Có ai giữ lửa múa bồng...

24/12/2008 11:49 GMT+7 | Tin di sản

(TT&VH Cuối tuần) - Tròn 60 năm lẳng lơ với “con đĩ đánh bồng” cụ Bùi Văn Tốt dạy cho không biết bao nhiêu trai tráng trong làng, nhưng rốt cục chỉ “đậu” được một “đĩ bồng” tóc bạc hoa râm. Đó là lão nhạc trưởng phường bát âm kiêm nghề bốc mả Triệu Đình Hồng. Ông Hồng năm nay 62 tuổi, hiện là “đạo diễn chính” cho điệu múa bồng của làng Triều Khúc. Ông tự nhận mình là “than Hồng” vì: “Số tôi đen như than nên nói vô phép, thánh thần bắt phải giữ lửa “cho con đĩ đánh bồng. Giờ, có ai muốn giữ lửa múa bồng, tôi sẽ cho…” - ông Hồng buồn bã nói.
 

Rời nhà cụ Bùi Văn Tốt khi trời đã chạng vạng mặt người. Định ra về nhưng vì quá tò mò với 2 câu thơ cụ Tốt đọc khen “cậu học trò đã sắp nên lão” Triệu Đình Hồng rằng: Thân giai làm “đĩ đánh bồng”/Làng này còn mỗi tay Hồng ấy thôi.., chúng tôi quyết định tìm đến ông, xin tá túc lại một đêm, nhờ ông kể về quãng thời gian 30 năm “ăn cơm nhà vác tù và cho… con đĩ đánh bồng” của làng Triều Khúc.

 Ông Hồng và ông Tốt đang biểu diễn điệu múa bồng
Rẽ ngang, rẽ dọc qua không biết bao nhiêu con ngõ hẹp loạng quạng bóng người, chúng tôi chạm bãi tha ma Triều Khúc. Rẽ trái một đoạn về góc an nghỉ của những người quá cố, đụng một ngôi mộ to như vừa mới kết thì thấy cổng nhà ông Triệu Đình Hồng. Đó là ngôi nhà cấp bốn, đơn sơ với lối thiết kế nội thất theo kiểu cổ nằm ngay cạnh xưởng nhuộm sợi ngày đêm đỏ lửa của con trai ông.

Ông Hồng vừa đi “chơi nhạc đám ma” cho đám tang người thầy giáo cũ cùng làng về. Chưa kịp rửa tay nước quế cho bay biến hơi lạnh, nghe chúng tôi bày tỏ tâm nguyện, ông tỏ vẻ phấn khởi nên cũng rất nhanh chóng vào chuyện.
 
Bên đống sợi được tay thợ vừa cho ra mẻ còn bốc hơi nghi ngút, tỏa mùi thơm ngái ngái của thuốc nhuộm, ông Hồng bồi hồi nhớ lại buổi đầu đến với múa bồng: "Tôi cùng đội múa bồng Làng Triều Khúc tham gia nhiều ngày hội lớn nhỏ của làng, của thủ đô và các địa phương trong cả nước nhiều lắm rồi. Lần nào đi cũng phải “chuẩn bị đạn” (ý ông Hồng nói là tiền) để bồi dưỡng cho các cháu. Nhiều khi gặp khó khăn, tôi buộc phải cắt đội nhạc ở nhà, mang mình đội múa đi và cho chạy nhạc từ đĩa CD (giống như kiểu hát nhép). Nhớ có lần lên thủ đô biểu diễn, xong đâu đấy, cơ quan (xin được giấu tên) “bồi dưỡng” cho cá nhân tôi 150 ngàn đồng nhưng hôm đó dưới tiết trời dưới 100C, đội múa xong ai cũng la đói nên tôi dùng số tiền đó mời anh em đi ăn phở. Ăn phở xong tính tiền mới biết “phở nội thành đắt dã man” nên ngoài số tiền bồi dưỡng bị hụt, tôi còn phải trả thêm gần 100 ngàn. Cũng lần ấy, tôi có “vay” con gái và con dâu ít phấn on mang đi để trang điểm cho diễn viên và hứa sẽ mua cái mới bù lại nhưng vì “hết đạn” nên đành… cười với các con và hẹn lần khác. Thế nhưng 30 năm nay rồi tôi vẫn phải như vậy, bỏ tiền túi ra bồi dưỡng cho diễn viên, chịu trách nhiệm đi khắp làng tìm người vào cặp múa, quây bạt lại dạy họ". (Vì diễn viên múa bồng là nam nên rất dễ ngượng nếu người khác để ý thấy mình múa như con gái nên mỗi khi dạy, ông Hồng phải kéo họ ra bãi hoặc quây bạt cao quá tường rào cho an toàn).

Chúng tôi hỏi ông Hồng, ngoài việc “cấp đạn” cho các diễn viên có khi nào bất đắc dĩ ông phải “làm lính” múa bồng? Ông Hồng chỉ tay lên tấm ảnh treo trên tường: "Bằng chứng đấy. Rất nhiều lần rồi tôi phải môi son má hồng “vào cuộc” chỉ vì một trong hai diễn viên hoặc có việc đột xuất, hoặc vì việc hiếu, hỷ, kiêng cữ không tham gia được. Múa với người trẻ rất khó. Khó nhất là đoạn vung tay xoay người tỳ lưng vào nhau. Lúc ấy cái tôi lo nhất là mình già rồi, khi thực hiện động tác tỳ lưng mà người múa cặp không định lượng được sức mình làm quá mạnh là mình chổng kềnh ngay".

30 năm rồi, để cứu múa bồng khỏi sự quên lãng, ông Hồng đã đổ nhiều mồ hôi, tâm lực, trí lực lẫn vật lực cho múa bồng. Quãng năm 1978 - 1979, khi còn là một tay tiêm lợn nghiệp dư, sau này là “tay trống” trong phường bát âm kiêm nghề bốc mả ông vẫn tận tụy với múa bồng. Kiếm được bao nhiêu tiền từ những công việc được xem là hạng bét đó ông đều nhờ con dâu hoặc vợ giữ dùm. Đáng trân trọng hơn là số tiền ấy ông không tiêu vào việc gì nếu đó không phải là phục vụ cho múa bồng. Ở làng Triều Khúc, người dân vẫn mách nhau rằng gia đình ông Hồng là “gia đình đại văn hóa” vì chẳng một ai trong nhà nghiện ngập một thứ gì cho dù trong nhà luôn đầy rượu, chè khô và thuốc lá. Tất thảy những thứ ấy ông chỉ dành cho một việc: Tiếp khách!

Tôi đã từng được xem múa trống bồng của người làng Lệ Mật và Nhật Tân. Nhưng khi chứng kiến chính ông Hồng khum gối, cuộn tay, chớp mắt, khuôn mặt toát lên sự thanh tao hứng khởi vẻ mãn nguyện giống như người đã đắc đạo mới thực tâm công nhận múa bồng Triều Khúc đúng là danh bất hư truyền.
 
Ông Hồng vận đồ múa, vừa đi một làn điệu trong tổng số 36 điệu múa bồng cho chúng tôi tận mục vừa kể về chuyến lưu diễn ở Sầm Sơn, Thanh Hóa: "Lần đi Sầm Sơn múa chẳng thể nào tôi quên nổi. Múa trên sân khấu xong, anh em vẫn trong trang phục giả gái cứ thế ôm bồng múa dọc bãi A rồi sang bãi B (Sầm Sơn có hai bãi tắm: Bãi A - B). Tôi mải mê múa bồng đến nỗi không biết người dân đi theo xem rất đông phía sau. Khi kết thúc điệu thứ 36, dừng lại, quay về phí sau thì chao ôi, cả một dãy người dài đến cả trăm mét đang nhìn mình thích thú, lạ lẫm và cả sự ngưỡng mộ nữa thì xúc động lắm. Thậm chí, có nhiều người có máy ảnh còn bảo trả tiền nhờ tôi lên núi Trường Lệ múa để họ “toách toách” nhưng tôi chỉ múa không thôi. Dựa vào điệu múa ông cha để tư lợi, ngượng lắm, phải tội chết. Được mang điệu múa của làng đến với nhiều người là tôi thấy hạnh phúc đủ đầy lắm rồi…".

Đêm dần về khuya. Con trai ông Hồng đang ngồi chuốt sợi ngoài hè cắt ngang mạch chuyện giữa khách và cha mình: “Ba tôi chung thủy với múa bồng hơn là chung thủy với mẹ tôi nữa. Ông lúc nào cũng tất bật với chuyện đó. Hàng ngày, ăn cơm nhà xong, quanh đi quẩn lại, lại đóng bộ lạch cạch xe đạp đầu làng cuối xóm tìm chân múa bồng. Tôi cũng thích múa bồng lắm nhưng tay chân cứ cứng còng còng như thanh củi nên ba tôi không dạy nổi. Tôi biết ông buồn lắm. Ba tôi hệt như hòn than âm ỷ nóng nhưng chưa đủ sức để bật lên thành lửa vì đám trai làng nhiều như mồi nhen thật đấy nhưng đâu phải đám mồi nào cũng bắt lửa”. Tay thợ luộc sợi ngồi trên miệng lò đang bốc hơi nghi ngút, vừa đảo sợi vừa cất cao câu hát: “Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương”. Chả biết vô tình hay cố ý nhưng khi nghe câu hát này mà chúng tôi thấy khóe mắt ông Hồng ngân ngấn nước. Ông nhìn tay thợ, lạ thay lại nở một nụ cười. Ông cuộn tay trước ngực làm động tác múa bồng: “Này nhá, thằng kia nhá. Ngựa hồng đã mỏi vó á? Mỏi thì đã làm sao? Này nhá, đừng mơ ông quỵ gối. Mỏi thì mỏi ông cũng sẽ phi nước đại cho mà coi…”

(Đón xem tiếp kỳ 3 - Ai người đệ nhất múa bồng? trên TT&VH Cuối tuần số 52)
 
Huy Thông - Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm