Sư tử Milan, trong hình hài 'hậu vệ Kaka'

24/10/2013 08:40 GMT+7 | AC Milan

(Thethaovanhoa.vn) - Có lãng mạn. Có sự hào hứng từ những khán đài. Có sự hy sinh. Có dấu ấn cá nhân. Nhưng Ricardo Kaka trước Barcelona không phải Kaka mà chúng ta đã biết.

Anh chìm nghỉm trong ma trận những đường đan lát của Barcelona, và anh cũng không thể một mình quyết định trận đấu như trước nữa. Khi tốc độ và những phẩm chất siêu việt không còn, Kaka tỏa sáng theo cách khác.

Sự hy sinh của Kaka

Kaka không những không chơi ở vị trí hộ công quen thuộc trong trận đấu hôm qua, mà anh còn phải hoạt động như một hậu vệ cánh: Gần 37% thời gian, anh đá bên cánh trái để hỗ trợ cho Constant, và thực hiện tổng cộng 4 cú tắc bóng bên phần sân nhà. Anh là hậu vệ Kaka.

Trong tình huống kiến tạo cho Robinho ghi bàn, Kaka chỉ băng lên khi tín hiệu đèn xanh từ Robinho - là pha che bóng thành công trước sự truy cản của Pique -  được bật. Robinho chuyền bóng cho anh. Kaka dấn thêm hai nhịp rồi căng ngang cho Binho dứt điểm hạ Valdes - đường kiến tạo thứ 22 của anh tại Champions League sau 81 trận, con số đẹp, đúng với số áo anh mang. Đấy là hộ công Kaka.


Kaka đá như một hậu vệ trước Barcelona.

Max Allegri thừa hiểu vị trí sở trường của Kaka là hộ công hoặc tiền đạo lùi. Chính Kaka cũng thừa nhận như vậy. Nhưng khi Milan thiếu người, vì Balotelli chấn thương và Matri không thể phòng ngự, Allegri cần Kaka đa năng. "Max hiểu tôi cần gì nhưng lúc này, tôi phải làm mọi thứ vì đội bóng", Kaka nói. "Tôi trở về Milan vì cần môi trường này, cần tình cảm ấm áp của CĐV. Nếu vì tiền, tôi đã không đến đây".

Anh nói đúng. Anh từ chối nhận lương trong khoảng thời gian chấn thương sau trận hòa Torino. Một hành động rất đẹp. Đó là sự trao đổi sòng phẳng: Milan cần sự hy sinh của anh, và ngược lại, anh cần ai đó cho mình cơ hội.

Hãy tỏa sáng theo cách của bạn

HLV Gerardo Martino đã rất bực khi Milan phòng ngự cả trận mà không thèm lao lên tranh chấp. Tổng biên tập tờ Sport (báo thân Barca) dành một nửa bài tổng hợp của ông chỉ trích Milan đá tiêu cực, rằng Milan đẹp thời Sacchi đã chết, rằng đội bóng này tầm thường quá, chẳng thấy ngôi sao đâu. Phó chủ tịch Galliani hồ hởi: "Tôi thích Milan này".

Cái tên AC Milan tạo ra một sự đòi hỏi khắt khe, rằng họ phải tấn công, phải đá ngang ngửa Barcelona cho xứng mặt đội từng giành 7 cúp C1/Champions League. Nhưng khi Milan chỉ thắng Barca 1 trong 6 lần đối đầu gần nhất, và vừa thua 0-4 trận gần nhất, họ không thể viển vông. Balotelli không đủ thể lực. El Shaarawy và 3 đồng đội khác chấn thương. Kaka phải đá như hậu vệ. Và như thế, cách tiếp cận của Allegri được đánh giá cao.

Không những không thể chỉ trích, dư luận Italy còn khen ngợi Milan dũng cảm như sư tử ("Milan Leone", tít trên trang bìa Gazzetta dello Sport). Robinho thường ngày tệ là thế, vậy mà khi có cảm hứng, đã ghi bàn duy nhất cho đội (trước khi cảm hứng dâng cao đến mức anh... quên cách đỡ bóng trong vòng cấm).  Amelia có 5 pha cứu thua ở trận đầu tiên của anh trong mùa giải, khi Abbiati chấn thương, còn Gabriel không được đăng ký. Hàng tiền vệ với Montolivo, Muntari, De Jong chơi đặc biệt tốt ở khía cạnh giữ cự ly đội hình và tranh chấp, dù Milan thực tế chỉ cầm bóng 28 %.

Giống như Valter Birsa đang nổi lên thành một ngôi sao mới, với 2 bàn tại Serie A, Poli hòa nhập rất tốt và Gabriel ra mắt ấn tượng, Milan của Allegri vẫn sống rất dai, vẫn rất bền bỉ, dù chấn thương, bão chỉ trích và những trận thua đánh họ tơi tả. Đấy là sức mạnh của truyền thống? Hay phải chăng, thứ người ta hay gọi -  DNA Champions League - chính là sự gan dạ này?

H.Đ
Thể thao & Văn hóa

5 Trận hôm qua, Kaka có 5 pha tắc bóng (thành công 3), 1 lần phá bóng, 2 lần chặn chuyền thành công, phạm 2 lỗi, chuyền chính xác 24/31 đường và có 1 đường kiến tạo.

22 Đường chuyền cho Robinho ghi bàn là pha kiến tạo thứ 22 của Kaka sau 81 trận Champions League.

2 Barcelona chỉ thắng 2 trong số 11 lần gặp Milan và Inter ở San Siro.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm