Bóng đá Việt thích nghi với chuyển đổi số

06/01/2022 10:21 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta theo một cách hoàn toàn khác biệt so với trước đây, và bóng đá Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Ông Trần Quốc Tuấn có thể làm Quyền Chủ tịch VFF

Ông Trần Quốc Tuấn có thể làm Quyền Chủ tịch VFF

Do ông Lê Khánh Hải, Chủ tịch đương nhiệm của VFF khóa VIII (nhiệm kỳ 2018-2022) xin rút khỏi cương vị hiện tại vì bận việc nên có thể Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn sẽ giữ chức Quyền Chủ tịch VFF cho tới khi nhiệm kỳ VIII mãn hạn.

Trong hơn một năm qua, khái niệm họp báo trực tuyến từ chỗ rất xa lạ, mới mẻ đã trở nên vô cùng quen thuộc với truyền thông Việt Nam.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà các hoạt động bóng đá diễn ra theo hình thức online nhiều đến như vậy, từ các cuộc họp đến Đại hội thường niên của FIFA, AFC, VFF đều áp dụng trực tiếp và trực tuyến.

Không chỉ vậy, lần đầu tiên, các buổi tập của ĐTQG không thể đón tiếp báo chí tác nghiệp và được VFF tổ chức trực tuyến trên kênh thông tin của VFF.

Điều này cho thấy sự thích nghi kịp thời của bóng đá nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng để tiếp tục phát triển.

Chú thích ảnh
Họp online trở thành xu hướng chính trong năm 2021

Năm 2021, các kênh thông tin chính thức của VFF gồm: Tạp chí Bóng đá, Website VFF, kênh Youtube VFF Channel, Fanpage VFF và kênh thông tin thử nghiệm trên mạng xã hội Lotus của VFF tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc quảng bá các hoạt động bóng đá trong nước, đẩy mạnh việc truyền hình trực tiếp các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp trên các nền tảng truyền thông mà VFF đang sở hữu như YouTube, Facebook…

Trong năm 2021, các buổi tập của các ĐTQG đã được phát trực tiếp trên kênh YouTube của VFF, cũng như ghi hình sản xuất bản tin và gửi tới các cơ quan báo chí truyền thông, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các hoạt động bóng đá Việt Nam nói chung, các ĐTQG nói riêng và được các cơ quan báo chí truyền thông đánh giá cao.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác truyền thông đã có sự chủ động điều chỉnh về phương thức tương tác từ trực tiếp sang trực tuyến cũng như hỗ trợ tối đa cho các cơ quan báo chí truyền thông, giúp duy trì tương tác giữa các đơn vị, tạo sự hỗ trợ tích cực về thông tin các hoạt động bóng đá trong nước, góp phần lan tỏa hình ảnh bóng đá nước nhà đến với người hâm mộ.

Dù còn những khó khăn, bỡ ngỡ nhưng các trận đấu sân nhà của ĐT Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á đã tổ chức họp báo trực tuyến thành công, qua đó hỗ trợ thêm kinh nghiệm cho các phóng viên khi tham dự các cuộc họp báo quốc tế trực tuyến.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn (thứ 2 từ phải qua) có vai trò nổi bật trong công tác đối ngoại của bóng đá Việt Nam trong những năm qua

Có thể nói, hình ảnh bóng đá Việt Nam đang ngày càng được VFF chú trọng đầu tư hơn, chính sự thay đổi này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh bóng đá nước nhà đến với quốc tế tốt hơn, qua đó góp phần vào việc tìm kiếm tài trợ để phục vụ bóng đá hiệu quả.

Một điểm son khác của VFF trong năm 2021 là việc mở rộng phạm vi hợp tác quốc tế với vai trò nổi bật của Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, người hiện đang là Ủy viên Thường vụ AFC, Trưởng ban thi đấu AFC, Ủy viên Hội đồng AFF, Phó Ban thi đấu AFF.

Cụ thể, VFF tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với một số quốc gia ngoài châu lục như CHLB Đức, LĐBĐ Pháp, LĐBĐ Tây Ban Nha, LĐBĐ Argentina; gia hạn hợp đồng hợp tác với các LĐBĐ Hàn Quốc, Nhật Bản; ký kết thỏa thuận hợp tác với LĐBĐ UAE, LĐBĐ Saudi Arabia.

Nhờ những sự hợp tác này mà bóng đá Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ bạn bè quốc tế, như chuyến tập huấn ở UAE của ĐT U23 Việt Nam trước khi tham dự Vòng loại giải U23 châu Á năm 2022 hay LĐBĐ Saudi Arabia cử hẳn chuyên cơ đón tiếp ĐT Việt Nam ở lượt trận đầu tiên tại Vòng loại thứ 3.

Chú thích ảnh
ĐT Việt Nam được hưởng nhiều thành quả từ kết quả hợp tác quốc tế hữu ích và thực chất của VFF

Với những sự hợp tác này, bóng đá trẻ Việt Nam đã có thêm cơ hội tập huấn và thi đấu tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển, qua đó góp phần nâng cao chuyên môn để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao.

Song song với đó, bóng đá Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển bóng đá trẻ, trong đó có việc hợp tác toàn diện với Bundesliga. Dự án khởi động bằng việc đội dự tuyển U17 quốc gia sẽ được thành lập và sang CHLB Đức tập huấn…

Thông qua chương trình “UEFA Assist”, UEFA và VFF triển khai dự án phát triển bóng đá nữ từ tháng 6/2021. Năm 2021, UEFA hỗ trợ 10.000 euro để trang bị các thiết bị tập luyện mới. Đây là năm thứ 3 VFF nhận được sự hỗ trợ của UEFA.

Với sự hỗ trợ của AFC, tháng 11, đoàn công tác VFF đã trao tặng trang thiết bị thể thao tại các Sở Giáo dục & Đào tạo 5 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Năm 2023, AFC đã quyết định trao cho Việt Nam 2 suất (một suất trực tiếp và một suất gián tiếp) tham dự AFC Champions League, giải đấu danh giá nhất của châu lục dành cho các CLB, thể hiện sự công nhận của AFC với những nỗ lực và thành tích đạt được của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua. Lần đầu tiên, VFF cũng vinh dự có hai đại diện là bác sĩ nhận được Giải thưởng cống hiến 15 năm của Ban Y học AFC.

Được sự tín nhiệm và đánh giá cao của AFC/FIFA, các nữ trọng tài FIFA của Việt Nam được đề cử vào danh sách ứng viên trọng tài cho World Cup Nữ 2023 được tổ chức tại Australia/New Zealand.

Có thể nói, vai trò của bóng đá Việt Nam tại khu vực, châu lục đã tạo được những dấu ấn nhất định, trong đó phải kể đến sự đóng góp của các thành viên VFF đang tham gia hoạt động hiệu quả tại các Ban chức năng AFC, AFF…

VP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm