05/02/2025 17:30 GMT+7 | Văn hoá
Vụ phun trào nổi tiếng nhất của núi lửa Vesuvius diễn ra vào năm 79, cướp đi sinh mạng của khoảng 16.000 người tại Vịnh Naples, Italia. Tuy nhiên, hơn 2.000 năm trước đó, ngọn núi lửa cao 600m này đã chứng kiến một đợt phun trào còn dữ dội hơn, khiến cư dân nơi đây phải bỏ chạy hàng loạt.
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện những dấu chân cổ đại ghi lại cảnh tượng người dân tháo chạy trong trận phun trào Avellino, diễn ra vào khoảng năm 1995 trước Công nguyên.
Những bức ảnh ghi lại dấu chân được hình thành khi cư dân thời đại đồ đồng giẫm lên lớp tro núi lửa mới phun ra khi đang chạy trốn.
Theo các chuyên gia, vụ phun trào Avellino kéo dài ít nhất ba giờ và có thể đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Tuy nhiên, sau đó, con người vẫn quay trở lại sinh sống tại khu vực này, và đến thời điểm vụ phun trào năm 79 SCN, khu vực này đã phát triển thịnh vượng dưới thời La Mã.
Dấu vết chạy trốn khỏi thảm họa
Dấu chân cổ xưa này được công bố bởi Cơ quan Giám sát Khảo cổ học, Mỹ thuật và Cảnh quan của các tỉnh Salerno và Avellino.
Trong một tuyên bố đăng trên Facebook, cơ quan này nhấn mạnh: "Những dấu vết này là bằng chứng xúc động về cuộc tháo chạy đầy kịch tính của cư dân trước cơn thịnh nộ của núi lửa".
Những dấu chân này được phát hiện trong quá trình thi công tuyến ống dẫn khí Snam Diramazione Nocera-Cava dei Tirreni, hoàn thành vào tháng 11/2024.
Chúng được bảo tồn trong lớp tro núi lửa gần suối Casarzano, cách thành phố Pompeii khoảng 13km về phía Đông - theo tạp chí Live Science.
Dấu chân có nhiều kích thước và hình dạng khác nhau, thuộc về con người và động vật, có thể là cừu và dê.
Các nhà khoa học cho rằng những người này bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em, họ chạy trốn trong tình trạng chân trần hoặc đi những loại giày dép đơn giản khi núi lửa đang phun trào dữ dội. Tuy nhiên, liệu họ có thể thoát khỏi thảm họa hay không vẫn là một ẩn số.
Thảm họa Avellino năm 1995 trước Công nguyên
Trước vụ phun trào nổi tiếng năm 79, núi lửa Vesuvius đã có một trận phun trào dữ dội vào năm 1995 trước Công nguyên, trong thời đại đồ đồng.
Theo một nghiên cứu năm 2011, vụ phun trào Avellino là một sự kiện thuộc cấp độ Plinian thảm khốc, có quy mô tương đương với vụ phun trào năm 79.
Thậm chí, một nghiên cứu năm 2006 còn khẳng định thảm họa năm 1995 trước Công nguyên "tàn khốc hơn" so với sự kiện thời La Mã.
Dù vậy, sau trận phun trào, con người vẫn quay lại sinh sống tại khu vực này trong những thế kỷ tiếp theo.
Giữa cuối thời kỳ đồ đồng và đầu thời kỳ đồ sắt (khoảng 1200/1150 - 900 trước Công nguyên), một ngôi làng với các túp lều hình bán nguyệt đã xuất hiện tại đây.
Các mảnh gốm và tàn tích kiến trúc cho thấy nơi này từng là một khu định cư có tổ chức và tồn tại trong nhiều thế kỷ, theo tạp chí Archaeology Magazine.
Một nghiên cứu năm 2006 cũng nhấn mạnh rằng trận phun trào năm 1995 trước Công nguyên đã tạo ra một đợt phun trào dữ dội của đá bọt và dòng chảy pyroclastic, chôn vùi vùng đất và các ngôi làng cách xa núi lửa đến 25km.
Nghiên cứu chỉ ra: "Bằng chứng cho thấy một cuộc di tản hàng loạt đã diễn ra ngay từ khi vụ phun trào bắt đầu.
Hầu hết những người bỏ chạy có lẽ đã sống sót, nhưng việc môi trường bị hủy hoại hoàn toàn bởi quy mô khủng khiếp của vụ phun trào đã gây ra sự sụp đổ xã hội và việc bỏ hoang khu vực này trong nhiều thế kỷ".
Lời cảnh báo cho tương lai
Hơn 4.000 năm sau, vụ phun trào năm 1995 trước Công nguyên vẫn được xem là "kịch bản tồi tệ nhất" cho một đợt phun trào trong tương lai của núi lửa Vesuvius.
Nghiên cứu cảnh báo rằng một sự kiện tương tự có thể tàn phá cả khu vực đô thị hiện tại của Naples.
Hiện nay, Vesuvius được coi là một trong những núi lửa nguy hiểm nhất thế giới. Dù vẫn còn hoạt động, nhưng việc dự đoán chính xác khi nào núi lửa sẽ phun trào vẫn là một bài toán khó đối với các nhà núi lửa học.
Thậm chí, một nghiên cứu năm 2021 còn cảnh báo rằng ngay cả những đợt phun trào nhỏ tại Vesuvius cũng có thể gây ra "hiệu ứng domino", tạo ra sóng thần và làm hỏng mạng lưới cáp ngầm dưới biển.
Khi Vesuvius phun trào vào năm 79, nó đã chôn vùi Pompeii, Oplontis, Stabiae dưới lớp tro bụi và đá, còn thành phố Herculaneum bị vùi trong dòng bùn.
Đây là vụ phun trào núi lửa duy nhất còn hoạt động tại châu Âu lục địa và được coi là một trong những núi lửa nguy hiểm nhất thế giới.
Tất cả cư dân Pompeii đều thiệt mạng ngay lập tức khi bị dòng chảy pyroclastic có nhiệt độ lên tới 500°C tấn công.
Những bức thư của Pliny the Younger, nhà thơ kiêm quan chức thời La Mã cổ đại chứng kiến sự kiện này từ xa, đã miêu tả bầu trời bị bao phủ bởi một cột khói khổng lồ, khiến mọi thứ trở nên đen kịt.
Người dân chạy trốn trong hoảng loạn, một số người cầm đuốc, một số khác khóc lóc khi tro bụi và đá bọt trút xuống suốt nhiều giờ liền.
Nhờ lớp tro bụi bảo tồn, các nhà khảo cổ đã khai quật Pompeii và Herculaneum, hé lộ những tư liệu vô giá về đời sống La Mã cổ đại.
Gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện một con hẻm với những ngôi nhà sang trọng, ban công vẫn giữ được màu sắc nguyên bản cùng nhiều hiện vật giá trị.
Khoảng 30.000 người được cho là đã thiệt mạng trong thảm họa này, và cho đến nay, thi thể của các nạn nhân vẫn đang được tìm thấy.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất