(TT&VH Cuối tuần) - Trong khi trước đây, khán giả Việt Nam chủ yếu biết đến những bộ phim nổi tiếng thế giới qua băng đĩa lậu thì gần đây, nhiều phim đoạt giải Oscar đã đi theo con đường “chính ngạch” tới nước ta bằng các Liên hoan Phim (LHP) “ngoại” hoặc được nhập khẩu. Thực tế Oscar được đón nhận tại Việt Nam ra sao?
Có thể nói, năm 2008, khán giả Việt đã “no nê” với những “bữa tiệc” phim Oscar cũng như những tác phẩm đoạt giải thưởng tại các LHP danh giá như Cannes, Berlin... Đầu tiên phải kể đến 6 phim của Tuần phim Mỹ tại Việt Nam (tháng 4/2008 ở Hà Nội và TP.HCM) đều là những tác phẩm được đánh giá cao tại vòng đề cử cũng như trong lễ trao giải Oscar lần thứ 80. Đó là Once, bộ phim giành tượng vàng Oscar 2008 cho Ca khúc nhạc phim xuất sắc nhất (Falling Slowly) và Juno với giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Ngoài ra là những bộ phim như The Diving Bell And The Butterfly (ĐD Julian Schnabel) với 4 đề cử Oscar, từng giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes 2007, cú đúp giải thưởng cho Đạo diễn và Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Địa cầu Vàng 2008; The Savages với sự tham gia của hai gương mặt nổi tiếng Philip Seymour Hoffman, Laura Linney (tranh giải ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất)... Được biết, các buổi chiếu trong Tuần phim Mỹ tại MegaStar Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải. Lượng khán giả đến xem thường vượt quá sức chứa của phòng chiếu lớn. Thậm chí, BTC đã phải mở thêm các phòng chiếu nhỏ để phục vụ khán giả.
Bộ phim No Country For Old Men đến Việt Nam khá sớm
sau lễ trao giải Oscar 2008
Cuối tháng 12/2008, khán giả Hà Nội cũng đã có cơ hội tiếp cận với hàng loạt bộ phim tiêu biểu của điện ảnh Đức, trong đó có tác phẩm đoạt giải Oscar 2007 Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất The Lives Of Others. Mặc dù chỉ được trình chiếu tại khán phòng nhỏ (chứa khoảng hơn 100 người) ở ngay Viện Goethe nhưng The Lives Of Others thu hút khá đông người xem. Kể cả các buổi chiếu theo yêu cầu sau khi LHP kết thúc vào tháng 1/2009 vừa qua, bộ phim này đã chiếu tổng cộng 14 lần - một con số được xem là kỷ lục của phim Đức tại Hà Nội!
Tuy nhiên, trên đây đều là những bộ phim được chiếu miễn phí. Thế nên, lượng khán giả này có thể chưa phải là chuẩn để đo độ hấp dẫn của những “phim Oscar” ở Việt Nam.
Tại các rạp chiếu, có lẽ khá lâu sau “hiện tượng” Titanic - được sản xuất năm 1997 bởi đạo diễn lừng danh Hollywood James Cameron với kinh phí đầu tư khổng lồ (200 triệu USD), đạt được mức doanh thu kỷ lục 1,8 tỷ USD khi công chiếu trên toàn thế giới và đi vào lịch sử điện ảnh với tư cách là một trong những bộ phim đoạt nhiều giải Oscar nhất - chưa “phim Oscar” nào gây sốt. Tháng 4/2008, bộ phim khi đó vừa đoạt 4 giải Oscar - ở các hạng mục Phim, Đạo diễn, Nam diễn viên phụ (cho Javier Bardem) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất - No Country For Old Men (tựa tiếng Việt: Không chốn dung thân) đã được MegaStar nhập khẩu về Việt Nam. Vì lý do bảo mật, MegaStar không tiết lộ số vé bán ra của bộ phim này, song No Country For Old Men cũng “trụ” ở rạp trong 2 tuần và đã không kéo khán giả đến kín rạp như ở Tuần phim Mỹ. Một đại diện của MegaStar cho biết, không có cái nhìn khác biệt quá lớn giữa phim thương mại và phim nghệ thuật vì mục tiêu của họ là giới thiệu nhiều thể loại phim đến khán giả Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng người xem.
Bộ phim tham dự Oscar 2009 The Curious Case Of Benjamin Button
đang được trình chiếu tại Việt Nam
Hiện tại, trước thềm lễ trao giải Oscar 2009, các nhà nhập phim MegaStar, Thiên Ngân... đều đang theo dõi sát sao diễn biến của sự kiện này. Chắc chắn, sau lễ trao giải, những bộ phim của Oscar 2009 sẽ tiếp tục “cuộc đua” giành khán giả tại các rạp chiếu ở Việt Nam. Nhưng cũng sẽ phải chờ xem, liệu những The Curious Case Of Benjamin Button (với diễn xuất của Brad Pitt), Changeling (bộ phim của đạo diễn Clint Eastwood với sự tham gia của diễn viên Angelina Jolie) hay The Reader (Người đọc - dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên đã được phát hành tại Việt Nam)... có làm nên “hiện tượng”?
Thu Hằng