11/10/2023 14:52 GMT+7 | Văn hoá
Dấu 2 chấm (:) là 1 trong số các dấu câu thông dụng mà bất cứ một người nào khi viết văn, hoặc soạn thảo văn bản cần phải biết. Học sinh ngay từ khi ngồi ghế nhà trường phổ thông đã phải học và nắm vững kiến thức này.
Đây là những kỹ năng cơ bản liên quan tới quy định chính tả mà mọi giáo viên (hoặc những ai hướng dẫn soạn thảo văn bản) đều phải hiểu và thực hiện sao cho đúng.
Dấu câu là những chỉ giới cú pháp cần phân biệt trong văn bản. Ngôn ngữ nào có chữ viết (với bảng chữ cái riêng) cũng đều tuân thủ những quy định chặt chẽ về dấu câu.
Tuy nhiên, không có một ai, không có một sách nào quy định riêng lẻ từng dấu câu, mà phải hướng dẫn từng trường hợp trong hệ thống dấu câu của ngôn ngữ đang sử dụng.
Có 3 loại dấu câu cần phân biệt: 1) dấu trong nội bộ câu (dấu phẩy, dấu chấm phẩy); 2) dấu phân cách câu (dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than và có thể thêm dấu 2 chấm, dấu 3 chấm…); và 3) các dấu phụ (dấu nối, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép). Trường hợp 2 (dấu phân cách câu) sẽ liên quan tới quy ước chính tả (viết hoa và không viết hoa).
Dấu phân cách câu hoặc còn gọi là dấu ngắt câu. Câu (hoặc phát ngôn) là đơn vị hạt nhân tạo thành văn bản. Hết mỗi câu người ta sử dụng một dấu ngắt câu thích hợp. Nếu là câu tường thuật thì dùng dấu chấm. (VD: Nắng đẹp. Trời trong. Hôm nay em đến lớp.). Nếu là câu nghi vấn thì dùng dấu chấm hỏi. (VD: Ai gọi tôi đấy? Tối hôm qua con làm xong bài tập chưa? Anh có diêm không?). Nếu là câu cảm thán thì dùng dấu chấm than. (VD: Hôm nay trời đẹp lắm! Thật là một người gang thép! Đường còn xa quá!). Với dấu ngắt câu, trong ngôn ngữ học, người ta phân chia thành 2 loại:
a) Dấu ngắt tuyệt đối (gồm dấu chấm (.) và 2 dấu tương đương dấu chấm: Chấm hỏi (?), chấm than (!)).
Với dấu ngắt loại này, chữ cái của âm tiết mở đầu câu phải viết hoa.
b) Dấu ngắt tương đối hoặc còn gọi là dấu ngắt có điều kiện (gồm dấu 3 chấm - còn gọi dấu chấm lửng (…) và dấu 2 chấm (:)).
Dấu 3 chấm (hay dấu lửng) chỉ sự lược bỏ, không nói hết (nếu sự vật, hiện tượng nhiều, không nhất thiết phải liệt kê cho đủ). Dấu 3 chấm có thể dùng ở giữa câu và trong trường hợp này, sau dấu 3 chấm không viết hoa. (VD: Cả nhóm chuẩn bị tư trang, thuốc men, bánh mì, nước uống… để ngày mai lên đường). Nếu dấu 3 chấm đứng ở cuối câu, nó sẽ tương đương với dấu ngắt câu và dĩ nhiên, chữ cái đầu câu tiếp theo phải viết hoa. (VD: Họ đã đi qua núi, qua rừng, qua bao làng mạc… Khi đến một con sông chảy xiết, họ đành phải dừng lại).
Dấu 2 chấm thường chỉ phân giới giữa 2 phần của 1 câu (trước phần liệt kê). Nếu phần liệt kê chỉ là từ, ngữ thì không viết hoa, trừ trường hợp sau đó là danh từ riêng. (Việt Nam, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…); hoặc cần phải viết hoa tu từ (Bác Hồ, Bác Tôn…).
Nhưng nếu phần liệt kê bao gồm một hoặc nhiều câu (như phải thuyết minh thêm hoặc dẫn câu nói trực tiếp của ai đó) thì dấu 2 chấm này hoàn toàn đủ tư cách là dấu kết thúc câu và các câu sau phải viết hoa bình thường. (VD: Tôi xin thông báo: Tháng 11 này, cả cơ quan ta sẽ đi tham quan nghỉ dưỡng. Ai có nhu cầu xin đăng ký với trưởng phòng. Hạn cuối cùng là 30/10; Bác sĩ nói: Chị cần dùng kháng sinh!).
Như vậy, với 2 dấu ngắt tương đối (3 chấm, 2 chấm) sẽ xảy ra 2 khả năng: viết hoa (sau dấu 2 chấm là câu) và không viết hoa (sau dấu 2 chấm là từ, ngữ bình thường). Tùy từng trường hợp mà người soạn thảo văn bản áp dụng sao cho phù hợp, chứ không thể "quy chuẩn" làm khó cho người viết, mà thực chất là máy móc, làm rối vấn đề.
Chữ hoa cũng lắm đường "hoa"
Hiểu đúng hệ thống chắc là ổn thôi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất