(TT&VH) - Theo dự báo, trong TK 21 thế giới sẽ thiếu lương thực trên diện rộng. Đây là một cơ hội cho chúng ta phát triển và giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông thôn?
TT&VH xin trích đăng ý kiến của GS, VS Đào Thế Tuấn về vấn đề này.Đa dạng hóa sinh kếTrong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, phát triển kinh tế là phát triển nông nghiệp, còn phát triển xã hội là phát triển nông thôn. Phát triển kinh tế mà chỉ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, còn phát triển xã hội gắn liền với nâng cao phúc lợi của nông dân. Phát triển kinh tế đem lại lợi ích chủ yếu cho doanh nghiệp, còn lợi ích của nông dân không được chú ý đến, có thể gọi là không bền vững. Cần có một đường lối xã hội hoá công cuộc cải cách KTXH, không lẫn lộn xã hội hoá với thị trường hoá và tư nhân hoá, chủ yếu phải dựa vào cộng đồng nông thôn.Nông dân là những người khởi xướng Đổi mới, nhưng nay lại ít được hưởng lợi của Đổi mới nhất. Nông dân còn quá nghèo, việc giải quyết giảm nghèo chưa thể coi là bền vững, do vẫn còn có thể tái nghèo. Những vấn đề xã hội ở nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Theo kinh nghiệm của các nước, không thể chỉ giải quyết các vấn đề xã hội của nông thôn bằng các biện pháp thị trường.Nông dân là bộ phận công dân ít được hưởng phúc lợi xã hội nhất, đặc biệt là về giáo dục, y tế. Nông thôn còn thiếu mạng lưới an sinh xã hội, trong khi thu nhập tương đối giảm nhanh. Bảo hiểm y tế, bảo hiểm chống thiên tai và rủi ro của thị trường, doanh nghiệp đều từ chối vì không có lãi.Mục tiêu của nhà nước trong việc phát triển nông nghiệp là bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản, nên biện pháp là chuyên môn hoá, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, trong lúc nông dân muốn tăng thu nhập chủ yếu phải đa dạng hoá sinh kế.Xây dựng một chiến lược công nghiệp hoá mớiQuá trình CNH của Việt Nam hiện nay giống như ở Trung Quốc đang dựa vào ưu thế cạnh tranh là lao động rẻ, đất rẻ và môi trường rẻ. Nếu giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp và nông thôn thì sẽ không còn các ưu thế cạnh tranh này nữa, do đấy phải tìm một chiến lược CNH mới dựa chủ yếu vào công nghệ mới và tiềm năng trong nước.Chiến lược CNH phải bao gồm cả CNH nông thôn, chủ yếu phải nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, năng suất lao động, thích hợp với điều kiện đất ít người đông, quy mô sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp.Việt Nam có truyền thống công nghiệp nông thôn do các làng nghề phát triển. Hiện ở nhiều nơi đang hình thành các cụm công nghiệp làng nghề rất năng động, tìm ra các hướng hội nhập với nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hoá. Theo kinh nghiệm của một số nước tiên tiến đây là mô hình Hậu Ford (post-fordism) với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụm công nghiệp.
Quyền lợi của nông dân không được bảo vệ vì thiếu nghiệp đoàn nông dân.
Đây là bộ phận nhân dân yếu thế nhất, họ chỉ có Hội nông dân nhưng
hội này lại không có nhiệm vụ bảo vệ họ bằng các thể chế
chính thức. Nghiệp đoàn phải được xây dựng theo các ngành
hàng thì mới làm được nhiệm vụ này.
|
Để có một chiến lược CNH có thể đuổi kịp các nước đi trước, không thể chỉ bắt chước những gì mà các nước đã làm mà phải xây dựng Hệ thống sáng tạo quốc gia. Muốn CNH có chất lượng cao phải xây dựng một đội ngũ công nhân mới, mà lực lượng chủ yếu là thanh niên nông thôn. Không thể để cho thanh niên nông thôn đi tìm việc làm ở đô thị một cách tự phát như hiện nay. Nông dân đi tìm việc, làm thuê với giá rất thấp và được đối xử như công dân loại hai. Quá trình đang diễn ra chủ yếu hiện nay là “nhân khẩu nông nghiệp thừa” đang chuyển ra thành thị để hình thành “hậu bị quân công nghiệp”.
Chính quá trình này đã tạo nên mâu thuẫn chủ yếu đang xảy ra trong xã hội nước ta hiện nay. Cần phải có một tổng thể như chương trình kinh tế mới trước kia, có quy hoạch, có đào tạo vốn con người cụ thể và phải có chính sách giữ lại một phần chất xám ở nông thôn thì mới phát triển được nông thôn. Cần rút bớt lao động thừa ở nông thôn đang đổ ra thành thị và các khu công nghiệp. Nông dân thừa này chính là lực lượng mới của giai cấp công nhân, cần phải được hỗ trợ để có công nhân chất lượng cao. Đây là con đường giảm nghèo nhanh nhất và bền vững nhất.
Hiện đang thiếu một hệ thống dịch vụ trợ giúp cho nông dân xây dựng các HTX kiểu mới, bắt đầu từ việc xây dựng các tổ hợp tác, như trường học để tiến lên HTX. Đây là biện pháp cơ bản để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình nông dân bắt đầu từ Nghị quyết mười, chuyển hộ nông dân lên thành nông trại gia đình như ở các nước tiên tiến.
Giải quyết mâu thuẫn: khoảng cách giữa nông thôn và thành thị
Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn (chủ yếu là khoảng cách về năng suất lao động) ngày càng xa nhau. Nếu không tăng được năng suất lao động nông nghiệp thì không tăng được thu nhập khiến nông dân, chán bỏ nông nghiệp, tìm cách di cư ra thành thị, chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp thấp hơn của công nghiệp và dịch vụ.
Phải tiến hành phát triển nông thôn đi đôi với phát triển đô thị. Việc phát triển đô thị của nước ta hiện nay đang diễn ra không có quy hoạch. Nhà nước cần chấm dứt tình trạng này để cứu lấy nông dân và an ninh lương thực. Đô thị hoá như hiện nay sẽ làm cho nông thôn kiệt quệ, sẽ dẫn đến mất an ninh lương thực, đánh mất cơ hội biến nước ta thành một cường quốc nông nghiệp, nhất là trong tình trạng giá nông sản đang lên cao trên toàn thế giới.
Cần xây dựng một hệ thống các đô thị vừa và nhỏ trên khắp đất nước. Chiến lược đô thị hoá tập trung dẫn đến việc thúc đẩy phát triển các siêu đô thị, hạn chế việc phát triển nông nghiệp và gây khó khăn cho nông thôn và nông nghiệp. Cần quy hoạch việc phát triển đô thị và nông thôn một cách đồng bộ, dùng đô thị vừa để thúc đẩy việc phát triển nông thôn, với các vành đai nông nghiệp vây quanh.
Giữ vững được an ninh lương thực
Muốn giữ vững được an ninh lương thực và phát triển xuất khẩu nông sản phải bảo vệ được đất nông nghiệp và thực hiện được việc chuyển dịch cơ cấu lao động một cách hợp lý. CNH sẽ mở rộng được diện tích đất nông nghiệp, vì thổ cư của dân đô thị chỉ bằng 1/10 của dân nông thôn. Cần bảo vệ và mở rộng đất nông nghiệp và quản lý đất của những người đã dời bỏ nông nghiệp, không để cho việc đầu cơ ruộng đất xảy ra như hiện nay. Đất nông nghiệp tốt đang bị mất dần và nạn đầu cơ ruộng đất trở thành phổ biến, tạo điều kiện cho tham nhũng.
Giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp đang tăng mạnh mà giá nông sản không theo kịp, nông dân đang chán việc sản xuất, lao động nông nghiệp đang bị nữ hoá và chuyển từ thâm canh sang quảng canh, chăn nuôi và nghề phụ đang bị giảm sút, nhiều vùng đang bị thiếu nhân lực nghiêm trọng và giá lao động tăng rất cao.
Giá một số nông sản đang tăng rất nhanh trên thị trường thế giới mà chúng ta vẫn nghĩ đến việc nhập khẩu, tại sao không nhân cơ hội này để phát triển sản xuất trong nước? Chúng ta đang thiếu các biện pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, tăng năng suất. Tình trạng này sẽ dẫn dến nguy cơ mất an ninh lương thực và thực phẩm như các nước công nghiệp mới ở Đông á và Đông nam á. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế thì trong thế kỷ 21 thế giới sẽ thiếu lương thực, đây có phải là một thời cơ cho chúng ta phát triển nông nghiệp và cũng là cơ hội để giải quyết vấn đề nông nghiệp và nông thôn không?
Nông dân chiếm phần lớn của dân số nước ta. Trong lịch sử, nông dân đã đóng góp lớn trong công cuộc khai phá và xây dựng nước, chống thiên tai và nhiều cuộc ngoại xâm. Trong công cuộc Đổi mới và CNH đất nước họ đã giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển. Trong giai đoạn phát triển mới, vai trò của nông dân và nông nghiệp có lẽ sẽ trở thành ngày càng ít quan trọng hơn, tuy vậy trong những bước đầu của công nghiệp hoá nông dân là nguồn cung cấp lao động chính và là thị trường của công nghiệp. Chúng ta không thể để cho nông nghiệp giảm sút như một số nước tiên tiến đi trước ta. Cần tính toán đưa nền nông nghiệp manh mún như hiện nay tiến lên một nền nông nghiệp hiện đại, với các nông trại gia đình chuyên sản xuất hàng hoá. Đồng thời rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp để có thể tăng quy mô của nông trại gia đình, tăng năng suất lao động nông nghiệp và phải phát triển thị trường nông thôn. Phải đào tạo nên một thế hệ nông dân mới có khả năng phát triển các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.
T.Vinh (ghi)