07/11/2023 18:49 GMT+7 | Bóng đá Việt
Sau 1 tháng Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng tổ chức lễ công bố chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty và Chủ tịch CLB bóng đá SHB Đà Nẵng đối với ông Lê Văn Hiểu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi khi đội bóng bên bờ sông Hàn đã thi đấu được 4 trận ở giải hạng Nhất QG.
* Ông có thể nhận xét những điểm mạnh và hạn chế về chuyên môn của SHB.Đà Nẵng qua 4 trận?
- Chúng tôi đã có 2 trận thắng, 2 trận hòa, ghi được 6 bàn thắng và để thủng lưới 2 bàn. Về chuyên môn thì tôi không dám lạm bàn, nhưng rõ ràng, qua báo chí phân tích, đánh giá thì trước hết, HLV Trương Việt Hoàng cùng BHL đã định hình được lối chơi, bản sắc riêng cho đội. Hệ thống chiến thuật vận hành rất linh hoạt, có chiều sâu. Cầu thủ có khát vọng, niềm tin chiến thắng. đặc biệt là sự đoàn kết.
Trận đấu với PVF- CAND thực sự đã giúp chúng tôi nhận ra được thực lực của mình, cần gia cố và phát triển những khâu nào. Tôi nghĩ thành tích qua 4 trận vừa qua là tạm ổn, nhưng chưa nói lên điều gì khi giải hạng Nhất năm nay rất nhiều đội đầu tư lớn, giàu tham vọng lên chơi chuyên nghiệp. Có nghĩa, chúng tôi còn quá nhiều việc phải làm, phải phấn đấu và phải cẩn trọng.
* Cơ duyên nào đưa lối ông được chọn lựa cho chức danh hiện nay. Phải chăng SHB.Đà Nẵng hiện nay cần một doanh nghiệp như ông nhập cuộc để làm tươi mới năng lực quản trị, khả năng tìm tiền cho đội bóng? Ông đang là Chủ tịch HĐQT Công ty SEATECH, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV, V, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng khóa III, IV.
- Quá trình kinh doanh cùng đảm nhận những vị trí như anh liệt kê trên đã giúp tôi có điều kiện gặp gỡ, hợp tác với rất nhiều doanh nhân, trong đó có anh Đỗ Quang Hiển. Anh Hiển và lãnh đạo Đà Nẵng cũng luôn canh cánh tìm ra một người phù hợp bối cảnh lịch sử mới để đồng hành với đội bóng. Tôi may mắn được lựa chọn từ hai phía, và đấy là cơ duyên. Tuy nhiên, tôi không phủ nhận quá nhiều áp lực, thách thực với vị trí này, dù tôi là người yêu bóng đá, gắn bó với bóng đá nhiều năm qua.
Tôi hiểu đến với bóng đá sẽ phải dành nhiều tâm trí với nó. Thực tế 1 tháng qua, tôi đã giao nhiều việc cho cộng sự ở công ty SEATECH để lăn cùng bóng đá. Tôi thường xuyên có mặt cùng đội bóng, Trung tâm Đào tạo Bóng đá thành phố; đi theo đội lúc thi đấu; làm việc với cán bộ, HLV, nhân viên, cầu thủ các tuyến; với Hội Cổ động viên; gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp để mong anh em chung tay tài trợ cho SHB.Đà Nẵng…Một khối lượng công việc quá nhiều khiến 1 tháng trôi qua rất nhanh.
Tôi vui vì cơ bản gặp được sự đồng thuận từ mọi người, nhận mặt được nhiều người ở lĩnh vực bóng đá. Đấy là may mắn. Tôi đã tham gia sâu vào công tác quản trị đội bóng, điều đó đồng nghĩa cũng có người ủng hộ có, có người không thích những chủ trương mới. Tuy thế, có thể mọi người hiểu tấm lòng của tôi, làm vì cái chung, nên đa số đã chia sẻ, dù tôi cũng có những hạn chế khó tránh khỏi.
* Điều gì khiến ông tâm đắc nhất, hay nói cách khác là ông có thông điệp gì để cuộc tái cấu trúc CLB SHB.Đà Nẵng sớm có thành quả.
- Tôi muốn nói rằng: Tái cấu trúc CLB là chủ trương của anh Đỗ Quang Hiển cũng như của lãnh đạo thành phố. Đà Nẵng là trung tâm lớn của miền Trung, dứt khoát đội bóng phải là một trong những đầu tàu. Việc xuống hạng không phải là thảm họa, nhưng nếu tình hình bóng đá thành phố không tăng trưởng, không lấy lại vị thế thì đấy là điều rất có lỗi với người hâm mộ.
Cho nên, các anh lãnh đạo đã quyết tâm tạo nên một "cuộc cách mạng bóng đá", thông qua đầu tư để nâng cấp Trung tâm Đào tạo Bóng đá thành phố; mời HLV Trương Việt Hoàng về; động viên HLV Phan Thanh Hùng cùng các HLV địa phương chung tay; tăng chế độ lương, thưởng cho các thành viên CLB. Bóng đá là tài sản tinh thần của người dân Quảng-Đà xưa nay, nên bên cạnh Hội Cổ động viên, cần phải tập hợp được nhiều khán giả Đà Nẵng với mọi thành phần tham gia cổ vũ.
Phải có phương pháp để kéo khán giả đến sân. Phải thêm nhiều doanh nghiệp địa phương tiếp sức cho bóng đá. Chúng tôi được yêu cầu phải chú trọng công tác đào tạo trẻ để củng cố nền móng và bản sắc lâu dài. Trên tất cả là phải xây dựng tác phong chuyên nghiệp, hướng tới sự chuyên nghiệp ở mọi khía cạnh cho CLB. Làm được thế chắc chắn bóng đá Đà Nẵng sẽ sớm trở lại thời vàng son.
* Câu chuyện ông đề xuất đặt tên SVĐ Hòa Xuân thành Chi Lăng đã xảy ra hiệu ứng đa chiều, thậm chí bị phản ứng, ông có thêm ý kiến gì không?
- Sân vận động Chi Lăng là một biểu tượng lịch sử, văn hóa, tinh thần của người Quảng Nam-Đà Nẵng. Dù nói thế nào thì chúng ta vẫn phải thừa nhận, khó để giữ lại sân Chi Lăng cũ. Trong khi đó, xây dựng một sân mới có sức chưa 50-100 nghìn chỗ ngồi rồi mới đặt tên Chi Lăng là không biết đến bao giờ.
Vậy thì, đổi tên Hòa Xuân thành Chi Lăng để duy trì một biểu tượng cũng là điều nên bàn. Thực tế, trên thành phố đã có nhiều biểu tượng đã có thời gian di dời, chuyển địa điểm những vẫn là biểu tượng, như trường chuyên Lê Quý Đôn chẳng hạn. Giữa thực trạng nhìn sân Chi Lăng bị đập phá, bào mòn, không được sử dụng theo thời gian, với đặt một tên sân mới mang tên Chi Lăng, gây dựng tình yêu bóng đá người dân thành phố thì chúng ta nên chọn giải pháp nào? Tôi vẫn bảo lưu quan điểm đổi tên sân Hòa Xuân thành Chi Lăng.
* Cảm ơn ông và chúc ông thành công cùng bóng đá Đà Nẵng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất