Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: "Làm việc tốt không dễ"

25/04/2013 19:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Được xem là một trong những ứng viên sáng giá nhất cho vị trí chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VII, nhưng trò chuyện với TT&VH Cuối tuần, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, đề nghị không đề cập tới những vấn đề liên quan tới đại hội ban chấp hành khóa VII VFF sắp diễn ra, vì “không phải là thời điểm thích hợp”. Song ông sẵn lòng chia sẻ nhiều chi tiết thú vị trong quãng thời gian đồng hành cùng bóng đá Việt Nam.

* Là người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tài chính ngân hàng, đồng thời giữ vai trò quản lý bóng đá, và lại là người có mối quan hệ khá thân thiết với giới văn nghệ sỹ. Ông làm thế nào để dung hòa sự khác biệt giữa những mặt tưởng như đối lập ấy trong con người mình?

- Chuyện có cùng những sắc thái tính cách khác nhau trong một con người cũng là bình thường mà. Nhờ một cơ duyên nào đấy mà từ rất lâu rồi, tôi tình cờ quen được một số anh em nghệ sỹ được công chúng mến mộ, như anh Nguyễn Quang Sáng, anh Nguyễn Duy, anh Trịnh Công Sơn, rồi nhóm của anh Phạm Trọng Cầu, và một số nhà văn nữa mà tôi chơi rất là thân thiết. Nói chung là trong cuộc sống đời thường thì tôi vẫn thích những thứ nó lãng mạn một chút.



Ông Lê Hùng Dũng (trái) trong cuộc gặp gỡ cựu danh thủ Cannavaro tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

* Còn đam mê bóng đá của ông xuất phát từ khi nào?

Từ rất lâu rồi, từ khi còn nhỏ tôi đã thích bóng đá rồi. Chừng bảy, tám tuổi, khi còn đang học trường làng, tôi đã bắt đầu chơi bóng như các trẻ em khác ở thôn quê Việt Nam. Mà hồi ấy còn nghèo nên chúng tôi đâu có tiền mua bóng để đá, nên phải lấy lá chuối cuốn lại rồi buộc bằng dây chun thành cục tròn tròn để đá thôi. Đá tới khi nào nó tan thì lại làm quả khác.

Sau này có tiền thì mua bóng nhựa, đá bóng nhựa được một thời gian thì lên lớp trên bắt đầu chung tiền với bạn bè để mua bóng da. Nhưng thời ấy bóng da còn thô nên đá đau lắm, nhất là khi bóng ướt thì đá đau chân vô cùng. Mà đâu có giày dép gì đâu, toàn chân trần thôi, và cứ như thế mà chúng tôi đá bóng thôi.

Sau này lớn hơn nữa thì tôi tham gia đội bóng ở trường rồi thi đấu giao hữu với đội của các trường khác. Hầu như ngày nào tan giờ học chúng tôi cũng mang bóng ra quần miệt mài, đến khi tối mịt mới thôi. Có lẽ bóng đá là môn thể thao dễ chơi, không tốn kém gì, mà ai cũng có thể tham gia được nên chơi bóng đá rất vui.

* Theo ông, giữa chơi bóng đá và làm quản lý bóng đá có khác nhau nhiều không?

- Khác nhau nhiều lắm. Một đằng là thể hiện đam mê của mình, còn một đằng lại là công việc mà tôi cho là khá cực nhọc và đau đầu. Đấy là hai việc khác nhau hoàn toàn, dù giữa chúng có sự liên hệ nhưng vẫn rất khác nhau. Làm quản lý bóng đá, mà lại về lĩnh vực tiền nong, thì nó hơi có đặc thù một chút.

* Từ ngày tham gia công tác quản lý bóng đá tới giờ thì có kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất hay không?

- Với tôi bóng đá Việt Nam có hai kỷ niệm để đời, một là thất bại ở Tiger Cup 1998. Rất đau đớn! Bây giờ Tiger Cup 1998 đã trôi qua mười mấy năm rồi nhưng tôi vẫn không quên được cái đêm ngày 4/9/1998 ấy.

Còn thứ hai là niềm vui tột cùng của đêm ngày 28/12/2008, khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Tôi có nhiều kỷ niệm với bóng đá nhưng đấy là hai kỷ niệm mà tôi nhớ nhất. Một kỷ niệm là đau buồn cùng cực, còn một kỷ niệm là hạnh phúc vô bờ.

* Ông là người được VFF giao nhiệm vụ đàm phán hợp đồng với đối tác, đặc biệt là các huấn luyện viên nước ngoài cho đội tuyển quốc gia…

- Cuộc đàm phán với ông (Henrique) Calisto vào năm 2008 rất nhiều kỷ niệm. Lãnh đạo VFF quyết định chọn ông Calisto, nhưng trong thường trực VFF khóa V lúc đó không ai biết tiếng Anh và cũng không có ai có mối quan hệ cá nhân với ông Calisto. Tôi thì quen ông Calisto từ khi còn làm đội Ngân hàng Đông Á, có nói chuyện tiếp xúc rất nhiều lần và tôi còn nhờ ông Calisto kiếm giúp một huấn luyện viên người Bồ Đào Nha cho Ngân hàng Đông Á là ông Francisco Vital (hiện đang dẫn dắt Đồng Tâm Long An).

Lúc ấy thường trực VFF chỉ định tôi tiến hành đàm phán với ông Calisto, và tôi đồng ý. Tôi nhớ là lãnh đạo VFF khóa IV có chuyện không vui với ông Calisto, khi mời ông ấy ký hợp đồng rồi, và ông ấy đồng ý rồi nhưng cuối cùng lại hủy bỏ. Sau sự kiện ấy huấn luyện viên Calisto rất giận và tuyên bố tuyệt giao với VFF luôn. Ở thời điểm đấy bóng đá Việt Nam đang rất cần huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia nên tôi đã điện thoại cho ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch ĐT.LA, đề nghị ông Thắng bố trí cho tôi một cuộc gặp với ông Calisto. Khi tôi nói lý do muốn mời ông Calisto dẫn dắt đội tuyển thì ông Thắng không đồng ý.

Sau khi tôi thuyết phục một hồi thì ông Thắng chấp nhận, nhưng lại nảy sinh vấn đề là ông Calisto không đồng ý tiếp xúc với đại diện của VFF, nhưng khi được biết người đại diện cho VFF là tôi thì ông Calisto đồng ý ngay. Chúng tôi quyết định gặp nhau ở nhà ông Thắng, ông Thắng nói vài câu rồi ra ngay, để lại tôi và ông Calisto ngồi nói chuyện riêng với nhau.

Hai bên nói chuyện chừng hơn một tiếng đồng hồ, và tôi đã giải đáp hết mọi thắc mắc của huấn luyện viên Calisto. Tôi nói với ông Calisto là “Chuyện cũ là của khóa cũ. Tôi với ông là bạn thì ông có tin tôi không”. Sau cuộc nói chuyện kéo dài hơn một giờ đồng hồ thì ông Calisto đồng ý về nguyên tắc các nội dung cơ bản của bản hợp đồng. Khi tôi điện ra Hà Nội cho các anh trong thường trực để thông báo thì phải nói là ai cũng cảm thấy bất ngờ, vì mọi người không tin là tôi có thể thuyết phục được ông Calisto, nên tất cả đều mừng làm. Và cũng mừng là ngay năm đó đội tuyển quốc gia do huấn luyện viên Calisto dẫn dắt lại đoạt được danh hiệu vô địch AFF Cup 2008.

* Nhà báo Hồng Ngọc trong chuyên mục Cà phê thể thao của TT&VH Cuối tuần  có nhận xét về ông thế này: “Ông không thuộc mẫu người làm chiến lược, thể chế hóa việc thực hiện chiến lược. Ông thích hợp với một vai trò mang tính hành động, hoặc tiếp tục là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính như hiện nay hơn”. Ông nghĩ như thế nào về nhận xét này?

- Tôi cũng có đọc bài viết đó trên TT&VH rồi. Tôi thì chỉ nói thế này thôi, là quan điểm của mọi người khác nhau là chuyện bình thường. Ngay trong gia đình vợ chồng ăn ở với nhau như thế mà có phải đồng thuận với nhau hết đâu, huống chi là ngoài đời, nên thôi tôi xin phép không được bình luận về ý kiến này.

Nghĩa là chúng ta chấp nhận một thực tế trong đời sống xã hội, là mỗi người đều có quan điểm riêng của mình, có thể trùng hợp với người khác hoặc có thể không trùng hợp, tôi không bình luận gì về điều đó cả. Mình nên tôn trọng ý kiến khác biệt của mọi người và như vậy mới là xã hội. Tôi nghĩ chính sự khác biệt ấy mới mang lại màu sắc phong phú và thú vị cho xã hội, bởi nếu ai cũng giống nhau hết thì buồn lắm.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất thẳng thắn và thú vị này.

Hoàng Huy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm