Khi bóng đá là một... 'cực hình'

25/06/2018 06:22 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chẳng cần phải là nhà tổ chức chuyên môn, phần lớn chúng ta đều đã lường được những phản ứng phụ, khi V-League dồn toa giữa FIFA World Cup 2018. Chất lượng các trận đấu xuống đến mức thấp nhất, khán đài thưa thớt và tệ hơn, các trận đấu với phần lớn các cầu thủ Việt Nam lúc này như một... "cực hình" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

"3 ngày/trận, hết sân nhà lại sân đối phương, di chuyển liên tục, thi đấu liên tục…, không khác gì hành xác. Tôi không thể hiểu nổi tại sao BTC V-League lại sắp lịch như vậy và tệ hơn, nó kéo dài suốt mấy tháng", tiền vệ Nghiêm Xuân Tú, chia sẻ trên facebook cá nhân, kèm theo một tấm ảnh số 77 của Than Quảng Ninh gục đầu xuống mặt cỏ. Con trai của cựu cầu thủ Nghiêm Xuân Mạnh còn được gọi là Tú "ngựa", được ví như người không phổi, vậy mà còn phải than...

Bắt đầu từ vòng 9, V-League 2018 (diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/5), các trận đấu bắt đầu dồn toa với mật độ 3 ngày/trận, tức là một tuần các đội bóng phải chơi 2 trận. Lịch thi đấu "xuyên World Cup" này sẽ kéo dài đến lượt trận thứ 17 (ngày 1/7) và sau vòng đấu thứ 20 (21 và 22/7), giải đấu sẽ tạm nghỉ đến hơn một tháng rưỡi để nhường sân cho đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự Asian Games 2018 tại Indonesia, trước khi trở lại vào ngày 8 và 9/9/18. Nghe thôi đã thấy mệt!

Theo chia sẻ của đại diện VPF và VFF, hôm gặp gỡ báo chí nhân Ngày 21/6, BTC giải đấu cao nhất Việt Nam không có phương án khác, khi năm 2018 được cho là một năm bận rộn với bóng đá Việt Nam. Ngoài các VCK U19 châu Á, Asian Games, thì cuối tháng 10/2018, ĐTQG sẽ hội quân để chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, rằng có nhất thiết phải ngưng V-League suốt hơn 1,5 tháng, để trên dưới 20 cầu thủ trẻ tập trung cho Asian Games?!

Trở lại với vấn đề mà chúng ta đặt ra ở đầu bài viết. Rõ ràng, cầu thủ không phải là những cỗ máy, mà ngay cả những cỗ máy thì vẫn cần có thời gian để bảo trì. Một số CLB ra lệnh giới nghiêm với cầu thủ, cấm họ không được xem các trận đấu quá khuya ở FIFA World Cup 2018, nhưng làm sao biết được "ma ăn cỗ"? Chúng ta cũng không thể bỏ qua các vấn nạn về cờ bạc, bóng bánh, kiểu "chiều ngã đã có đêm nâng" hay "thua me gỡ bài cào".

Khi World Cup thu hút tất cả những ánh nhìn, thì ở những góc khuất các trận đấu V-League, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được những điều tồi tệ nào sẽ xảy ra. Không phải tự nhiên hiệu suất ghi bàn tại những vòng đấu gần đây ở V-League và hạng Nhất quốc gia tăng lên chóng mặt. Điều này cũng rất thường xuyên xảy ra, trong hoặc sau mỗi giải đấu lớn như World Cup hay các VCK Euro. Nhiều trận đấu có đến hơn 10 bàn thắng được ghi.

Tạm gác một bên những tồn tại, thì việc ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm mới có một lần, không ai bỏ qua những dịp may để chiêm ngưỡng thứ bóng đá ở đẳng cấp cao cả. Các cầu thủ và các HLV chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều về chuyên môn, thông qua những giải đấu như World Cup. Và rất, rất khó để họ đảm bảo được thể trạng tốt nhất với mật độ thi đấu dày đặc như hiện tại. Chất lượng chuyên môn của giải đấu vì thế bị ảnh hưởng.

Hà Nội không có đối thủ tại V-League 2018

Hà Nội không có đối thủ tại V-League 2018

Lấy lại thể diện bằng chính tỷ số đã thua Sài Gòn tuần trước, Hà Nội đã cho thấy mình đang gần hơn bao giờ hết chức vô địch dù giải đấu hãy còn dài mới đến hồi kết. Dưới đáy bảng, cuộc đua trụ hạng vẫn đầy quyết liệt với 3 cái tên đang có cùng 13 điểm.

Nhà tổ chức chắc chắn sẽ phải tính đến quyền lợi của các CLB và nhà tài trợ, chứ không chỉ cốt nghĩ được việc cho mình. Người hâm mộ không màng đến sân, trên mặt báo, cũng chỉ rất hiếm hoi những thông tin về V-League, một bộ phận không nhỏ các cầu thủ chán nản với việc phải thi đấu - cày ải liên tục và rõ ràng, chúng ta đang không tạo ra một sân chơi công bằng với phần lớn các bộ phận tham gia. Thế thì phải tính lại!

Tuỳ Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm