Bóng đá trẻ nhìn từ thất bại của U16 Việt Nam tại giải Đông Nam Á

03/07/2024 05:55 GMT+7 | Bóng đá Việt

Thất bại của đội tuyển U16 trước Thái Lan ở bán kết giải Đông Nam Á 2024 vừa qua cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam dường như đã chạm đến giới hạn với những nguồn lực hiện tại.

Bỏ qua một bên nỗi buồn thua trận trước kình địch truyền kiếp Thái Lan, U16 Đông Nam Á 2024 không phải là một giải đấu thất bại với thầy trò HLV Trần Minh Chiến.

Sau chức vô địch hồi năm 2017 của HLV Vũ Hồng Việt (khi giải đấu còn là U15), U16 Việt Nam chưa có thêm danh hiệu nào. Tuy nhiên, đội tuyển vẫn đều đặn có mặt ở bán kết 3 kỳ gần nhất, trong đấy một lần giành ngôi á quân.

Xét trên vị thế của đội tuyển quốc gia, việc duy trì được thành tích Top 4 khu vực của U16 là tạm ổn, không tốt nhưng chắc chắn không tệ.

Ở bình diện châu Á, U17 (trước đấy là U16 Việt Nam) cũng đã liên tiếp có mặt tại VCK châu lục trong nhiều kỳ tổ chức gần đây. Thành tích ấy là đạt đúng chỉ tiêu chiến lược mà VFF đề ra cho các đội tuyển trên hành trình tiến ra châu lục. Đấy là phải có mặt bằng được ở VCK các giải đấu, không giành thành tích cao cũng được, nhưng có vé tham dự là điều bắt buộc.

Tiêu chí ấy là hợp lý và hơi buồn... là vừa sức với các đội tuyển Việt Nam lúc này. Thành công rực rỡ của U23 và đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo không thay đổi được thực tế rằng chúng ta vẫn thuộc nhóm dưới của bóng đá châu Á. 

Thất bại vừa qua dưới thời HLV Philippe Troussier là minh chứng. Cách biệt giữa Việt Nam và nhóm đầu châu lục vẫn là rất lớn ở mọi cấp độ bóng đá. Khi chưa thể xóa được khoảng cách ấy, việc liên tục được cọ xát với họ sẽ giúp chúng ta thu hẹp dần trình độ.

Bóng đá trẻ nhìn từ thất bại của U16 Việt Nam - Ảnh 1.

Thất bại của U16 Việt Nam ở bán kết giải U16 Đông Nam Á 2024 đã cho thấy nhiều vấn đề của bóng đá Việt Nam

Nhìn lên cấp U19 và U23, tình hình cũng y hệt. Sau kỳ tích của U19 Việt Nam hồi 2016, các đội tuyển sau này chưa từng vượt qua vòng bảng dù nhiều lần được dẫn dắt bởi người thầy quen thuộc Hoàng Anh Tuấn. Thành tích tốt nhất của U23 ở giải châu Á cũng chỉ đến trong những lần không trùng vòng loại Olympic. Còn lại, tứ kết (Top 8 châu lục) là điều tốt nhất chúng ta làm được.

Nếu buộc phải số hóa, chúng ta có lẽ đang nằm ở khoảng từ 16 tới 12 châu Á tại mọi cấp độ đội tuyển. Thừa nhận thực tế ấy, ta sẽ nhìn nhận thất bại ở vòng loại World Cup vừa qua theo một cách nhẹ nhàng và lý trí hơn.

Bóng đá trẻ chưa tiến bộ thêm cũng là điều dễ hiểu khi đầu tư vào bóng đá Việt Nam nói chung đang chững lại. Sau cơn "sốt" dưới thời HLV Park Hang Seo, không có thêm lò đào tạo lớn nào được giới thiệu, nền bóng đá chưa sản sinh những gương mặt sáng giá, V-League, hạng Nhất vẫn từng ấy đội, nghĩa là chỉ có từng ấy cơ hội chơi bóng cho người trẻ. Mọi thứ dường như đang chùng xuống theo xu hướng chung toàn xã hội.

"Đa số các em mới chỉ trải qua tối đa 6 trận ở vòng loại U17 Quốc gia, cùng với đó là 3 trận đá giao hữu. Kinh nghiệm trận mạc của các em không nhiều", HLV Trần Minh Chiến chia sẻ sau trận thua Thái Lan. Tiếc cho ông Chiến và đội tuyển U16 vì VCK U16 quốc gia chỉ khai mạc sau đây khoảng 10 ngày, đồng nghĩa U16 Việt Nam lẽ ra có thể hoàn thiện hơn trước khi dự giải khu vực.

Điều ông Chiến nói cũng là thứ những người làm bóng đá luôn trăn trở. Ai cũng biết phải tăng số trận cho cầu thủ trẻ, ai cũng biết phải nâng số đội dự giải chuyên nghiệp, phải tăng thêm lò đào tạo ở địa phương. Nhưng điều kiện để thực hiện những việc ấy ở đâu thì chưa ai nói được.

Bởi vậy, bóng đá trẻ Việt Nam vẫn dừng lại tại đây.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm