Bóng đá Qatar và bóng đá Trung Quốc: Một con đường, hai ngã rẽ

20/02/2020 18:45 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Qatar đang là đương kim vô địch châu Á, và hướng tới kỳ World Cup trên sân nhà với nhiều háo hức, trong khi Trung Quốc đang vật lộn trên hành trình phát triển bóng đá. Điều đáng nói là họ đều có những bước khởi đầu tương đối giống nhau.

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 20/2. Trực tiếp Club Brugge vs MU, Olympiakos vs Arsenal. K+, K+PM

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 20/2. Trực tiếp Club Brugge vs MU, Olympiakos vs Arsenal. K+, K+PM

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Lịch thi đấu vòng 1/16 Cúp C2 châu Âu: Trực tiếp Club Brugge vs MU, Olympiakos vs Arsenal. Lịch bóng đá ngày 20/2, rạng sáng 21/2.

Dưới đây là bài viết của ký giả người Syria Tarek Aljbakri về hai nền bóng đá “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” này trên trang Live Sport Asia.

Chung điểm khởi đầu

Nhằm phát triển ngành công nghiệp bóng đá của mình, cả Qatar và Trung Quốc đều có những bước đi lớn đối với giải vô địch quốc gia. Công thức mà họ áp dụng rất giống nhau: tạo điều kiện cho các CLB chiêu mộ những ngôi sao đẳng cấp thế giới, tạo nên một môi trường hấp dẫn các cầu thủ, và cuối cùng, cải thiện được chất lượng của cầu thủ nội.

Qatar bắt đầu những thay đổi của mình từ năm 2009, với việc ra đời Qatar Stats League. Những cầu thủ đầu tiên đặt chân đến giải đấu này hầu hết là từ Brazil, trong đó đáng chú ý nhất là tuyển thủ Selecao Juninho Pernambucano, huyền thoại của CLB Lyon. Đây là thương vụ được cả thế giới biết đến, và cho thấy một thay đổi lớn của bóng đá châu Á. Kể từ đó, Qatar được xem là miền đất hứa với rất nhiều ngôi sao Brazil muốn kết thúc sự nghiệp tại đây. Adriano, Nilmar và Diego Tardelli là những cái tên nổi tiếng của đội tuyển vàng xanh đã theo gót Juninho tới đây. Giống như giải nhà nghề Trung Quốc hiện nay, thời ấy, chỉ có hai CLB ở Qatar là chưa từng chiêu mộ cầu thủ Brazil.

Nhưng có một cột mốc đáng chú ý. Nếu nhìn vào danh sách cầu thủ ngoại ở Qatar Stars League cách đây 5 năm, ta sẽ thấy chỉ có 3 CLB là sở hữu những cầu thủ Brazil trong đội hình, và tất cả đều không phải những ngôi sao quá nổi bật của giải đấu nữa. Xu hướng chiêu mộ đã dịch chuyển sang các cầu thủ châu Âu, và một số cầu thủ châu Phi, những người có tác phong chuyên nghiệp hơn, chăm chỉ hơn, và đạo đức hơn. Giải đấu này cũng có nhiều liên kết với các HLV ngoại hơn, chủ yếu từ châu Âu, để có thể giúp đỡ các cầu thủ nội tiến bộ rõ rệt hơn.

Chú thích ảnh
Oscar tới Trung Quốc đơn thuần là để kiếm tiền

Đến Trung Quốc để kiếm tiền

Giờ hãy nhìn sang Trung Quốc. Ở mùa giải hiện tại, chỉ duy nhất một CLB không có cầu thủ Brazil nào. Đó là Đại Liên Professional, đội bóng đang sở hữu Marek Hamsik, Salomon Rondon, và Emmanuel Boateng. Hầu hết các cầu thủ Brazil tới Trung Quốc là vì tiền, đó là điều ai cũng thấy. Họ để lại tiềm năng và đỉnh cao của mình ở châu Âu để ních đầy túi khi sang Đông Á. Nhiệm vụ của họ hoàn toàn khác so với những cầu thủ ngoại ở Qatar, nơi mà những ngôi sao chỉ cập bến khi không còn được trọng dụng ở châu Âu nữa.

Hãy lấy Paulinho là minh chứng. Anh rời Tottenham tới Trung Quốc khi còn rất trẻ, mới 26 tuổi. Thế rồi sau hai năm khoác áo Quảng Châu Hằng Đại, anh trở lại châu Âu để khoác áo… Barcelona và trở thành trụ cột của đội bóng này ở mùa giải 2017-18. Sau đó, Paulinho lại được cho mượn tới rồi bán đứt cho chính… Quảng Châu Hằng Đại. Điều đó chứng minh rằng tiếng gọi tiền bạc thực sự có một ma lực khó cưỡng.

Với các cầu thủ ngoại, đến Trung Quốc là một quyết định khôn ngoan về mặt tài chính, nơi họ được làm “việc nhẹ, lương cao”. Nhưng với nền bóng đá bản địa, nó đã để lại một “vết lõm” lớn. Có một thực tế là kể từ khi Chinese Super League ra đời năm 2004, đội tuyển quốc gia nước này không có bước đột phá nào cả, thậm chí còn thụt lùi. Họ không dự World Cup thêm một lần nào nữa, cũng không dự kỳ Olympic nào trừ năm 2008 với tư cách chủ nhà. Ở cấp độ châu lục, Trung Quốc không đi quá vòng tứ kết ở các kỳ Asian Cup và ASIAD. Đã có thời điểm, Trung Quốc từng thảm bại đến 1-5 trước… Thái Lan.

Chú thích ảnh
Xavi sang Qatar để truyền giáo bóng đá

Đến Qatar để truyền giáo bóng đá

Dù có số dân đông nhất thế giới, nhưng bóng đá Trung Quốc lại quá thiếu nhân tài, đến mức họ phải can thiệp bằng quy định ở Super League rằng các đội bóng phải có số lượng nhất định cầu thủ nội U23 ở đội hình xuất phát, còn các CLB thì lách luật bằng việc tung cầu thủ U23 nội vào vài phút rồi thay ra.

Khác với Trung Quốc, các danh thủ lão tướng đến Qatar không chỉ để kiếm tiền, mà còn có nhiệm vụ nâng cao trình độ bóng đá ở đây nữa. Sau khi giải nghệ, Xavi đã ở lại Al Sadd và trở thành HLV của đội. Đồng đội của anh, Gabi, cũng ở lại và sắm vai trợ lý. Một số tên tuổi khác đáng chú ý có thể kể đến là tuyển thủ Mexico Marco Fabian – cựu ngôi sao Bundesliga, Nigel de Jong – nhà vô địch Premier League và á quân World Cup, và mới nhất là Mario Mandzukic – người đã ghi bàn ở chung kết Champions League 3 năm trước.

Qatar đang là đương kim vô địch Asian Cup, với những màn trình diễn cực thuyết phục trước Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quyền lực khác của bóng đá châu Á. Và rất nhiều người đã kỳ vọng họ sẽ gây sốc ở kỳ World Cup 2022 được tổ chức trên sân nhà. Rõ ràng, cùng có điểm khởi đầu như Trung Quốc, nhưng Qatar giờ đang đi đúng hướng.

Các ngôi sao ngoại đáng chú ý hiện nay ở
Trung Quốc và Qatar

Trung Quốc: Renato Augusta (Bắc Kinh Quốc An), Marek Hamsik, Salomon Rondon (Đại Liên Pro), Paulinho (Quảng Châu Hằng Đại), Moussa Dembele (Quảng Châu R&F), Miranda, Eder (Giang Tô Tô Ninh), Yaya Toure (Thanh Đảo Hoàng Hải), Marouane Fellaini, Graziano Pellè (Lỗ Năng Sơn Đông), Stephan El Sharawy (Thân Hoa Thượng Hải), Marko Arnautovic, Hulk, Oscar (Thượng Hải SIPG)

Qatar: Abel Hernandez (Al-Ahli), Aron Gunnarsson (Al-Arabi), Mario Mandzukic, Mehdi Benatia (Al-Duhail), Hector Moreno (Al-Gharafa), Gabi, Marco Fabian ((Al-Sadd), Nigel de Jong (Al-Shahania).

 

Tuấn Cương (Theo Live Sports Asia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm