Chữ và nghĩa: Ngoài núi còn có núi

20/11/2024 20:25 GMT+7 | Văn hoá

"Ngoài núi còn có núi". Câu nói ngắn gọn, tưởng chỉ mô tả một sự tình đơn giản, nhưng ngẫm kỹ, ta thấy không đơn giản chút nào. Đó là một châm ngôn đầy tính triết lý về sự học, về tri thức, về sự khiêm tốn và xa hơn, về những người thầy ta cần trân trọng trong cuộc sống.

"Ngoài núi còn có núi", "Ngoài sông còn có sông", "Ngoài cây còn có cây"… Nếu áp dụng cấu trúc "ngoài A còn có A" ta có thể tạo ra rất nhiều câu tương tự (bằng cách thay A bằng một từ thích hợp). Đây chính là xuất phát điểm của thông điệp ngữ nghĩa cần chuyển tải.

Có một vài giai thoại liên quan tới câu chuyện này. Tương truyền Tô Đông Pha (tên thật là Tô Thức, 1037 - 1101), là nhà văn và nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời nhà Tống. Vốn tự mãn về hiểu biết và tài năng của mình, ông tự viết một câu đối dán ở cửa: "Thức biến thiên hạ tự/ Độc tận nhân gian thư" (có nghĩa là: Biết hết chữ trong thiên hạ/ Đọc hết sách của nhân gian). Quả là kiêu thực. Nhưng rồi ông cũng nhận về những bài học chí lý.

Một lần, có một ông lão đầu tóc đã bạc đến nhà Tô Đông Pha. Nhìn dáng bộ và cách ăn mặc của ông lão, Tô Đông Pha không nghĩ đây là một người học hành giỏi giang. Chính vì thế thái độ có chút cao ngạo. Ông không mời ông lão vào nhà, mà cứ để đứng ngoài cửa. Ông lão nọ liền chìa cho Tô Đông Pha một quyển sách. Tô Đông Pha đọc và vô cùng kinh ngạc. Đó là cuốn cổ văn thời nhà Tần, 10 chữ thì có đến 8, 9 chữ Tô Đông Pha không hiểu. Ông lão liền từ tốn giảng giải. Tô Đông Pha cảm thấy hổ thẹn (về sự hồ đồ của mình) rồi cúi đầu tôn ông lão kia làm thầy.

Chữ và nghĩa: Ngoài núi còn có núi - Ảnh 1.

Tô Đông Pha (tên thật là Tô Thức, 1037 - 1101), là nhà văn và nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Nguồn: Internet

Một lần khác, Tô Đông Pha đến một vùng nông thôn nhân tiết Thanh Minh. Trên đường đi, ông gặp một phụ nữ gánh mạ đi cấy. Con đường rất hẹp, chỉ đủ để một người đi qua. Hai người ngược chiều nhau và cả hai nhất quyết không ai chịu nhường đường. Tô Đông Pha ỷ vào chức danh tiến sĩ triều đình, lại là nhà văn có tiếng, liền yêu cầu người nông dân nhường đường, nói "theo lẽ thường kẻ vô danh nên nhường đường cho người có danh tiếng". Người phụ nữ không chịu, viện lẽ "người tay không phải nhường cho kẻ đang gánh nặng mới phải đạo". Tô Đông Pha vẫn khăng khăng "Đàn bà phải nhường nhịn đàn ông trong mọi lẽ".

Không ai chịu ai. Đến khi người nông dân kia nhận lời Tô Đông Pha thách, ra một vế đối: "Nhất đam trọng nê lan tử lộ" (nghĩa là: Gánh nặng trên con đường bùn đất bị chặn đường). Đề đối này rất khó, vì phải đưa ra một vế đối cả về âm, về chữ (trong đó "Tử Lộ" là tên học trò Khổng Tử), về nghĩa (theo chữ Hán). Sau đó, nhân có hai nông dân khác xuất hiện, họ liền đưa ra một vế đối khá chỉnh: "Lưỡng hành phu tử tiếu nhan hồi" (Hai người đàn ông đi đến nét mặt tươi cười, trong đó "Nhan Hồi" cũng là tên một học trò Khổng Tử).

Sự kiện này khiến cho Tô Đông Pha càng thấy mình không thể kiêu căng tự phụ, ỷ vào danh vị mà coi thường người khác. Bởi đi ra thiên hạ, mới thấy có nhiều người tưởng "vô danh tiểu tốt" nhưng có tri thức cao siêu, vượt trội hơn mình. Ông nhận ra một điều đơn giản: "Ngoài núi còn có núi", "bể học là vô biên". Từ đóông nghiệm ra bài học thấm thía: "Người giỏi mấy cũng phải biết khiêm tốn, tôn trọng tri thức của người khác".

Nghĩa hàm ngôn của câu tục ngữ "Ngoài núi còn có núi" thật sâu sắc. Nó sâu sắc bởi cách chơi chữ qua cách nói. A sẽ không phải là A trong cấu trúc "ngoài A còn có A". Ta thấy, có 2 nội hàm của "núi" trong câu tục ngữ "Ngoài núi còn có núi", thì "núi 1" là một danh từ, một "khái niệm nêu danh" (như mọi danh từ bình thường), chỉ "địa hình lồi, sườn dốc, nổi cao lên trên mặt đất, thường cao trên 200 mét" - theo "Từ điển tiếng Việt", Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020. Còn "núi 2" là "khái niệm nêu bản chất". Đó là cấu trúc "ngoài A còn có A" (A này A kia về bản chất).

Câu "ngoài núi còn có núi" có hàm ý ngoài núi này còn nhiều núi khác, ngoài núi cao còn có núi cao hơn, ngoài núi cao hơn còn có núi cao hơn nữa…; cũng như ở đời, người này giỏi nhưng vẫn có người khác giỏi hơn. Vì vậy, ở đời, không thể nghĩ rằng "ta đang là đỉnh núi và không có núi nào bằng". Chân lý này thật chí lý khi nói về giáo dục. Bởi sự học là bất tận, không cùng. Ta phải thấm nhuần điều đó để phấn đấu không ngừng trên con đường học tập, rèn luyện.

Bông lúa chín thường cúi đầu

Cầu thị, khiêm tốn ở đâu cũng cần.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm