Chuyện lạ ở U22 Việt Nam: Lên tuyển vẫn học 'vỡ lòng'

25/08/2020 08:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những buổi tập của đội U22 Việt Nam người ta dễ thấy hình ảnh HLV Park Hang Seo cùng cộng sự tỉ mỉ chỉ dẫn từng động tác cho học trò, từ kỹ thuật cơ bản cho đến khả năng xử lý tình huống cụ thể. Những bài học “vỡ lòng” như việc chọn vị trí thế nào, nhận bóng ra sao, cách xử lý không bóng, quan sát, di chuyển hay dứt điểm đã được ông Park cùng trợ lý truyền đạt cặn kẽ, chi tiết nhất cho cầu thủ trên sân.

U22 Việt Nam có vũ khí mới, ông Park hoán đổi vị trí

U22 Việt Nam có vũ khí mới, ông Park hoán đổi vị trí

Trong trận đấu nội bộ thứ 2, HLV Park Hang Seo dường như đã tìm ra vũ khí mới cho U22 Việt Nam. Ông cũng tiếp tục hoán đổi nhiều vị trí để rèn cho các cầu thủ sự đa năng, cơ động.

Khi ông Park “cầm tay chỉ việc” cho học trò

Trước đó nữa, trong đợt hội quân ngắn ngày hồi đầu tháng 7, trong một trận đấu tập nội bộ, chính ông Park cũng đã dừng lại để chỉnh sửa từng động tác cho học trò. Lúc đó, ông Park kéo cầu thủ Trần Bảo Toàn vào một góc và thị phạm lại cách xử lý trái bóng khi bị vây ở biên. Nhìn từ hướng dẫn của ông Park có thể thấy HLV này muốn học trò của mình thay vì cố rê dắt thì tìm ra khoảng trống để đưa trái bóng tới vị trí tốt nhất có thể.

Khi Ban huấn luyện đội U22 Việt Nam phải “cầm tay chỉ việc” như thế không chỉ đơn giản muốn giúp cho cầu thủ thấm nhuần được tư duy chơi bóng hay chiến thuật cụ thể khi lên đội tuyển, mà còn vỡ ra nhiều khía cạnh đáng lưu tâm nhìn từ chất lượng con người, kỹ năng cùng tư duy chơi bóng của lứa cầu thủ trẻ kế cận hôm nay.

Nói cách khác, với bóng đá, nhất là bóng đá trẻ thì cầu thủ phải được ra sân nhiều hơn chứ không chỉ tuyển chọn, đào tạo, sàng lọc rồi để đó chờ đợi. Nghĩa là các cầu thủ phải được nếm trải cảm giác, không khí của những trận đấu thật sự chứ không chỉ nằm vào bài tập hàng ngày.

Ra sân thi đấu sẽ là câu chuyện khác xa với giáo án rèn giũa trên lý thuyết, càng khác hơn về tính chất, cảm giác và cường độ giữa một trận đấu thật sự với một buổi tập chay.

Không thể để đánh giá hay kết luận ngay được về năng lực chơi bóng của hầu hết cầu thủ trong độ tuổi được ông Park gọi lên cho lần tập trung này qua những chi tiết đó. Tuy vậy, quan sát cái cách ông Park cùng trợ lý phải dạy lại những kỹ năng căn bản như thế sẽ thấy các cầu thủ trẻ dường như “ngợp” với không khí khi lên đội tuyển.

Có thể họ không hẳn là kém cạnh về chuyên môn nhưng khi kỹ năng chơi bóng hay tố chất của mình không được thường xuyên thực hiện sẽ bỏ quên đâu đó. Điều này cũng dễ hiểu khi đa số họ không được ra sân thi đấu thường xuyên.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, bong da, tin bong da, U22 VN, Park Hang Seo, VFF, DTVN, kết quả bóng đá hôm nay, lịch thi đấu V League, BXH V League
Tại VCK U23 châu Á năm 2020, HLV Park Hang Seo từng phải đích thân thị phạm cho tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng về cách đón bóng, che bóng rồi di chuyển. Hiện tại Mạnh Dũng là một trong những thành viên giàu kinh nghiệm nhất của U22 Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Trong 48 cầu thủ được gọi lên đội tuyển U22 đợt này, có đến 19 người đang chơi tại giải hạng Nhất, những cầu thủ còn lại thuộc quân số của các đội bóng V-League nhưng đa phần đều ngồi dự bị ở CLB của mình.

Quan sát chi tiết, những ai được ra sân đá chính lâu nay không ngoài các gương mặt đã cùng ông Park chinh chiến ở cả SEA Games 30 và VCK U23 châu Á 2020 vừa rồi.

Khôn đâu đến trẻ…

“Mình không nghĩ rằng các bạn trẻ còn hạn chế về những kỹ năng cơ bản khi chơi bóng như vậy khi tập trung lên tuyển U22 lần này” - cựu tuyển thủ Vũ Như Thành nhìn nhận vấn đề và có những chia sẻ: “Cũng có thể là có những mặt hạn chế về chuyên môn hay va vấp nào đó trong kỹ năng chơi bóng của mỗi cầu thủ, nhất là các bạn trẻ.

Điều này cũng dễ hiểu thôi vì khó đòi hỏi rằng “mười người như một” về năng lực, về trình độ của mình. Hơn thế, một khi những phẩm chất chơi bóng của cầu thủ không được trau dồi, chăm chút và kinh qua những trận đấu thật sự sẽ mai một và chững lại trong cả quá trình ăn tập, thi đấu như thế.

Nhìn vào khía cạnh khác, có thể ngoài những uốn nắn về chuyên môn khi cầu thủ còn gặp hạn chế, ông Park thông qua những chỉ dẫn cụ thể đó còn muốn học trò tường tận được tư duy chơi bóng, triết lý cầm quân của mình.

Nói một cách cụ thể hơn, khi thị phạm để làm mẫu, ông Park cùng cộng sự muốn cầu thủ phải thấm nhuần, khớp nối và thực hiện một cách tròn trịa nhất công việc từ đội hình,vị trí cho đến cách triển khai, vận hành các ý đồ chiến thuật của mình”.

Cựu tuyển thủ Vũ Như Thành cho rằng một khi các cầu thủ trẻ không được ra sân thi đấu thường xuyên sẽ vô cùng khó khăn cho các bạn thể hiện được phẩm chất, năng lực chơi bóng của mình.

Anh nói: “Chúng ta thấy HLV Park Hang Seo đã quy tụ gần hết các cầu thủ trong độ tuổi không chỉ cho lần tập trung này mà còn từ những lúc hội quân sau đây. Có nghĩa là ông Park đang tổng hợp, rà soát, rèn giũa, sàng lọc được những nhân tố tinh túy để thực hiện các mục tiêu cho thời gian sắp tới.

Nhìn vào danh sách sẽ thấy đa phần các bạn trẻ chủ yếu nằm vào nhân tố dự bị của các CLB, ít được ra sân thi đấu trong thời gian qua. Từ đó, sẽ thấy rất rõ rằng môi trường thi đấu không thường xuyên sẽ không có được sự va chạm, từng trải rồi tạo ra kinh nghiệm cũng như cái nền cứng cáp, đủ lực, đủ dồi dào cho bản thân của lứa cầu thủ mà chúng ta đang gọi lên tuyển hôm nay”.

Đào tạo trẻ, nhìn lại một quá trình

HLV Park Hang Seo với khởi điểm từ VCK U23 châu Á 2008 đến nay đã có nhiều thành công cùng bóng đá nước nhà, điều đó hẳn rồi với những danh hiệu cụ thể. Tường tận hơn nhìn vào những thành quả đó sẽ thấy được phông nền tạo ra chiến tích đó đến từ công tác đào tạo trẻ trong nhiều năm qua ở các địa phương giàu truyền thống hay những lò ươm mầm tài năng phát triển về sau này.

Cựu tuyển thủ Vũ Như Thành, người cũng đang gắn bó với các cầu thủ măng non, chia sẻ: “Đấy là thành công, là những nét tích cực nhưng vấn đề đặt ra lớn hơn, cốt lõi trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá nước nhà còn nằm trên nhiều khía cạnh khác để tìm ra và thực hiện những giải pháp căn cơ, toàn diện hơn.

Ở đó, sẽ thấy thiếu đi tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những tiêu chí căn bản nhất từ các địa phương, mỗi trung tâm, mỗi học viện trong công tác đào tạo trẻ. Nói cách khác, mỗi nơi, mỗi học viện, mỗi trung tâm bóng đá luôn có những cách thức chọn lựa cầu thủ, quy trình, chuẩn mực đào tạo khác nhau, cho ra sản phẩm khác nhau.

Nó khiến cho cầu thủ mỗi lần lên ĐTQG đều cần phải học lại để tạo ra sự tương đồng cả trong cách nghĩ và cách chơi. Hình ảnh HLV Park Hang Seo thị phạm cho học trò nhìn trên lát cắt cụ thể về kỹ năng đã ít nhiều minh chứng cho điều này.

Biết là thế nhưng không phải chúng ta cứ nói là làm tốt hoặc cứ muốn sẽ có được trong câu chuyện này. Hẳn nhiên những yếu tố liên quan từ cả đầu vào, quá trình đào tạo cho đến các biện pháp hỗ trợ kèm theo về dinh dưỡng, y học là đầy đủ, nhưng không phải lúc nào cũng có thể cho ra sản phẩm chất lượng.

Không phải cứ nuôi dưỡng là có con người tốt, đáp ứng yêu cầu và cũng khó để đòi hỏi cứ có chu kỳ đào tạo là trình làng một lứa cầu thủ trẻ mới hay ho được như thế. Cốt lõi vẫn là phải tiếp tục chung tay làm, làm trên lộ trình dài hơi, bài bản, khoa học và có được tính đồng bộ cao”.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm