Góc nhìn: Tuyển Anh liệu có thành công với những Chambers?

12/10/2014 18:59 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Anh hiện tại tỏ ra rất trọng dụng các tài năng trẻ. Nhưng có gặt hái được thành công như người Đức hay không thì lại là chuyện khác.

1. Những người yêu thích bộ truyện tranh “Vua pháp thuật” của tác giả Hiroyuki Takei hẳn đều nhớ tới một đoạn hội thoại kinh điển giữa hai nhân vật Mikihisa và Tao Ren, khi người thầy - Mikihisa - giải thích cho cậu nhóc 13 tuổi Ren vì sao tương lai luôn được gây dựng bởi những người trẻ tuổi.

“Cháu hãy ngẩng đầu lên và trả lời ta, cháu thấy những gì?... Người lớn thì sẽ chỉ thấy những mái nhà. Khi người ta lớn lên, họ sẽ nhận ra mái nhà của mình, chạm đến cái nóc của tiềm năng cá nhân, nghĩ đến những thứ an toàn. Nhưng các cháu thì chỉ thấy bầu trời cao, và điều đó dĩ nhiên tốt hơn là người lớn. Các cháu sẽ có thể vươn lên cao xa như mong muốn, chừng nào còn chưa nhìn thấy những mái nhà”, Mikihisa truyền cho Ren một niềm tin lớn lao.

Thật vậy, không chỉ nằm trong cuốn truyện tranh, đó cũng là một định hướng chung của hàng trăm quốc gia ngoài thế giới thực. “Trẻ em là tương lai” - đơn giản bởi chỉ những tâm hồn trong sạch chưa bị kìm nén bởi công việc mưu sinh, miếng ăn hàng ngày, rồi cả những mất mát mới có thể kiến tạo nên một xã hội tích cực hơn.

2. Trở lại với thế giới bóng đá, chúng ta đang có một ví dụ tương tự về việc gạt những mái nhà khỏi tầm mắt trẻ thơ: Đội tuyển Anh.

Bước vào World Cup 2014, một điều vô cùng bất ngờ xảy ra là chính truyền thông xứ sở sương mù lại tỏ ra bi quan về khả năng tiến sâu của Tam Sư tại giải đấu lớn nhất hành tinh. So sánh với những màn tâng bốc cho “Thế hệ vàng (hụt)” suốt một thập kỷ trước đó, có thể thấy rằng người ta đã hiểu được vị trí đích thực của Anh là ở đâu trên bản đồ bóng đá thế giới.

Ngay từ khi World Cup chưa bắt đầu diễn ra, khi Neymar của Brazil hay Thomas Mueller của Đức còn đang bàn tới khả năng cạnh tranh vô địch thì Steven Gerrard - đại diện của Anh trả lời báo chí - nói rằng “chúng tôi chỉ tập trung tối đa, không đặt nặng kết quả”. Cũng như giới truyền thông, con mắt của anh đã tràn ngập những “mái nhà” thất bại trước đó. Giải đấu lớn đầu tiên mà thế hệ của Gerrard tham gia là EURO 2000. Sau 14 năm trời, cuối cùng thì anh và những Frank Lampard, Ashley Cole, John Terry, Rio Ferdinand... đã không còn khoác lên chiếc áo trắng của quốc gia.

Thế hệ hiện tại của Anh đã hoàn toàn khác biệt. Đó là những "đứa trẻ" không biết sợ là gì, chưa nếm mùi thất bại nào cay đắng (nếu xét rằng mức kỳ vọng tại World Cup 2014 là rất thấp) và ngẩng đầu lên chỉ thấy “bầu trời”.

Raheem Sterling (19 tuổi), Jack Wilshere (22), Jordan Henderson (24), Daniel Sturridge (25)... đang bước vào một giai đoạn chiếm lĩnh vị trí cố định trong đội hình. Ross Barkley (20), Alex Oxlade-Chamberlain (21), Danny Welbeck (23), John Stones (20), Calum Chambers (19), Nathaniel Clyne (24)... đang từng bước thể hiện mình để đi tìm một chỗ đứng chắc chắn. Tuyển Anh bây giờ đang có bóng dáng của tuyển Đức 2010 - những kẻ nhìn đâu cũng là “trời xanh”.

3. Quanh đi quẩn lại, rốt cục giờ Anh cũng chỉ cần một cái tên nữa để hoàn tất những tiêu chuẩn cho một thế hệ chinh phục đỉnh cao: HLV trưởng. Liệu Roy Hodgson có phải cái tên đáng được tán thưởng? Báo chí Anh đang liên tục tâng bốc ông vì trao cơ hội cho những cái tên trẻ, thổi vào một lối chơi mới. Hodgson tài ba và có tầm nhìn?

Điểm này có lẽ cần xem lại. Chớ quên rằng người Anh đang học hỏi người Đức để sắp xếp một hệ thống giao lưu chặt chẽ giữa các đội U19, U21 và ĐTQG. Calum Chambers là một ví dụ điển hình. Sự có mặt của anh tại ĐTQG hiện tại chính là nhờ những gợi ý từ Gareth Southgate, người phụ trách U19 Anh.

Và cũng đừng quên rằng chính Hodgson là người đã sai lầm khi dùng sơ đồ 4-2-3-1 khiến trung tuyến trở thành một điểm yếu lớn tại World Cup 2014, bất chấp đã dùng các sơ đồ 3 tiền vệ trước giải...

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm