26/08/2008 15:00 GMT+7 | Thế giới
100% mã giao dịch đều tăng giá. Kết quả này có trên sàn Hà Nội trong phiên giao dịch sáng nay.
Đó là một phiên hiếm có. Ngoài xu hướng tăng mạnh thể hiện ở phiên đầu tuần, sự tuyệt đối nói trên đã thúc đẩy chỉ số HASTC-Index tăng mạnh, thêm 11,26 điểm, lên 184,67 điểm. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ thời điểm áp biên độ hẹp, gần 5 tháng trở lại đây.
100% mã giao dịch trên sàn Hà Nội đều tăng giá, hầu hết đạt giá trần. Chỉ riêng 1 mã duy nhất là HSC của Công ty Cổ phần Hacinco không có giao dịch.
Biên độ giao động giá tại sàn Hà Nội rộng hơn (+/-7%) tạo ra những mức tăng giá ấn tượng, mạnh nhất về giá trị tuyệt đối trên toàn thị trường niêm yết. Mức tăng 15.500 đồng/cổ phiếu của VSP gợi cho nhà đầu tư nhớ lại những mức tăng giá nóng sốt của thời hoàng kim hơn một năm trước; hay mức tăng 11.300 đồng/cổ phiếu của DTC cũng tạo được “cảm giác mạnh”.
Ngoài ra, sàn Hà Nội hôm nay còn sở hữu những mức tăng mạnh về giá trị tuyệt đối như của ACB (tăng 6.300 đồng), CDC (5.800 đồng), DAC (5.200 đồng), KBC và HLY (6.100 đồng), KKC (7.900 đồng), MIC (5.900 đồng), NBC và NTP (5.000 đồng), RCL (5.700 đồng), S99 (6.000 đồng), SCJ (6.200 đồng), YSC (5.400 đồng).
Trước xu hướng đi lên chung mạnh mẽ, lượng bán ra trên sàn Hà Nội đã chùng xuống, khối lượng giao dịch giảm mạnh và chỉ còn hơn 6,8 triệu cổ phiếu được bán ra, bằng phân nửa mức bình quân của tuần trước đó; giá trị giao dịch đạt 337,2 tỷ đồng.
Sự chùng xuống của lượng bán ra cũng thể hiện trên sàn Tp.HCM phiên thứ hai liên tiếp. Trong khi lượng đặt mua trên 82 triệu đơn vị của phiên liền trước tạo dư âm choáng ngợp. Phiên này, dư bán tiếp tục hạn chế và dư mua vẫn tràn ngập.
Trong đợt 1, VN-Index gần như không có một trở ngại nào, dễ dàng vượt xa mốc 550 điểm, tăng tới 20,11 điểm, lên 568,36 điểm. Nhưng từ đợt 2, đà tăng hạ nhiệt, VN-Index kết thúc phiên với mốc 561,67 điểm, thêm 13,42 điểm. Khối lượng giao dịch toàn phiên đạt gần 20,2 triệu đơn vị, trị giá 918,5 tỷ đồng.
Phiên này, thị trường ghi nhận 148 mã tăng giá, trong đó có trên 90% đạt giá trần; còn lại 6 mã ở giá tham chiếu và 6 mã giảm.
Lượng mã giữ giá tham chiếu và giảm ít ỏi nhưng lại có mặt những thành viên có ảnh hưởng lớn đến VN-Index. Đây cũng là sự níu kéo chỉ số chung từ nửa cuối phiên giao dịch. Cụ thể, mã có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn là VNM nằm ở giá tham chiếu, cùng với những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn khác là VPL, VIC, DPM và DHG. Trong khi đó, blue-chip HPG đã giảm giá phiên này, mất 2.500 đồng/cổ phiếu, IMP mất 2.000 đồng/cổ phiếu…
Về diễn biến của thị trường hiện nay, nhiều nhận định cùng cho rằng thị trường đang đón và phản ứng với tin tốt của kinh tế vĩ mô. Sau số liệu lạm phát tháng 8 công bố chiều hôm qua (25/8) với mức tăng thấp, sáng nay, thị trường tiếp tục đón nhận thêm thông tin về tình hình xuất nhập khẩu và lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trong tháng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập siêu trong tháng 8 cao hơn dự kiến, khoảng 0,9 tỷ USD so với ước tính trước đó là 0,8 tỷ USD. Tính chung cả 8 tháng đầu năm, nhập siêu đã lên tới 15,97 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận định rằng nhập siêu về cơ bản đã được khống chế ở mức thấp, và dự kiến mốc kiềm chế khoảng 20 tỷ USD trong năm nay có khả năng đạt được.
Về vốn FDI trong tháng 8, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng đầu năm đã đạt 47,158 tỷ USD.
Như vậy, đến thời điểm này, những thông tin chủ yếu về lạm phát, nhập siêu, vốn đầu tư nước ngoài… của tháng 8 cơ bản đã xác định. Còn lại, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi khả năng có điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu. Hiện giá dầu thế giới vẫn đang giao động quanh mốc 115 USD/thùng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất