Chữ và nghĩa: 'Lão' và 'lão thành'

04/10/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

"Lão" 老 đây là một từ Hán Việt, thường được dùng với sắc thái trang trọng chứ không phải là "lão" trong một kết hợp nào đó với hàm ý coi thường (như lão ta, lão địa chủ, lão thầy bói…).

"Từ điển tiếng Việt" (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) giải nghĩa, cho danh từ này dùng chỉ "người già [khoảng 70 tuổi trở lên]; có thể dùng xưng gọi một cách thân mật" (Ông lão đánh cá và con cá vàng; Bà lão nhà tôi). Như vậy, "lão" là một lớp người trong xã hội theo tiêu chí phân loại về tuổi tác. Khi ai đó được gọi là lão là đã tới độ tuổi cao nhất trong khả năng sống của con người ("Nhân sinh thất thập cổ lai hy"). Chính vì thế, thành tố (lão) này có thể là một thành tố ghép trước, có giá trị định danh cho một từ chỉ người nào đó: Lão bộc (người đầy tớ già thời trước), lão nông, lão du kích, lão nghệ nhân, lão nhà văn…

Nhưng khi "lão" kết hợp với "thành" để thành từ "lão thành" thì lại là một từ đáng nói.

Chữ và nghĩa: 'Lão' và 'lão thành' - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ

"Lão thành" 老成 cũng là từ Hán Việt, có 2 thành tố (lão: Già, lâu năm, cũ; thành: Xong, hoàn thành). Từ này cũng được "Từ điển tiếng Việt" (vừa dẫn) thống kê và giải thích là "già và từng trải, giàu kinh nghiệm". "Lão thành" không phải "cứ lão là hiển nhiên thành già" (như một quy luật), giống như câu thành ngữ "Sống lâu lên lão làng" với hàm ý, chỉ ai đó "chỉ nhờ làm việc lâu năm mà được cất nhắc, có địa vị, chứ không có tài năng gì".

Trong giao tiếp tiếng Việt hiện nay, ta thường nghe nói: "Đó là một bậc lão thành cách mạng"; "Ông là một nhà giáo lão thành"; hay gần đây nhất (từ ngày 30/9 đến 1/10/2023) Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam tại TP Hải Phòng.

Ai đó được gọi là "nhà giáo lão thành" thì người đó được coi là một người thầy: 1) đã nhiều tuổi; 2) có cống hiến về tài năng và đức độ trong sự nghiệp giáo dục (ở một lĩnh vực nào đó). Cũng như vậy, "nhà văn lão thành" không chỉ là nhà văn mang danh bình thường mà nhà văn đó phải có những cống hiến cho sự nghiệp văn học nước nhà, bằng các tác phẩm của mình (đã công bố trong sự nghiệp sáng tác).

Như vậy, không phải cứ "lão" là sẽ thành "lão thành". "Lão thành" là một sự đánh giá, phân loại một đối tượng nào đó, ngoài sự khác biệt về tuổi tác phải có sự khác biệt về cống hiến. "Lão thành" chỉ người đã đạt tới ngưỡng theo mức độ giá trị nào đó.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm