Cú nhảy “kỷ lục” vượt tốc độ âm thanh: Chẳng phục vụ gì cho khoa học

17/10/2012 07:50 GMT+7 | Trong nước



(TT&VH) - Việc vận động viên mạo hiểm Felix Baumgartner vừa nhảy trở lại trái đất từ độ cao kỷ lục 39 km đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận thế giới. Có người ca ngợi anh đã mở đường cho hoạt động du lịch không gian, hoặc giúp cứu mạng các phi hành gia nếu chẳng may tàu chở họ lên vũ trụ bị nổ. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là màn gây sốc thuần túy để thu lợi.

Khi Felix Baumgartner tới từ Áo mở cửa module chở anh lên tầng bình lưu trong ngày 14/10 và bước ra ngoài để thực hiện màn nhảy xuống trong khuôn khổ nhiệm vụ Red Bull Stratos, hàng triệu người đã nín thở theo dõi màn trình diễn.

Sẽ thành triệu phú nhờ việc nhảy trở lại mặt đất

Cú nhảy anh sắp thực hiện chưa từng diễn ra trước đó và lòng dũng cảm của anh thật khó so sánh. Hình ảnh Baumgartner mở cửa module từ độ cao 39 km và thả mình xuống dưới một cách nhẹ nhàng có thể khiến nhiều người há hốc mồm kinh ngạc.

Nếu chỉ nhìn vào các con số, Baumgertner và đội của anh hoàn toàn xứng đáng được ca ngợi. Anh đã nhảy xuống từ độ cao lớn nhất từ trước tới nay và rơi tự do với tốc độ 1.342km/h, tức nhanh hơn 1,24 lần tốc độ âm thanh. Nhiệt độ bên ngoài là -70 độ C và bộ quần áo tăng áp là thứ duy nhất giữ mạng sống cho Baumgertner.

Felix Baumgartner nhảy xuống mặt đất từ độ cao 39km

Nhưng cuối cùng Baumgertner đã rơi tự do thành công trong 4 phút 20 giây và bung dù hạ cánh nhẹ nhàng. Khi tiếp đất, anh mỉm cười bước đi và vẫy tay như không có chuyện gì xảy ra.

Liệu ai có gan để thử làm một điều rồ dại như thế?

Thế nhưng chính sự “hoành tráng” của sự kiện đã nhắc người ta nhớ tới thực tế rằng: đây chỉ là một màn trình diễn gây sốc. Ngay từ đầu, người ta đã biết Baumgertner và Red Bull muốn gì. Đó là anh muốn phá kỷ lục rơi xuống từ độ cao lớn nhất đã đứng vững suốt 50 năm qua (kỷ lục trước đó là 31,3 km) và là người đầu tiên vượt rào âm thanh trong một bộ quần áo phi hành gia.

Phá kỷ lục chắc chắn sẽ khiến Baumgertner được đưa vào sách Guinness. Thực tế Guinness hôm 15/10 đã công nhận việc anh phá liền 5 kỷ lục, gồm “người đầu tiên phá rào âm thanh nhờ rơi tự do”, “tốc độ rơi thẳng đứng lớn nhất”, “cú rơi tự do và nhảy dù từ độ cao lớn nhất”, “khoảng cách rơi tự do lớn nhất”. Ngoài ra, Felix còn phá kỷ lục thu hút số người xem truyền hình trực tiếp lớn nhất trên mạng YouTube, với 8 triệu lượt người theo dõi.

Phá kỷ lục cũng sẽ khiến Baumgertner được các nhà tài trợ lắm tiền như Red Bull đỡ đầu và có thể biến anh thành triệu phú nhờ việc viết sách, tham gia các chương trình truyền hình, làm quảng cáo, ký hợp đồng dựng phim.

Felix nhận chứng nhận kỷ lục Guinness trong ngày 15/10

Thuần túy quảng cáo và biểu diễn gây sốc

Nhưng ngoài những chuyện kể trên, Baumgertner và Red Bull sẽ chẳng làm được thêm điều gì khác. Tờ Time nói rằng một số nhà tài trợ và vài nhân vật lãnh đạo của Mỹ đã bàn về khía cạnh khoa học mà cú nhảy mang tới. Họ nói rằng cú nhảy sẽ giúp thiết kế ra một bộ quần áo phi hành gia đặc biệt cho các màn nhảy khỏi tàu vũ trụ ở độ cao lớn. Ngoài ra, cú nhảy cũng giúp nghiên cứu về phản ứng của cơ thể trong điều kiện tăng tốc lên nhanh hơn tốc độ âm thanh.

Song đó là các kỳ vọng hơi có phần “lạc quan tếu”. Time cho biết thiết kế quần áo tăng áp là một công nghệ đã trưởng thành, được các kỹ sư tinh chỉnh tới mức hoàn hảo kể từ khi những phi công đầu tiên bay tới độ cao siêu lớn, đòi hỏi người ta phải cho ra đời các khoang lái tăng áp. Và không lâu sau đó, các bộ quần áo này cũng được thiết kế để chịu được việc bị “ném” ra khỏi máy bay ở tốc độ cực lớn trong tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, thoát khỏi một con tàu vũ trụ gặp nạn ở độ cao gần như không còn không khí sẽ là vấn đề khác hẳn. Kể từ chương trình Gemini trong những năm 1960, các kỹ sư của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã làm việc trong nhiều năm để tìm cách giúp các phi hành gia rời tàu gặp nạn theo cách Baumgartner vừa thực hiện và tới nay họ vẫn chưa có lời giải.

Nguyên nhân do hoạt động của các phi hành gia có một sự khác biệt rất lớn so với màn nhảy dù mạo hiểm của Baumgartner. Trong khi Baumgartner chỉ nhảy xuống từ một quả khí cầu gần như đứng yên một chỗ, các phi hành gia sẽ phải thoát ra khỏi một con tàu ở độ cao lớn và đang di chuyển với tốc độ cực lớn. Tốc độ này sẽ khiến họ sẽ phải đối mặt với nhiều dạng tác động vật lý nguy hiểm không xuất hiện trong màn trình diễn của vận động viên người Áo.

Nếu thoát ra khỏi con tàu ở độ cao thấp hơn tại nơi có không khí loãng, các phi hành gia càng dễ đối mặt với nguy hiểm, bởi với tốc độ lên tới hàng chục ngàn km/h, bầu khí quyển đập vào người họ sẽ mạnh như bê tông rắn chắc vậy.

Như vậy, xét trên nhiều góc độ, hoạt động của Baumgartner và Red Bull chỉ là hoạt động quảng cáo thuần túy. Nhưng họ đã khôn khéo làm việc đó nhờ đánh trúng tâm lý mê mẩn các câu chuyện kỳ vĩ, lạ lùng, thậm chí điên cuồng của con người, cũng như đã thực hiện thành công màn trình diễn theo cách thức đề cao lòng can đảm và sự đẹp mắt.

Tường Linh (Theo Time)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm