26/4/2012: Triển lãm Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ 3 tại TP.HCM

27/04/2012 07:31 GMT+7 | Biếm Họa


(TT&VH) - Giải Biếm họa Báo chí VN lần thứ 3 với chủ đề Môi trường & biến đổi sinh thái đã khai mạc ở Cơ quan đại diện Thông tấn xã VN tại TP.HCM (116-118 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) vào lúc 17h ngày 26/4. Dù gặp phải buổi chiều mưa khá to, nhưng triển lãm đã thu hút khoảng 300 người đến dự, với khoảng 200 bức hý họa được vẽ tại chỗ.

>> Đọc các bài viết về Giải Biếm họa Báo chí VN lần thứ 3 tại đây

“Đây là thời kỳ mà ai trong nghề cũng thấy báo giấy đang thoái trào, cho nên mọi chi tiêu nói chung cho tờ báo đều được tìm cách tiết kiệm, vô hình chung, người ta cũng tiết kiệm luôn đất dành cho chuyên mục biếm họa. Chính bối cảnh đó, việc báo TT&VH tổ chức giải thưởng này, thu hút được dư luận và báo giới cùng vào cuộc, đó là cách để kích thích hay vực dậy đời sống của một lĩnh vực vốn thiết thân với lịch sử báo chí nước nhà”, họa sĩ Nhốp cho biết.

Khai mạc triển lãm tại khu vực phía Nam


Môi trường là mẹ của sự sống

“Nước chậm tiến cất cánh tăng trưởng tất phải tận lực mà tận thu, tận diệt, tận khai thác, tận xuất khẩu… mọi tài nguyên môi trường. Hơn 20 năm thoát được cảnh đói nghèo, ngoảnh lại mới hốt hoảng: Nước mình sẽ là 1 trong 10 nước bị “ăn đòn” nặng nhất của biến đổi khí hậu và đang là 1 trong 10 quốc gia có chất lượng không khí và môi trường bẩn nhất thế giới. (…) Cái giá cho tăng trưởng quá lớn và không chỉ các thế hệ sau mà chính chúng ta phải trả tức thì”, họa sĩ - nhà lý luận phê bình Nguyễn Quân khẳng định.

Nhìn qua một lượt các tác phẩm triển lãm lần này, chúng ta dễ dàng nhận ra một diện mạo đa diện, chi tiết về thực trạng biến đổi khí hậu theo hướng xấu và ô nhiễm môi trường đến cùng cực. Tâm sinh lý của con người vốn dễ quen với hoàn cảnh sống, nên trước sự ô nhiễm và biến đổi diễn ra tuần tự theo năm tháng, cái cảm giác bị bình thường hóa dễ làm chúng ta dửng dưng, rồi nói câu mặc kệ. Chính các cây bút biếm họa, qua những góc nhìn có tính nhắc nhớ, phê phán… đã giúp chúng ta nhận ra được thực trạng xấu của chính mình.

Một điểm đáng chú ý của triển lãm năm nay là nhiều tác giả đã vượt qua tính chiến đấu thuần túy của tranh báo chí phê phán, hài hước để đạt đến tầm mức nghệ thuật, với ngôn ngữ phổ quát, quốc tế. Đơn cử như các tranh của Trần Quyết Thắng, Phạm Thanh Chung, Nguyễn Hữu Lộc, Trần Hải Nam, Trần Hữu Tài, Văn Quỳnh, Nguyễn Trung Liêm, Trịnh Minh Hướng, Nguyễn Thị Minh Hiển, Nguyễn Hữu Đức, Lý Trực Dũng, Lê Đức Tuấn Định, Trần Đỗ Quang… đều có thể đứng độc lập như tác phẩm hội họa thực thụ. Vài tác phẩm trong số này có thể in ra nhiều phiên bản để bán, vì những nơi công cộng có thể dùng trang trí, nó vừa là cách để bày tỏ chính kiến, vừa đạt đến tính thẩm mỹ cao.   

Điểm chung nhất mà các tác giả đạt đến, dù không ai chỉ đạo và bản thân họ cũng không nói ra, đó là: môi trường là mẹ của sự sống. Nguyễn Quân đã rất tinh tế khi nhận định rằng: “Đạo đức môi trường ngày nay quan thiết, trực tiếp hệt như các quan hệ đạo đức cốt lõi nhất: phu - phụ - tử. Biếm họa tất nhiên để cười, nhưng không chỉ để cười. Nó có thể là chính luận hùng hồn hay một bi hài kịch cười ra nuớc mắt. Dường như toàn cuộc thi và mỗi tác phẩm lần này đều bắt ta phải trả lời câu hỏi: Với tự nhiên, môi trường, chúng ta làm hiếu tử, hay là đao phủ?”.

Các họa sĩ đang hý họa cho khách đự triển lãm

Nhiều họa sĩ nhiệt thành hiến kế

Nhiều họa sĩ trăn trở rằng xã hội ngày nay đang có quá nhiều đề tài thời sự mà biếm họa chưa có cơ hội chạm đến, vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là thiếu đầu ra. Họa sĩ Satế tâm sự đại ý rằng, có những thứ báo chí không dám in vì họ sợ đụng chạm đến nhiều nơi, trong khi các cuộc thi thì có thể làm được, vì quy mô và sức tác động trực tiếp của nó ít hơn, nhẹ hơn.

“Hơn một thập niên gần đây biếm họa Việt Nam chỉ dám “chúi xuống” hoặc đi “hàng ngang” mà chưa dám “hướng lên”, nên thật sự nó mất đi sức chiến đấu và sự căng thẳng, hấp dẫn vốn có của thể loại này. Tôi rất nể trọng nỗ lực của báo TT&VH trong việc tổ chức giải thưởng này, nó rất có ích, nếu TT&VH đề cập đến những vấn đề nóng trong xã hội, chắc chắn sức tác động của giải còn ghê gớm hơn”, Satế nói.

Họa sĩ DAD và Cận cho rằng các chủ đề đang “hot” hiện nay là giáo dục, tham nhũng, BTC nên nghĩ tới cho các cuộc thi tiếp theo. Họa sĩ Hoàng Tố Diệu thì cho rằng ngay cả bóng đá Việt Nam cũng là một chủ đề hấp dẫn, vì nó là bộ môn thu hút nhiều sự quan tâm nhất hiện nay.

DAD cũng nói thêm rằng làm thế nào đó để tiết giảm hoặc kiếm thêm kinh phí giúp giải biếm họa được diễn ra thường niên thì chắc chắn sức tác động của nó còn thiết thực hơn nữa. Nhiều họa sĩ đồng tình với việc tổ chức trao giải vào khoảng rằm tháng Giêng thì nó sẽ nóng hơn; lúc đó thời tiết tại TP.HCM khá đẹp, có thể đưa tranh ra đường để nhiều người chiêm ngưỡng, bình luận.

Như Hà

Đã có những tấm lòng cùng Biếm họa…

Trong buổi khai mạc hôm qua 26/4 đã có một số đơn vị, cá nhân mua tranh vì mục đích cao đẹp này, như: Công ty phát hành sách FAHASA, NXB Thông tấn…

Đặc biệt, họa sĩ DAD đã trích phần thưởng của mình một triệu đồng để góp vào Quỹ Vì nỗi đau da cam ngay sau khi nhận giải từ BTC.

Họa sĩ DAD trích một phần giải Đặc biệt ủng hộ Quỹ Vì nỗi đau da cam của TTXVN. Ảnh: Hoàng Nhân

Các họa sĩ NOP, Cua Con, Nơ Nu, Lê Thành Dân và LÚA là những người tham gia lực lượng hý họa tại khai mạc triển lãm đã ủng hộ mỗi người 500 ngàn đồng cho Quỹ Vì nỗi đau da cam.

Nhà thơ Lâm Xuân Thi đã liên lạc với TT&VH, cho biết: Sáng nay (27/4), Lâm Xuân Thi sẽ đến xem tranh và mua hai bức tranh “thật đẹp” để ủng hộ từ thiện.

Thanh Kiều

Họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM: Nên nhân rộng triển lãm Biếm họa vì môi trường

“Theo tôi, nên nhân rộng triển lãm Biếm họa vì môi trường ở nhiều địa phương khác nhau, chứ chỉ triển lãm ở Hà Nội hay TP.HCM thì hơi bị uổng. Bởi vì chủ đề của Cúp Rồng tre 2012 và cuộc triển lãm này rất sát sườn với cuộc sống của mỗi người ở hiện tại và cả tương lai.

Họa sĩ Uyên Uy xem tranh tại triển lãm. Ảnh: Anh Đức

Câu chuyện môi trường ảnh hưởng đến từng con người và có tính nhân loại. Tôi nghĩ, nếu dùng những bức tranh biếm họa về môi trường trong cuộc triển lãm này đưa vào những buổi học ngoại khóa cho học sinh thì tính giáo dục sẽ rất cao.

Về chất lượng chuyên môn, tôi đánh giá rất cao những ý tưởng mới lạ của các họa sĩ biếm. Các tác giả đã mạnh dạn đưa ra những tác nhân gây nên thảm họa môi trường sống, mà chính chúng ta vì vô tình hay cố ý trở thành thủ phạm.

Loạt tranh trong triển lãm lần này chính là lời cảnh báo cho từng con người, từng địa phương, từng quốc gia… Cuộc sống của chúng ta không thể vĩnh hằng nếu mỗi ngày chúng ta cứ xâm hại vào chính môi trường sống của mình. Với tư cách một người xem tranh bình thường trong cuộc triển lãm này, tôi cho rằng chúng ta đang đánh mất quá nhiều khi cứ khai thác quá mức vào mẹ trái đất, chúng ta đang bức tử mẹ của chính mình. Cuộc triển lãm biếm họa về môi trường do báo TT&VH tổ chức mang lại cho tôi nhiều cảm xúc khi xem”.

H.Nhân


Nhà báo Trần Thanh Hải - Phó Trưởng Đại diện Hội Nhà báo VN tại TP.HCM: Triển lãm ngoài trời hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn

Ông Trần Thanh Hải, đại diện Hội Nhà báo VN trao giải Đặc biệt của Hội dành cho họa sĩ Đỗ Anh Dũng (DAD). Ông Trần Thanh Hải trao đổi với TT&VH:

Ông Trần Thanh Hải trao giải Đặc biệt cho họa sĩ DAD. Ảnh: Việt Cường

“Như mong muốn của nhiều đồng nghiệp, giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre do báo TT&VH tổ chức nên được Hội Nhà báo VN đưa vào hệ thống giải báo chí chính thức hàng năm của Hội. Tôi rất ủng hộ mong muốn của các đồng nghiệp, bởi tôi xem các họa sĩ biếm là đồng nghiệp báo chí của tôi. Biếm họa không chỉ phản biện xã hội một cách hiệu quả, mà thông qua đó còn có tính giải trí rất cao - một trong những tiêu chí cần có của một sản phẩm báo chí.

Nếu triển lãm biếm họa về môi trường lần này được trưng bày ở nơi công cộng như công viên chẳng hạn, thì hiệu quả tuyên truyền sẽ rất tốt thay vì triển lãm trong nhà”.

Trạc Tuyền


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm