Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hồ Biểu Chánh làm nên tâm hồn tôi

07/08/2013 18:45 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Một sự tình cờ, tên tuổi đạo diễn – NSƯT Hồ Ngọc Xum đều ghi dấu ấn bởi những phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học đậm chất Nam bộ của nhà văn nổi tiếng cùng họ: Hồ Biểu Chánh.

Khi phim Ngọn cỏ gió đùa (KB: Võ Đắc Dự, ĐD: NSƯT Hồ Ngọc Xum, 45 tập) vừa lên sóng HTV9 lúc 17h30 hằng ngày thì Hồ Ngọc Xum cũng đang quay Hai khối tình (KB: Mai Lan) - cả hai đều chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Tính đến nay, Hồ Ngọc Xum đã và đang làm gần 10 phim chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, không ai nhiều bằng ông. 

* Ông đến với tác phẩm Hồ Biểu Chánh từ cơ duyên nào? Điều gì khiến ông gắn bó hơn 20 năm qua?

- Cái này thật khó nói rành mạch, vì từ nhỏ tôi đã đọc tác phẩm của ông, lớn lên vào văn khoa lại tiếp tục học, nên Hồ Biểu Chánh cũng như vài tác giả miền Nam khác đã tạo dựng nên nền tảng của tâm hồn tôi.

Năm 1989, đạo diễn Việt Linh đã biên kịch Ngọn cỏ gió đùa rất cảm xúc, tự nhiên tôi thấy có sự đồng cảm lớn, nên sau khi được mời làm đạo diễn kịch bản này, tôi cứ muốn làm dài dài. Qua khoảng 12 phim truyền hình của 2-3 đạo diễn, có một thực tế cho thấy phim thường có khá đông người xem, được chào đón nồng nhiệt hơn cả nguyên tác đang bán ngoài nhà sách hiện nay. Có lẽ do phim sinh động, gần gũi hơn văn học, lại gặp thời buổi truyền hình lên ngôi.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum.

* Phải chăng cho đến nay, ông là “chuyên gia” dàn dựng tác phẩm Hồ Biểu Chánh?

- Tôi liên tục được mời làm phim về tác phẩm Hồ Biểu Chánh vì người ta nghĩ tôi “chuyên trị” về ông. Nhưng quan trọng hơn, tôi đồng cảm với ông và nắm được tinh thần, tư tưởng trong từng tác phẩm, nên dễ lột tả. Quan điểm của tôi là nếu đạo diễn mà không nắm được tinh thần tác phẩm thì đừng bao giờ chuyển thể hay dàn dựng nó. Làm như vậy rất dễ làm hư nguyên tác, “phá thể” hơn là chuyển thể.

* Làm phim về buổi giao thời của Nam bộ đầu thế kỷ 20 vốn không dễ dàng gì…

- Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh có 4 điều mà đạo diễn nào đồng cảm được cũng sẽ thấy thuận lợi. Thứ nhất, đó là nội dung gay cấn, hấp dẫn vì những mâu thuẫn có tính căn bản của đời sống như giàu - nghèo, tốt - xấu, sự biến chất và phục thiện… Thứ hai, hình tượng nhân vật luôn được tác giả khắc họa rõ nét về nhân diện, cụ thể về tính cách, chính xác về tâm lý… nên dễ dàn dựng lên kịch, lên phim. Thứ ba, đối đáp (cũng là lời thoại) rất đắt, tuy xưa mà bây giờ nghe vẫn thuận tai, nên vào phim rất trung thực, dễ ra chất, ra hồn. Thứ tư, phong thổ và tập quán được miêu tả chi tiết, có nền tảng về văn hiến, văn vật nên việc dàn dựng, làm bối cảnh rất có cơ sở để bám vào. Có lẽ từ 4 đặc điểm này, cộng với niềm trân trọng của bản thân mà khi lên phim khán giả thấy nó không lạc thời.


Một cảnh trong phim Hai khối tình, đang bấm máy.

* Làm gần 10 phim về Hồ Biểu Chánh, nhưng ông chưa bao giờ trực tiếp chuyển thể kịch bản, tại sao vậy?

- Nói cái này ra nghe hơi mâu thuẫn, nhưng từ lâu, vì yêu thích văn học mà ngại chuyển thể, sợ mình tham cái này cái kia mà dài dòng. Nhiều trang văn tả phong cảnh lê thê của Hồ Biểu Chánh, có thể người khác thấy mệt mỏi, nhưng tôi lại thấy thích thú vì nó cụ thể, chi tiết. Thế nhưng để tự tay chuyển thể sang kịch bản thì thấy khó, bê nguyên không được mà lược bỏ lại thấy xót. Dùng kịch bản của người khác, cộng với kinh nghiệm đọc tác phẩm, ra phim trường tôi thấy tự tin hơn rất nhiều.

Hơn nữa, tôi đâu có thời gian để viết, một kịch bản 30 tập thì phải mất đến 5-6 tháng ròng rã, trong khi tôi xong phim này thì đã có phim khác để quay. Thế nhưng, dù không viết, nhưng tôi luôn làm việc rất kỹ với biên kịch ngay từ đầu, để tạo đường dây, xâu chuỗi các tác phẩm và biên tập. Chỉ có Hai khối tình đang quay là kịch bản tương đối độc lập, do Hãng phim Giải phóng đặt viết, tôi “đến sau” nên chỉ biên tập chút đỉnh.

* Một câu hỏi vui nhưng cũng có liên quan chút xíu, ông với Hồ Biểu Chánh có quan hệ họ hàng hay không?

Hồ Biểu Chánh (1885-1958) viết hơn 130 tác phẩm, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dịch, hài kịch, ca kịch, thơ, truyện thơ, ký, khảo cứu, phê bình... Các phim chuyển thể từ tác phẩm của ông gồm Ngọn cỏ gió đùa (1989), Con nhà nghèo (1998), Ân oán nợ đời (2002), Nợ đời (2004), Cay đắng mùi đời (2007), Tại tôi (2009), Tân Phong nữ sĩ (2009), Tình án (2009), Khóc thầm (2010), Lòng dạ đàn bà (2011), Ngọn cỏ gió đùa (2013)…

- Cảm ơn bạn vì câu hỏi bất ngờ này. Thật lòng mà nói thì tôi không biết, vì ông bà cha mẹ không có đề cập, tôi cũng chưa xem phả hệ nhiều đời của họ Hồ. Chỉ biết rằng cùng mạng họ với nhà văn mình yêu thích là một cái duyên đẹp, nó khiến mình cẩn thận hơn khi làm việc.

Có một chuyện lý thú thế này, NSƯT Thanh Hoàng là người đầu tiên chuyển thể tác phẩm Con nhà nghèo cho phim truyền hình mà tôi đạo diễn, anh ấy cũng họ Hồ (Hồ Kim Hoàng). Sau đó là Nợ đời và một vài kịch bản nữa. Chính mối duyên “người dưng chung họ” này mà tôi với Thanh Hoàng đã và sẽ còn nhiều kết hợp cùng tác phẩm Hồ Biểu Chánh.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm