27/08/2008 15:00 GMT+7 | Thế giới
Chỉ số tại hai sàn không còn tăng tốc mạnh mẽ như lần giảm giá xăng dầu trước đó.
Sự chờ đợi của giới đầu tư những ngày qua chính thức hiện thực: giá bán xăng và dầu hỏa tiếp tục được điều chỉnh giảm vào 10 giờ sáng nay. Trước giờ mở cửa phiên hôm nay, tin nhắn và điện thoại của nhiều nhà đầu tư đã đề cập đến sự kiện này với sự tin chắc, thay vì sự đón đầu có phần mạo hiểm trước đó. Từ đây, có thể thấy rằng một bộ phận nhà đầu tư đã có chủ động trước sự kiện được đánh giá là có ảnh hưởng nhất tới phiên này.
Trên sàn, thông tin giảm giá xăng đến với nhà đầu tư ở những câu chuyện sôi nổi hơn, tâm lý hứng khởi hơn. Nhận định chung có ở nhiều người là thị trường sẽ phản ứng mạnh mẽ, nhất là sau tín hiệu tăng mạnh đón đầu trước đó.
Nhận định trên chỉ đúng ở đầu đợt khớp lệnh liên tục, khi nhiều cổ phiếu đã có sự xoay chuyển tình thế ấn tượng. Nhưng từ nửa cuối phiên, một diễn biến hoàn toàn khác đã xẩy ra.
Sau phiên đồng loạt tăng mạnh trong ngày hôm qua, mở cửa phiên hôm nay, giá nhiều cổ phiếu trên sàn Tp.HCM lần lượt quay đầu giảm, hoặc lưỡng lự ở giá tham chiếu. Nhưng khi thông tin giảm giá xăng lan rộng, bảng điện tử trở nên sôi động hơn với nhiều chuyển biến mới.
Trong đợt 1, thị trường ghi nhận nhiều tên tuổi lớn giảm giá; tiêu biểu là HPG giảm sàn mất 3.500 đồng/cổ phiếu, DPM giảm nhẹ 500 đồng, KDC giảm sàn 4.000 đồng, TAC giảm sàn 4.000 đồng, TSC giảm 3.500 đồng, VIC giảm sàn 5.000 đồng, VNM giảm 2.000 đồng, ANV giảm sàn 2.500; và một số mã khác như BHS giảm sàn 1.000 đồng, NHC giảm sàn 3.000 đồng, PAC giảm sàn 2.300 đồng, SGT giảm 1.600 đồng…
VN-Index trong đợt 1 cũng chỉ tăng 7,24 điểm, nhưng khối lượng giao dịch đã có một con số khác biệt so với những phiên vừa qua, đạt tới gần 8 triệu đơn vị. Đó cũng là con số khởi đầu của một phiên xả hàng mạnh.
Sang đợt 2, thông tin giảm giá xăng bắt đầu lan rộng; giá những cổ phiếu giảm nói trên có phản ứng thuận chiều, tăng trở lại hoặc giảm bớt mức tăng giá trước đó. Tiêu biểu như VIC, từ mức giảm giá sàn đã bật trở lại, vượt qua giá tham chiếu và giữ được mức tăng 1.000 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên. HPG, DPM, VNM… cũng gượng trở lại. Đây là phản ứng đồng thuận với thông tin hỗ trợ, giúp VN-Index có thời điểm tăng trên 10 điểm trong đợt này.
Tuy nhiên, một phản ứng ngược diễn ra từ nửa cuối của phiên, trái ngược với phản ứng của lần giảm giá xăng ngày 14/8 trước đó. Điểm hẹn bán ra xuất hiện, lượng hàng cung ra thị trường tạo đột biến, nhiều nhà đầu tư cùng có quyết định tranh thủ lực trợ thông tin giảm giá xăng để chốt lời ở giá cao.
Kết thúc phiên, thị trường hoàn thành một bước đại nhảy vọt về khối lượng với tổng 33,6 triệu đơn vị, tăng khoảng 10 triệu đơn vị so với phiên liền trước, tái hiện lại sự choáng ngợp của khối lượng trong những phiên ngày 19 và 20/8 vừa qua. Tổng giá trị giao dịch phiên này đạt 1.345 tỷ đồng.
Đà bán ra mạnh mẽ đã tạo được cuộc hẹn lớn giữa cung – cầu, nhất là sau những phiên cầu liên tục duy trì trên 82 triệu đơn vị/phiên vừa qua. Nhưng đây cũng là áp lực đẩy giá nhiều cổ phiếu quay đầu hoặc giảm thêm từ nửa cuối phiên. VN-Index cũng giảm tốc, đi ngang với mức tăng nhẹ 0,18 điểm, dừng ở mức 561,85 điểm, dù trong phiên đã có lúc vượt qua mốc 570 điểm khá dễ dàng.
Kết thúc phiên, đã có 29 mã giảm giá, 7 mã ở giá tham chiếu và 124 mã tăng.
Chiếm thiểu số nhưng trong nhóm mã giảm có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu có ảnh hưởng lớn tới chỉ số chung. Đó là VNM, sau khi gượng lại với mức giảm nhẹ 1.000 đồng/cổ phiếu đã giảm sàn chung cuộc, mất 5.000 đồng/cổ phiếu; VPL cũng rời hẳn khỏi giá tham chiếu, giảm 4.000 đồng/cổ phiếu; PVD dù bám trụ vững trong phần lớn thời gian trước đó cũng đã giảm sàn mất 6.000 đồng/cổ phiếu; ITA cũng mất 2.500 đồng/cổ phiếu.
Những cổ phiếu có mặt trong Top 10 vốn hóa lớn nhất trên sàn nói trên giảm giá mạnh là sự níu kéo chính đối với VN-Index phiên này. Ngoài ra, một loạt cổ phiếu khác từng tạo ấn tượng tăng giá vừa qua như TAC, TSC, KDC… cũng không tránh được phiên điều chỉnh mạnh.
Ngược lại, những tên tuổi tăng giá nổi bật thời gian qua như FPT, BMC, TCT, DDM, REE, SJS, SAM… vẫn tiếp tục thẳng tiến. Và trong phiên này, BMC và TCT đánh dấu lần đầu tiên sau 5 tháng trên bảng điện tử sàn Tp.HCM có được mức tăng giá 8.000 đồng/cổ phiếu.
Những phản ứng trên cũng diễn ra khá cùng nhịp trên sàn Hà Nội. 30 phút đầu tiên, chỉ số HASTC-Index thăng hoa, có thời điểm vượt qua mức tăng hơn 11 điểm của phiên liền trước. Nhưng, cũng trong khoảng thời gian mở đầu đó, trên 3,5 triệu cổ phiếu được bán ra, báo hiệu một phiên sôi động.
Đóng cửa phiên hôm nay, khối lượng giao dịch tại đây tiếp tục tạo một kỷ lục, vượt qua con số gần 17 triệu đơn vị có được trong phiên ngày 19/8 và đạt tới 20,5 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch tương ứng đạt tới 1.203 tỷ đồng – một con số mà sàn Tp.HCM khó đạt được trong suôt thời gian qua.
Đó cũng là một phản ứng ngược với thông tin hỗ trợ giảm giá xăng. Thay vì chờ khả năng sự hỗ trợ đó chuyển nhiệt vào sàn, tối đa hóa lợi nhuận ở những phiên tới, lượng bán ra mạnh đã cùng hẹn vào sàn. Giá cổ phiếu tại đây cũng lần lượt quay đầu, nhưng cách tính giá bình quân tạo cơ hội để nhiều mã giữ được màu xanh chung cuộc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất