Chữ và nghĩa: Out trình - nửa 'mình' nửa 'Tây'

17/05/2023 08:13 GMT+7 | Văn hoá

"Out trình", một từ mới, rất mới đang được giới trẻ "gen Z" và cộng đồng mạng dùng khá rộng rãi hiện nay. "Đu/đú trend" (chạy theo/hùa theo xu hướng) đang là một hiện tượng "nóng" trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong ngôn ngữ.

Một từ mới "hay hay", mới lạ (cả về cách viết và cách nói) ra đời là lập tức có một số lượng "fan" đông đảo ăn theo, bình tán và được lan tỏa, nhất là các cư dân mạng xã hội (với sự hỗ trợ của các tiện ích công nghệ) như một vết dầu loang.

Cái lạ của "out trình" là tổ hợp này có kết hợp "nửa Tây nửa ta". Từ "out" (đọc là [aut]) trong tiếng Anh đã quá quen thuộc, có nghĩa là "ngoài, ra ngoài, phía ngoài". Ta thường gặp từ này trong các cấu trúc: go out = đi ra ngoài: to be out at sea = ra khơi; out size = quá cỡ; out and away = bỏ xa; the ball is out of the yiel = bóng đi ra ngoài... Còn "trình" (không phải "chình" như nhiều người viết) là cách nói tắt của "trình độ" (程度), một từ Hán-Việt, có nghĩa chỉ "mức độ (về sự hiểu biết, kỹ năng được xác định theo tiêu chuẩn nhất định nào đó)". (VD: Chưa đủ trình; Trình của nó bây giờ khá lắm; Chơi thế cũng ở trình thường thôi…).

Chữ và nghĩa: Out trình - nửa 'mình' nửa 'Tây' - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thực thế, "out trình" là phỏng dịch từ một từ tiếng Anh "outplay". Từ này được giải thích "to play better than", có nghĩa là "chơi tốt hơn, chơi hay hơn, chơi vượt trình".

Xuất phát từ cơ sở nghĩa gốc đó, hiện nay, lớp trẻ dùng từ  "out trình" (vượt trình), hoặc một kết hợp ngộ hơn: "ao chình" (vượt qua con cá chình) để đánh giá sự vượt trội của người này với người kia, hoặc đội này với đội khác.

Ban đầu "out trình" dùng phổ biến trong cộng đồng game thủ E-sport. Sau đó cụm từ dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc (rapper). "Out trình" trong rap được dùng để nói đến một rapper, một team rap nào đó vượt trội hơn hẳn những người khác, những đội khác trong một cuộc thi.

Sau đó từ này lan sang lĩnh vực thể thao, đặc biệt là bóng đá (chỉ ai đó, đội nào đó có kỹ thuật điêu luyện, có chiến thuật, lối chơi hay hơn hẳn đối thủ). Chẳng hạn, sau trận thắng áp đảo của đội bóng đá nữ Việt Nam trước Campuchia (bán kết SEA Games 32, ngày 12/5/2023) rất nhiều người hâm mộ đã thốt lên "Cho Campuchia ăn bốn "trứng" không gỡ. Team của Huỳnh Như hôm nay quả là out trình".

"Out trình" trở thành từ cửa miệng của giới trẻ, thể hiện sự thán phục trước trình độ, tài năng của người khác. Chỉ có điều họ không dịch hẳn sang tiếng Việt một từ Anh có sẵn, mà "sáng tạo" ra một kết hợp nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh.

Thực tế thì lâu nay còn nhiều trường hợp người Việt đã "Việt hóa" cách viết và cách đọc tiếng Anh. Chẳng hạn: rất OK (rất hay, rất tốt); rất xì-tin (style = sành điệu); đúng chất men-lì (manly = đàn ông); G9 (chúc ngủ ngon, nhưng vì hai từ "night" (đêm) và "nine" (số 9) có âm đọc giống nhau ([nait] và [nain]) nên người ta cố tình thay số 9 vào "night" thành một cấu trúc rất ngộ nghĩnh)...

Tất nhiên những cách nói, cách viết như vậy chỉ có tính lâm thời, mang sắc thái khẩu ngữ, mà khó được chấp nhận trong các văn bản nghiêm chỉnh, hoặc các ngữ cảnh giao tiếp chính thức.

Giản đơn hai chữ "out trình"

Mà nên cấu trúc "nửa mình nửa Tây"

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm