PCT VFF Lê Hùng Dũng: Một đêm, khó biến vịt thành thiên nga

30/10/2010 19:05 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH cuối tuần) - Vừa là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF), vừa là Phó chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã trao đổi với TT&VH Cuối tuần về việc mua bán, sang tên CLB và cả chuyện Xuân Thành muốn có hộ khẩu Sài Gòn.

* Xin được bắt đầu bằng việc CLB Xuân Thành Hà Tĩnh muốn sáp nhập vào TP.HCM, lý do nào để HFF chấp nhận đề nghị trên, thưa ông?

- Nhiều người hỏi tôi chuyện đó. Theo tôi thì chúng ta không nên đặt vấn đề gay gắt quá, là mục đích nọ kia... Người ta sở hữu đội bóng, muốn chuyển đến với mình, đất phương Nam thì luôn rộng mở. Ai đến thì mình chào đón thôi. Chúng tôi chỉ chờ Xuân Thành Hà Tĩnh có thư gửi chính thức là tiến hành thủ tục tiếp nhận. Cũng chỉ khoảng dăm ba ngày là xong chứ không lâu.

* Có cảm giác như việc chuyển đổi hay sáp nhập, thay tên đổi chủ của các CLB ở VN diễn ra khá nhanh?


- Tôi muốn nói thế này, một số người cứ phê phán tại sao ở các nước khác, như Pháp hay Anh, CLB có đổi ông chủ nhưng tên thì không. Trong khi ở VN thì thay đổi liên tục? Nói thế là không hiểu gì về thực tế bóng đá. Lấy ví dụ như Anh, các CLB bóng đá của họ là những cỗ máy làm ra tiền thật sự, có thương hiệu lâu năm, như các ngân hàng HN.ACB hay Vietcombank. Khi được bán cho một ông chủ khác, cỗ máy ấy vẫn làm ra tiền. Người mua CLB cũng giống như một cổ đông, họ chỉ cần tính toán bỏ vào đấy bao nhiêu tiền, thu lại bao nhiêu… Thử hỏi ở VN, có CLB nào làm ra tiền được không? Ở VN, từ hạng Nhất đến V-League, các CLB chỉ là công cụ quảng bá thương hiệu. Ông chủ nào muốn quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình thì mua một đội bóng. Với điều kiện của BĐVN hiện nay, đấy là chuyện bình thường. Trong lộ trình lên chuyên nghiệp, việc chuyển tên, đổi chủ, sáp nhập, thay đổi địa điểm thi đấu không có gì là lạ.



Ông Lê Hùng Dũng bảo vệ quan điểm BĐVN hiện tại chỉ có thể chuyên nghiệp theo kiểu Việt Nam

* Theo thống kê của VFF, các CLB ở V-League trong năm qua vẫn làm ra tiền?

- Không có đâu. Không CLB nào có lãi cả. Anh có thể hỏi ông chủ các đội bóng, có kiếm tiền từ V-League được không? Khán giả chừng ấy, nhưng giá vé được bao nhiêu? Chỉ là quảng bá thương hiệu thôi.


* Theo ông, quá trình này sẽ còn kéo dài trong bao lâu?


- Trong lộ trình lên chuyên nghiệp, phải khoảng 15 năm nữa, nếu chúng ta làm tốt. Chừng nào điều kiện kinh tế xã hội, bóng đá… phát triển, chừng đó bóng đá mới làm ra tiền, mới có lợi nhuận được. Không thể bây giờ lại bắt VN phải như Anh được.


* Ở góc độ một tổ chức quản lý điều hành, VFF không thể không có những biện pháp định hướng, điều chỉnh?


- VFF vẫn theo dõi từng mùa giải, học hỏi kinh nghiệm ở các nước, xem xét sự phát triển của họ để áp dụng cho VN, tùy thực tế có phù hợp hay không. Tuy nhiên, phải để quá trình trên tự diễn ra, chứ giờ mình có đặt ra yêu cầu cho các CLB, họ cũng không thể đáp ứng được.


* Xin trở lại với bóng đá TP.HCM, như ông nói đây là nơi “đất lành chim đậu”, nhưng thực tế trong những năm qua, bóng đá TP.HCM đang ngày một đi xuống?


- Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Tôi nghĩ nên nhìn nhận chuyện đó dưới góc độ của sự phát triển bình thường. Không thể mang chuyện bây giờ để so sánh với trước kia được. Tại sao cứ nhất định các TP lớn như TP.HCM hay Hà Nội là phải phát triển hơn các khu vực khác? Sức hút từ thu nhập do bóng đá đem lại ở các vùng nông thôn hiện nay cao hơn hẳn so với thành phố lớn. Ở TP.HCM, trẻ em bây giờ được cho đi học Tây học Tàu, chứ không mấy ai muốn con em mình đá bóng. Hơn nữa, đất đai ở TP, một m2 giá hàng chục triệu, bán đi sinh lời gấp mấy đầu tư cho bóng đá. Diện tích đầu tư cho bóng đá tự nhiên bị thu hẹp lại.


* Nói vậy, HFF không có phương kế nào vực dậy bóng đá TP.HCM?


- Tôi không nói vậy. Vấn đề là cách làm phải khác. HFF giờ xác định chỉ làm bóng đá phong trào thôi, cho đúng chức năng như hướng dẫn của AFC. Các liên đoàn chỉ tạo điều kiện hành lang pháp lý, theo công thức Nhà nước dần dần rút khỏi bóng đá, để các doanh nghiệp làm BĐCN. HFF không “nhảy” vào làm BĐCN nữa. AFC người ta có lý, anh phải có tổ chức như doanh nghiệp đàng hoàng để quản lý CLB, nếu không đáp ứng được, coi như anh tự loại mình khỏi cuộc chơi.


* Ông có cho rằng việc cổ phần hóa CLB bóng đá ở VN hiện nay chỉ mang tính đối phó với yêu cầu của AFC cũng như VFF. Có sự khác biệt nào giữa một CLB chưa và đã cổ phần hóa?


- Dù có là hình thức hay đối phó cũng tiến bộ hơn hình thức cũ. So với cái tù mù, không ai quản lý trước kia vẫn hơn rất nhiều. Cái gì cũng vậy, đi riết mới thành đường. Phải có một xuất phát điểm đã, rồi sau đấy mới có thể nghĩ tới lúc này lúc khác. Chứ ai cũng nói như thế, 10 hay 20 năm nữa chúng ta cũng không thay đổi được gì. Vấn đề chỉ là cần từ từ, từng bước rồi sẽ phát triển lên chuyên nghiệp. Không thể chỉ qua một đêm chúng ta có thể biến vịt thành thiên nga được.


* Xin cảm ơn ông!


Vĩnh Xuân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm