22/05/2023 18:23 GMT+7 | Văn hoá
Mới đây, câu chuyện về dự án xây sân đua ngựa ở Sóc Sơn có quy mô tới 125ha và đầu tư ngót 10 ngàn tỷ đồng tưởng cũng giống như dự án trường đua xe Công thức 1 trên khu Mỹ Đình đã nguội tắt cùng với dịch Covid-19. Dự án đang rộ lênnhư một "nhu cầu cấp bách" để Thủ đô thu hút du lịch, cũng như khai thác nguồn thu từ hoạt động đua ngựa.
Cưỡi ngựa vốn rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đua ngựa cũng là một môn thể thao kèm theo đặt cược, cũng là một thú vui củadân các xứ ấy. Nhưng ở ta thì giống ngựa vốn nhỏ yếu và thói quen cưỡi ngựa còn xa lạ, cũng như thú đua ngựa càng hiếm hoi, chỉ có tâm lý thích "đỏ đen" thì không thua kém gì thiên hạ.
Do vậy, khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta thì trước hết là những người Âu sống ở thuộc địa cũng du nhập cả giống ngựa và trò đua ngựa cùng môn cá cược vào nước ta. Người Âu thì vẫn quen cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa đến xem, dân chúng nước ta dù không có cái thú cưỡi ngựa, nhưng lại thích tìm cơ hội đánh bạc hợp pháp, nên cũng háo hức ra sân.
Thắng thua trong cuộc thi (có rất nhiều kiểu thi) chủ yếu nhờ năng lực của các con ngựa đua (được đặt tên hoặc đánh số), nhưng cũng còn do người điều khiển, phần lớn là người bản xứ vị thành niên và có vóc người bé nhẹ được huấn luyện thành giô-cầy (jokey, nài) chuyên nghiệp.
Theo bàn chân người Âu nên Sài Gòn, xứ thuộc địa, đương nhiên là nơi sớm nhất tổ chức đua và xây sân đua, hồi xưa thường gọi ngắn là "quần ngựa" (hippodrome, hoặc Champ de Courses). Ở Sài Gòn, cuộc đua đầu tiên được ghi nhận vào năm 1866, nhân đấu xảo về nông nghiệp, rồi dần trở nên thường xuyên và tổ chức tại sân đua quy mô nhỏ trong thành phố (vườn Bà Lớn).
Sau khi sáp nhập Sài Gòn với Chợ Lớn, thì một sân đua quy mô tới 45ha được xây ở địa điểm sau này quen thuộc với địa danh Phú Thọ Hòa. Ngày khánh thành sân đua này được ghi nhận là 6/3/1932. Các cuộc đua tuy có lúc thăng trầm, nhưng được duy trì thường xuyên cho đến năm 2011 mới bị giải thể, để dành đất cho trung tâm thể thao thành tích cao của thành phố.
Ở ngoài Bắc, là xứ bảo hộ, sân đua ngựa có đầu tiên tại Hải Phòng rồi mới đến Hà Nội, tiếp sau đó ở Nam Định, rồi Đà Nẵng, Sóc Trăng… Nhà nước thực dân cho phép thành lập các hội đoàn và ra các văn bản pháp lý liên quan đến đua ngựa và cá ngựa. Nguồn thu từ lĩnh vực này góp phần đáng kể vào ngân sách của chính quyền.
Hà Nội trở thành đất nhượng địa từ 1888, nhưng trước đó 3 năm, ngày 15/7/1886, đã ghi nhận cuộc đua đầu tiên được tổ chức như một trò chơi giúp vui cho Lễ Chánh trung (quốc khánh Pháp). Cuộc đua chủ yếu dành cho cả quân nhân và dân chúng người Âu. Cuộc thi đầu tiên ấy diễn ra trên trục đường Puginier (nay là Điện Biên Phủ), lấy Cột Cờ thành Hà Nội làm kỳ đài, đua cả ngựa cưỡi, cả xe ngựa và thu hút cả người bản xứ góp vui bằng việc đua xe kéo.
Sách vở ghi nhận có năm còn đưa cả voi vào cuộc thi, nhưng ít hấp dẫn, nên bỏ hẳn. Sau đó, chính tại khu vực này, người Pháp đã xây một vòng chảo đua xe đạp và khu cổng Vườn Bách thảo cũng như Dinh Toàn quyền, nên các cuộc đua ngựa được chuyến sang một khu đất khá rộng vốn mang tên Hàng Cỏ, dấu tích của địa điểm xưa cung cấp thức ăn cho các đại gia súc của triều đình (ngựa, voi…).
Nhưng đến đầu thế kỷ XX, nhu cầu xây khuđấu xảo 1902 và quy hoạch ga xe lửa trung tâm của thành phố một lần nữa buộc chính quyền Hà Nội phải dời sân đua ngựa đến một địa điểm mới, có kiến trúc quy mô và mang tính chuyên nghiệp. Đó chính là địa điểm mà ngày nay vẫn giữ địa danh quen thuộc là "Quần ngựa".
Tuy nhiên các cuộc đua ngựa ở Hà Nội chỉ duy trì đến khi Cáchmạng tháng Tám 1945 bùng nổ, chế độ thuộc địa bị xóa bỏ thì gần như cũng chấm dứt. Địa điểm "Quần ngựa" vào đầu nhữngnăm 1960 đã được chọn làm nơi xây dựng Nhà Quốc hội, nhưng sau đó đã được chọn làm nơi xây nhà thi đấu đa năng thuộc địa phận quận Ba Đình.
Để duy trì hoạt động đua ngựa ngoài sân bãi và các nài chuyên nghiệp, thì cần phải hình thành những nguồn cung cấp ngựa phù hợp, không chỉ nhập giống ngoại, mà còn phải phối giống cho con vật phù hợp với khí hậu nước ta, rất công phu. Ở Hà Nội, khu vực Bạch Mai sau đó là Nước Mặn (Cao Bằng) có những trại nuôi và phối giống ngựa đua rất nổi tiếng.
Không rõ có phải vì Hà Nội là nơi xuất hiện muộn lại chấm dứt sớm trò chơi đua ngựa, nay lại trở thành nơi tiên phong tái phục hồi thú chơi này? Họ dựa vào sự đầu tư của Hàn Quốc. Theo chân Hà Nội, hình như còn Phú Yên, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên cũng rập rình theo gót. Riêng TP.HCM, nơi từng là trung tâm lớn và mới chấm dứt trò đua và đặt cược mới tròn một con giáp, nay chỉ khiêm tốn phát triển môn thể thao và giải trí là…cưỡi ngựa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất