Chữ và nghĩa: Tưởng trái nghĩa hóa ra đồng nghĩa

19/04/2023 07:56 GMT+7 | Văn hoá

Bất cứ ngôn ngữ nào cũng có hiện tượng đồng nghĩa và trái nghĩa. Từ trái nghĩa (antonym) là những từ có nghĩa trái ngược (với một từ nào đó), thường là tính từ (những từ chuyên biểu thị ý nghĩa tính chất, thuộc tính của sự vật, hiện tượng).

Ví dụ, từ một từ "tươi", người ta có thể thiết lập rất nhiều cặp trái nghĩa: tươi >< héo (rau tươi >< rau héo), tươi >< ươn (cá tươi >< cá ươn), tươi >< khô (rơm tươi >< rơm khô), tươi >< đặc (sữa tươi >< sữa đặc),…  Có thể có nhiều cặp từ trái nghĩa khác theo mô hình A >< không A này.

Nhưng có một điều lạ là trong tiếng Việt lại có khá nhiều trường hợp lại không tuân thủ nguyên tắc ấy.

Trong giờ học Tiếng Việt, cô giáo ra bài tập: "Em hãy đặt một câu mô tả chuyện sáng nay em ngẫu nhiên gặp một chuyện gì đó, làm em bất ngờ không phản ứng kịp", một học sinh trả lời:

- Thưa cô! Câu của em là: "Sáng nay em đến lớp, thình lình có một con chó trong ngõ xồ ra".

Cậu học sinh thứ hai:

- Thưa cô! Câu của em là: "Sáng nay em đến lớp, bất thình lình có một chiếc xe máy từ trong ngõ vụt ra".

Chữ và nghĩa: Tưởng trái nghĩa hóa ra đồng nghĩa - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Hai ví dụ làm cho cô giáo rơi vào tình huống lúng túng, khó xử. Cũng bởi hai từ "thình lình" và "bất thình lình" được dùng trong hai câu về cơ bản có nghĩa giống nhau (chỉ việc gì đó diễn ra một cách hết sức bất ngờ, không thể lường trước được). Trong khi đó, trong các bài giảng trước, cô vẫn nói là từ một từ đã cho, nếu thêm từ phủ định vào trước (như không, chưa, bất, vô…) ta sẽ có một từ trái nghĩa (xa >< không xa, thành >< bất thành, nghiệm >< vô nghiệm). Vậy mà ở đây thình lình có nghĩa giống hệt bất thình lình (tất nhiên dùng "bất thình lình" sắc thái có mạnh hơn một chút).

Nhìn rộng ra, ta lại thấy tiếng Việt không thiếu những trường hợp tương tự. Tổ hợp "bất khả chiến thắng" và "bất khả chiến bại" cũng có nghĩa giống nhau, nên hoàn toàn có thể thay thế cho nhau.

"Bất khả chiến thắng" (bất; không, khả: có thể, chiến: đánh, thắng: được, thắng) được dùng với nghĩa "không thể đánh thắng"."Bất khả chiến bại" (bại: thua) có nghĩa "không thể đánh bại". Hoặc các ví dụ: "Thuyền chạy trên sông Hồng" và "Thuyền chạy dưới sông Hồng" đều mô tả một hiện trạng "Có một con thuyền đang chạy ở sông Hồng". Nhưng tại sao, khi dùng từ đối nhau (trên >< dưới) lại không làm cho bản chất sự tình thay đổi. Tương tự như vậy, hai ví dụ "Trẻ chơi trong sân" và "Trẻ chơi ngoài sân" cũng chẳng khác gì nhau (mặc dù trong >< ngoài).

Khi một cổ động viên nói: "Cẩn thận, đầu hiệp 2, Messi đã ra sân", còn một cổ động viên khác nói: "Cẩn thận, đầu hiệp 2, Messi đã vào sân", thì đều hiểu như nhau.  

Về những trường hợp như vậy, các nhà ngôn ngữ giải thích rằng, cách dùng các biến thể từ là tùy thuộc "điểm nhìn" (tức vị trí đặt "camera" của người nói). Trong ví dụ "Trẻ chơi trong sân/ Trẻ chơi ngoài sân", nếu ai đó đang ngồi trong nhà nhìn trẻ con chơi ở ngoài cửa, sẽ dùng từ "ngoài" (Trẻ chơi ngoài sân); còn nếu đang ở ngoài ngõ nhìn vào sân nhà, sẽ dùng từ "trong" (Trẻ chơi trong sân). Hai từ "vào/ ra" có thể dùng theo cách dùng của mỗi người (ra sân = vào sân = vào thi đấu).

Còn rất nhiều từ trái nghĩa được dùng với ngữ cảnh đồng nghĩa như vậy. Không ít học viên nước ngoài phải "botay.com". Ngôn ngữ tự nhiên kể cũng oái oăm thật.

Ngoài miệng em nói từ "không"

Thực ra từ "có" trong lòng em đây

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm