Góc Vũ Công Lập: Giám đốc kỹ thuật - một chức danh bóng đá

20/02/2015 06:13 GMT+7 | Bayern Munich

(Thethaovanhoa.vn)- Đấy là một chức danh quen tai, ai cũng có thể hình dung, nhưng khó hiểu cho tường tận. Với những cái tên, nổi tiếng có, vô danh có. Với những nhiệm vụ cứ như thực như hư, nghĩ rằng có cũng được mà không có thì cũng chẳng sao? Và nhất là câu hỏi: Ai có thể đảm nhận chức vụ này?

Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) nổi tiếng nhất ở Đức hiện là Matthias Sammer, mặc dù không ít người muốn phủ nhận vai trò của ông. Một lần tranh cãi, Juergen Klopp (HLV của Dortmund) đã nổi giận bình luận một cách bôi bác: “Ngay cả khi không có Sammer, Bayern vẫn có đẳng cấp và thành tích như hiện nay”. Quá bực mình với sự thống trị của Bayern, lại hâm mộ chiến công và lối đá của Dortmund, cả một dư luận tẩy chay Sammer nổi lên trong Bundesliga.

Tuy nhiên, Stefan Effenberg khẳng định: “Lấy Sammer về, trao cho Sammer nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật là một nước cờ thiên tài của Bayern”. Cuối năm 2014, Ban lãnh đạo Bayern đã gia hạn hợp đồng trước thời hạn với Sammer, kèm theo nhận xét: “Với Sammer, chuyện ký kết văn bản chỉ là vấn đề thuần túy hình thức” (Karl-Heinz Rummenigge).

Cũng từ giữa năm 2014, Bayern “mua” (hay “cướp”) của Leverkusen một nhân vật rất đặc biệt: Michael Reschke. Chức danh của Rescke ở Bayern: GĐKT. Trên thế giới này, nói đến Leverkusen là người ta nói đến Rudi Voeller, hay Reiner Calmund, chứ Reschke thì vô danh.

Nhưng Rummenigge hoàn toàn biết rõ nhân vật này. Đấy là người đã dựng nên “dàn nhạc giao hưởng” Leverkusen ngày hôm nay. Reschke gom góp từng cây đàn, để tạo ra một dàn nhạc. Bernd Leno, Karim Bellarabi, Heung-Min Son, Hakan Calhanoglu, Lars Bender, Andre Schuerrle... đều là sản phẩm của Reschke.



Matthias Sammer (trái) luôn sát cánh cùng Pep Guardiola ở Bayern

Thậm chí, khi Bayern mua được hậu vệ trái Juan Bernat, một thương vụ cực kỳ thành công, Rummenigge biết rằng đấy chính là cầu thủ mà Reschke đã chú ý từ lâu nhưng không đủ sức thuyết phục. Ông lấy Reschke về vì hiểu rõ sự tinh tường của nhân vật này. Reschke trở thành “cặp mắt” của Pep Guardiola.

Nhưng nếu Reschke là GĐKT thì Sammer làm gì? Thực ra Sammer là Chủ tịch phụ trách về kỹ thuật của Bayern. Lãnh đạo Bayern là một Đoàn Chủ tịch với 6 ủy viên, Rummenigge là Chủ tịch của Đoàn Chủ tịch ấy. Mỗi ủy viên là Chủ tịch chuyên trách một lĩnh vực. Sammer chuyên trách về bóng đá. Trước đây một mình Sammer làm mọi chuyện. Bây giờ, nhiệm vụ ấy chia ra. Sammer là cấp trên, nhưng nhiệm vụ phân chia phải cụ thể.

Nhiệm vụ của Reschke là thăm dò, tìm kiếm, chiêu mộ, để chuẩn bị đội hình cho Bayern trong khoảng 5 năm tới, khi Franck Ribery, Ajren Robben, Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger... rời đấu trường do tuổi tác. Nhiệm vụ của Sammer là giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược. Sammer còn giải quyết các mối quan hệ, các xung đột, các khả năng và điều kiện để đảm bảo thực thi một đường lối bóng đá được vạch ra với sự tham gia của chính ông. Nói thì lằng nhằng, nhưng thực chất có thể hiểu đơn giản như sau: Sammer (Sportvorstand) là GĐKT đệ nhất, còn Reschke (Technischer Direktor) là GĐKT đệ nhị. Ở đa số các CLB khác, hai chức danh này nhập một, cũng như ở chính Bayern trước khi bổ nhiệm Reschke.

GĐKT và HLV là cặp đôi hoàn hảo

Ở Bayern, ai cũng hiểu, nếu không có Sammer thì Guardiola khó lòng làm được nhiệm vụ HLV. Sammer thấu hiểu triết lý bóng đá của Guardiola, giúp Guadiorla thực hiện các nhiệm vụ từ chiến lược đến cụ thể. Sammer giải thích: “Tư tưởng bóng đá cốt lõi của Guardiola rất đơn giản. Nó chỉ gồm có 2 câu. Một: Khi mình có bóng, thì làm sao cho bóng chạy. Hai: Khi đối thủ có bóng, thì cầu thủ phải chạy”.

Trên Sky-TV, Lothar Matthaeus đã tấn công, cho rằng Guardiola thay đổi đội hình quá nhiều, làm Bayern thiếu ổn định. Sammer liền bảo vệ: “Nói chung, người Đức không hiểu Guardiola. Bóng đá hiện nay vừa cần sự biến ảo, vừa cần sự linh hoạt”. Phải chăng Sammer muốn nhắc tới những tư duy quá cứng nhắc vẫn còn ngự trị ở đây?

Như vậy, GĐKT phải là một nhà chiến lược về chuyên môn, nắm vững tư tưởng chủ đạo và rành rẽ công tác huấn luyện cụ thể, được HLV tin cậy và tôn trọng. Vì GĐKT vừa là người đồng hành, vừa là người phục vụ, vừa là người giám sát công tác huấn luyện, ấy là chưa kể tham mưu cho ban lãnh đạo CLB cũng như là chỗ dựa cho VĐV.

Nhưng mặt khác, GĐKT cũng phải là người có tính cách mạnh mẽ, độc lập, có chính kiến và dám bảo vệ chính kiến. Sammer luôn phát ra những tín hiệu cảnh tỉnh mang tính báo động ở Bayern. Ông là người không bao giờ biết hài lòng, luôn khao khát vươn lên. Nói đến mùa bóng 2013-2014, với nhiều người là thành công, nhưng với Sammer thì chỉ đọng lại 2 trận đấu: Thua Real Madrid cả ở lượt đi lẫn lượt về bán kết Champions League!




Sammer thấu hiểu triết lý bóng đá của Guardiola

Trước khi về Munich, Sammer là GĐKT ở LĐBĐ Đức (DFB). Ông là một trong những người khởi thảo và thực hiện hành công chiến lược mới trong đào tạo bóng đá trẻ, đem lại sự biến đổi quyết định trong Bundesliga. Sau đó Sammer trực tiếp chỉ đạo tuyển U23, có nhiều ảnh hưởng đến đội tuyển Đức, ngay cả khi Juergen Klinsmann không mấy hài lòng về tính cách của ông.

Từ ngày Sammer ra đi, vai trò GĐKT tại DFB có phần bị lu mờ, thậm chí có thời gian còn bị bỏ trống. Bây giờ người ngồi vào chiếc ghế chông chênh ấy chính là Hansi Flick, trợ lý cho Joachim Loew ở đội tuyển Đức. Flick mới nhận nhiệm vụ hơn 100 ngày, và mô tả công việc của mình như sau: “Tôi phải là sao để khi xem đội bóng thi đấu trên sân, người ta phải nhận ra đấy là đội tuyển Đức. Cụ thể hơn, tôi phải chăm lo bóng đá trẻ, và giải quyết tốt vấn đề hội nhập của các cầu thủ có nguồn gốc nhập cư”.

Về chiến lược, Flick cũng khẳng định: “Trong bóng đá, điều quan trọng nhất là tạo ra tối đa về mặt quân số ở quanh khu vực có bóng”. Trong hơn 3 tháng, Flick đã đi thăm 20/36 CLB chuyên nghiệp, trao đổi ý kiến tỷ mỷ với HLV ở các đội, và rất thành thạo các phương pháp huấn luyên hiện đại, đặc biệt các phương pháp và công cụ huấn luyện nhận thức cũng như xử lý thông tin, điều trước đây người ta chưa từng nói tới.

Mỗi loại tổ chức bóng đá, dù ở các Liên đoàn hay các CLB, thường lập ra chức danh GĐKT. Nhiệm vụ cụ thể ở từng nơi, từng giai đoạn có thể khác nhau, cách thể hiện và phương pháp thực hiện ở mỗi người có thể mỗi khác, nhưng không thể không có một người như vậy. Một nhà chuyên môn, có kinh nghiệm và uy tín, có khát vọng và quyết tâm, để quán xuyến công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu, nối liền mọi khu vực và mọi cấp trong lĩnh vực sống còn của cấu trúc mà anh ta phục vụ.

Tuy nhiên, vai trò cụ thể của từng GĐKT cũng hết sức khác nhau, tùy thuộc vào chính bản thân GĐKT, cũng như môi trường xung quanh GĐKT, vào yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể. Đây cũng là một chức danh hoạt động theo chiều sâu chứ không phải trên bề nổi như các nhà lãnh đạo hay các HLV. Cho nên, tìm ra một GĐKT làm việc xuất sắc cũng không phải dễ.

Bao giờ chúng ta có một GĐKT như thế? Bảo rằng khó thì thật khó, nhưng cứ nghĩ về thành công của HLV Toshiya Miura mà xem, lúc đầu mấy ai đã tin rằng, đến bây giờ chúng ta đã tìm ra một HLV phù hợp cho bóng đá Việt Nam? Chắc rằng Miura cũng rất mong có một GĐKT đồng hành, như Sammer với Guardiola, để rồi từ đó cả hai sẽ tạo ra tác dụng sâu rộng hơn đến toàn bộ nền bóng đá nước nhà.

Cũng là một mơ ước đầu năm mới!

Vũ Công Lập
Thể thao & Văn hóa Xuân 2015

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm