba vai trò diễn viên, tác giả, đạo diễn thì Lê Thúy ngỡ như chỉ mạnh trong diễn xuất. Vậy nhưng, từ lâu cô âm thầm dấn thân vào công việc sáng tác kịch bản và đắt show ở nhiều chương trình truyền hình.

Thậm chí cô cũng là đồng tác giả của một kịch bản mà Hoàng Thái Thanh đã mua lại ý tưởng để dựng vở là Mùi của hạnh phúc. Qua đồng kịch bản Em em chị chị, cảm tác từ nhạc kịch Chicago, Lê Thúy đang dần khẳng định việc viết lách cũng là một thế mạnh của mình. Vở diễn có sự tham gia của Hồng Ánh, Võ Minh Lâm, Bảo Trí, Phạm Yến, Lệ Trinh, Huỳnh Thiện Trung và nhiều diễn viên khác. 

Thay vai và đảo vai

Để đảm bảo lịch diễn Trái tim oan khuất xuyên suốt mùa Tết, vai Phụng do NSƯT Tuyết Thu và nghệ sĩ Ái Như đảm nhiệm, vai Trung do Thế Hải và Ma Ran Đô luân phiên, vai thầy Chín Chuối do Ái Như diễn xen kẽ với Huỳnh Thiện Trung.

Các vai diễn cố định gồm Lạc (NSƯT Thành Hội), thầy địa lý A Xương (Nguyễn Long), Lan thời trẻ (Hoài Nguyên), Phụng thời trẻ (Yến Nhi), Báu tài xế (Phi Long), Hoàng (Công Danh), Minh (Hoài Thương), vú Liên (Khánh Vân).

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm