1.200 tác giả đã nhận nhuận bút

04/04/2011 13:51 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Năm 2009, sau khi bộ sách đồ sộ gồm 4 tập, nặng 25kg, dày gần 1.200 trang mang tên Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long ra mắt rầm rộ, ông Nguyễn Hoàng Điệp - Tổng thư ký và các thành viên trong Hội đồng biên soạn bộ sách đã “dọa” sẽ kiện NXB VH-TT vì cho rằng chưa có nhuận bút cho 600 tác giả, và số tiền NXB “nợ” những người viết sách này được định giá là 900 triệu đồng! Dĩ nhiên phía NXB VH-TT không công nhận điều này.

Mọi việc dừng lại ở đó, bất ngờ, mới đây, ông Nguyễn Hoàng Điệp đã gọi điện đến TT&VH và cho biết: Các tác giả đã lĩnh xong 1,5 tỉ đồng, vừa được lĩnh nhuận bút, vừa được lĩnh tiền bồi dưỡng...

Cứu một “bàn thua trông thấy”!

* Những tưởng cuộc tranh cãi giữa Tổng thư ký, Hội đồng biên soạn bộ sách với NXB VH-TT sẽ rất gay go, không đi đến hồi kết, vì NXB VH-TT sau đó cũng lên tiếng rằng, vì làm bộ sách này mà họ cũng lỗ hơn 900 triệu đồng. Vậy vì sao các tác giả viết sách lại được lĩnh một khoản tiền lớn như vậy, thưa ông?

- Vâng. Để có được số tiền này cũng rất gian nan, vất vả. Hội đồng biên soạn phải tự thân vận động là chính, chứ không trông chờ gì ở NXB VH-TT. Nhưng chúng tôi đã cứu NXB này một “bàn thua trông thấy”! Sau khi bộ sách được Hội Xuất bản VN trao giải Đặc biệt quốc gia ngày 20/12/ 2009, Hội đồng biên soạn bộ sách đã được gặp Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Phó Thủ tướng cho rằng đây là cuốn sách rất đặc biệt và các tác giả đã làm tất cả vì tình yêu Hà Nội. Không có 1.200 tác giả, không thể ra đời được bộ sách. Và sau đó Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính trích từ nguồn ngân sách Nhà nước 1,5 tỉ đồng để trả nhuận bút và bồi dưỡng cho 1.200 tác giả.

Sau 1 năm chờ đợi Bộ Tài chính giải ngân, cuối tháng 12/2010 vừa qua, số tiền trên đã được chuyển về Bộ VH,TT&DL và chúng tôi đã được tiếp nhận số tiền này để trao cho các tác giả. Chúng tôi bắt đầu phát tiền từ 15/1/2011 đến 31/3 vừa rồi mới xong. Hội đồng chỉ uỷ thác cho Hội Nhà văn và Trung tâm Bản quyền phát hộ khoảng 200 tác giả, 1.000 tác giả còn lại đều đến đây lĩnh tiền và vui mừng lắm vì nhuận bút được tính ở thang cao nhất.


Tác giả Trịnh Quang Vũ nhận “kỷ lục”: 40 triệu đồng

* Những tác giả nào nhận được khoản nhuận bút “kỷ lục”?

- Tác giả lĩnh cao nhất là họa sĩ Trịnh Quang Vũ, với số tiền hơn 40 triệu đồng, với những nghiên cứu về trang phục Lý, Trần. Tiếp theo là tiến sĩ Bùi Xuân Đính được hơn 30 triệu, tác giả Băng Thanh dưới 30 triệu, tác giả Giang Quân hơn 23 triệu, tiến sĩ Đỗ Thị Hảo (Hán- Nôm) hơn 20 triệu... Số tiền 10 triệu đồng cũng có một số tác giả, còn lại nhiều nhất là tầm 5- 6 triệu và trên dưới 1 triệu, 500 ngàn. Các tác giả được gọi đến lĩnh tiền bàng hoàng lắm vì họ hỏi NXB VH-TT thì chưa giải quyết được, chưa có tiền... Viết sách 10 năm giời, giờ mới thấy tiền nhuận bút, nhiều người nghĩ rằng đây là giấc mơ...

Được Huân chương, Bằng khen nhờ bộ sách

Ngày 11/3 vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng đã ký quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 5 cá nhân, đồng thời tặng Bằng khen cho 56 cá nhân đã có những đóng góp cho bộ Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long. Dự kiến 13/4 tới tại Hà Nội các tác giả sẽ đón nhận Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.

* Còn riêng Tổng thư ký bộ sách, khoản thù lao này chắc cũng không nhỏ?

- Tôi được hơn 20 triệu, nhưng hóa ra lại lỗ vì trong khi trả có những chỗ nhầm lẫn phải bù. Và để phát tiền cho 1.000 tác giả tôi phải “hy sinh” lần nữa, thuê 4 nhân viên để gọi điện cho 1.000 tác giả đến nhận tiền và phát tiền. Cuối cùng tôi mất 24 triệu trả lương cho 4 nhân viên trong suốt 2 tháng lao động, hết hơn 12 triệu tiền điện thoại gọi cho các tác giả. Ngoài ra, phải phô-tô 700 bản thanh lý hợp đồng gửi để làm thanh quyết toán với Bộ Tài chính và Bộ VH,TT&DL. Tất cả những thứ phát sinh này không ai cho tôi một xu nào cả, tiền của tác giả họ phải lĩnh đủ, người ta có cho mình đâu. Nhưng cũng có những hình ảnh cảm động, khi họa sĩ Trịnh Quang Vũ đến lĩnh hơn 40 triệu đã mời tôi lại và gửi quà cho tôi 4 triệu, tôi rất cảm động và cảm ơn tấm lòng của bác ấy. Tôi không chê, tiền là rất quý, nhưng đây là công sức lao động mấy chục năm của người ta, tôi không thể nhận được. Nhiều người cũng tặng quà, nhưng tôi chỉ nhận cốc trà, những lời cảm ơn thôi...

* Còn “số phận” gần 1.000 bộ sách “nằm đắp chiếu” ra sao, thưa ông?

- In 1.500 bộ, cuối cùng Hà Nội chỉ lấy 300 bộ, Bộ VH,TT&DL cũng bằng đó. Khoảng 900 bộ còn lại tôi được biết NXB VH-TT bán với giá 4 triệu đồng/bộ. Họ bán gần hết rồi, chỉ còn vài chục cuốn.

Hoa Chanh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm