02/08/2024 11:43 GMT+7 | Đời sống
Theo các chuyên gia khí tượng, "stress nhiệt" là một thuật ngữ khoa học được hiểu là nền nhiệt độ cao hơn mức cơ thể có thể chịu đựng được mà không gây ảnh hưởng xấu đến sinh lý.
Hiện tượng này thường xảy ra ở nhiệt độ trên 35°C và trong môi trường có độ ẩm cao. Dự báo hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể dẫn tới gia tăng stress nhiệt liên quan đến công việc, giảm năng suất và gây thiệt hại về việc làm và kinh tế. Những quốc gia nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trước thực tế cần có những nghiên cứu stress nhiệt và các yếu tố khí tượng liên quan đặc biệt là ở các thành phố lớn nhằm tạo ra kênh thông tin đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, mới đây, các nhà khoa học Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã thực hiện đề tài khoa học cấp Viện: "Nghiên cứu đánh giá sự biến đổi của chỉ số stress nhiệt trong xu thế biến đổi khí hậu tại thành phố Hà Nội" (mã số: VAST05.01/22-23).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Lưu Thu Thủy, Chủ nhiệm đề tài cho biết, bà và các cộng sự Viện Địa lý đã phân tích, tổng hợp, đánh giá sự biến động các chỉ số stress nhiệt theo không gian, thời gian trong xu thế biến đổi khí hậu, bước đầu đánh giá mối quan hệ giữa một số bệnh liên quan đến nhiệt độ với yếu tố khí tượng chính và chỉ số stress nhiệt.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, Thủ đô Hà Nội là khu vực có nguy cơ xảy ra stress nhiệt nhiều nhất, đặc biệt trong những đợt nắng nóng gay gắt vào mùa hè, dễ xảy ra hiện tượng đảo nhiệt đô thị khiến nền nhiệt gia tăng hơn rất nhiều so với các khu vực ở nông thôn và vùng núi. Vì vậy, cần có các biện pháp phòng tránh nắng nóng, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9. Đặc biệt, tháng 6, 7 là những tháng có các chỉ số stress nhiệt cao nhất trong năm.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chỉ số HI-max (chỉ số nhiệt cao nhất) sẽ tăng hàng năm từ năm 2020 đến 2050. Theo đó, số ngày chỉ số nhiệt cao nhất 41ºC (mức nguy hiểm) có xu thế tăng trong giai đoạn năm 2021-2050 với mức tăng tương ứng là 9 ngày và 6 ngày trong mỗi thập kỷ. Số ngày chỉ số nhiệt cao nhất trên 41ºC (mức nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm) của các tháng trong quá khứ và tương lai nhiều nhất rơi vào các tháng 6, 7, 8. Tuy nhiên, tháng có số ngày chỉ số nhiệt cao nhất trên 41°C, cao nhất trong giai đoạn 2021-2050 theo kịch bản rơi vào tháng 7, 8, khác so với giai đoạn 1991-2020 là tháng 6.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Lưu Thu Thủy, từ tháng 5 đến tháng 9 là khoảng thời gian dễ xảy ra stress nhiệt, đặc biệt trong các tháng 6, 7, 8 có chỉ số stress nhiệt cao nhất trong năm. Ở ngưỡng nhiệt cao, cơ thể con người sẽ có phản ứng như: Chuột rút do nhiệt hoặc kiệt sức vì nóng, đột quỵ do tiếp xúc nhiệt lâu hoặc do hoạt động thể chất trong điều kiện nhiệt độ cao. Do vậy, người dân trong khu vực có nguy cơ xảy ra stress nhiệt cần chú ý hơn đến các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ ảnh hưởng của stress nhiệt tới sức khỏe, đặc biệt là người dân ở vùng trung tâm và nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người già và trẻ em.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Lưu Thu Thủy chia sẻ thêm, quá trình thích nghi với stress nhiệt thường bị mất đi nhanh chóng. Người dân cần chú ý nghỉ ngơi để thích nghi lại với nhiệt độ cao nếu đi nghỉ dưỡng trong thời gian dài và không nên làm việc ở mức độ 100% khối lượng công việc trong thời gian này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tức thời, ngăn ngừa stress nhiệt ảnh hưởng đến sức khỏe và không để xảy ra hiện tượng stress nhiều mới là giải pháp dài hạn. Các cấp chính quyền và các đơn vị liên quan cần có phương án quy hoạch lại đô thị, tạo không gian sống thoáng đãng hơn, giảm bớt ô nhiễm không khí, bổ sung nhiều công viên, trồng nhiều cây xanh và hồ chứa nước…
Phó Giáo sư Thủy cho rằng, kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học quan trọng để phát triển các hướng nghiên cứu về khí tượng sinh học, là tài liệu tham khảo cho các trường đại học và các cơ sở đào tạo về chuyên ngành sinh khí hậu, là kênh thông tin cảnh báo nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thích ứng với các hiện tượng nắng nóng cực đoan ngày càng nhiều trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thành công có giá trị thực tiễn của nghiên cứu bước đầu giúp xây dựng được mối quan hệ giữa chỉ số stress nhiệt đối với một số bệnh liên quan đến nhiệt độ. Tuy nhiên, để có những đánh giá mang tính khách quan và độ tin cậy cao, Phó Giáo sư Thủy đề xuất, cần thu thập chuỗi số liệu về bệnh tật liên quan đến chỉ số stress nhiệt trong thời gian đủ lớn (ít nhất là 30 năm). Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu về khí hậu sinh vật - con người, góp phần giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống xã hội trong tương lai.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất