Zico- "Pele" trắng (Kỳ 5)

11/04/2008 11:54 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Online) - Zico-cầu thủ thật vĩ đại là điều không còn phải bàn cãi. Nhưng Zico-HLV thì chưa thể coi là vĩ đại sau 6 năm lăn lộn trên đất Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ ông cần nắm trong tay một đội bóng mạnh, cỡ Brazil hay Real Madrid chẳng hạn, để trổ hết tài năng.

Phần 5: Lại một chặng đường sương gió

Sau World Cup 2002, LĐBĐ Nhật Bản (JFA) ráo riết tìm kiếm người thay thế Philippe Troussier và cuối cùng đã quyết định chọn Zico. Một quyết định gây tranh cãi.
 
Zico và học trò Nakata
 
Kinh nghiệm huấn luyện và quản lý của Zico không có gì đáng nói ngoài một thời gian ngắn làm HLV CLB cũ Kashima Antlers trong năm 1999 với thành tích tốt nhất là đưa họ vào tới trận CK League Cup Nhật Bản (thua Kashiwa Reysol ở loạt đá luân lưu 11m). Ông cũng có thời gian dài làm giám đốc kỹ thuật cho CLB Nhật Bản này và một thời gian ngắn làm điều phối viên kỹ thuật của ĐT Brazil ở World Cup 1998
 
Dù thiếu kinh nghiệm huấn luyện, Zico hiểu biết khá rõ bóng đá Nhật nhờ những năm chơi bóng và tham gia làm công tác huấn luyện và quản lý ở Kashima. Thêm nữa, JFA cũng đã quá mệt mỏi với việc phải chứng kiến những va chạm của Troussier với giới truyền thông trong khi các cầu thủ lại thất vọng về khả năng quản lý vi mô của ông này. Trong khi đó, Zico lại có được sự tôn trọng của các nhà báo và các cầu thủ.
 

Bạn có biết?

- Zico đã lập một đội bóng cựu binh ở TNK, trong đó có các thành viên như Oscar Silva (bố của Roberto Carlos), Edu (anh trai và cũng là trợ lý của Zico ở Fenerbahce) và Moraci Vasconcelos Sant'anna (cựu danh thủ Brazil hiện là điều phối viên trong ban huấn luyện Fenerbahce).

- Anh trai Edu và con trai Thiago Coimbra của Zico cũng đều từng chơi cho Flamengo. Thiago Coimbra hiện chơi cho đội Portimonense ở giải hạng Nhì BĐN.

Ngay sau khi nhận chức, Zico đã cố gắng truyền tinh thần và lối chơi tấn công cống hiến vào đội bóng xứ mặt trời mọc. Thế nhưng triều đại của ông vẫn khởi đầu khá gập ghềnh, trong đó có trận thua đậm Argentina 1-4 tháng 6/2003. Nhật Bản cũng chật vật mới đánh bại được Oman 1-0 trên sân nhà (tháng 2/2004) trong trận đầu tiên vòng bảng thứ nhất World Cup 2006 khu vực châu Á và một số cầu thủ đã bị treo giò sau vụ bê bối say rượu. Bất chấp sự chỉ trích của báo giới và một số CĐV Nhật đã tuần hành trên đường phố Tokyo để đòi JFA sa thải ông, Zico quyết không bỏ cuộc. 
Ông chấp nhận áp dụng sơ đồ 3-5-2 cổ điển chú trọng kiểm soát bóng nhằm tận dụng sức mạnh của đội ngũ đông đảo các tiền vệ giỏi Nhật Bản. Đội Nhật Bản của Zico chịu ảnh hưởng lớn của phong cách chơi bóng ngắn Brazil nhưng HLV này cũng đã thử nghiệm sơ đồ hiện đại 4-4-2 để có thể linh hoạt chuyển đổi giữa các sơ đồ 4-4-2 và 3-5-2 tùy theo đối thủ.

Cuộc gượng dậy được đánh dấu bằng chức vô địch châu Á sau trận thắng chủ nhà Trung Quốc 3-1 tại Asian Cup tháng 7/2004. Đó là một chiến thắng tuyệt vời không chỉ bởi danh hiệu đã đạt được mà còn bởi bản lĩnh của một đội bóng lớn trước sức ép khủng khiếp của các CĐV Trung Quốc và thực tế là đội bóng của Zico chỉ dựa vào một cầu thủ chinh chiến” ở châu Âu Shunsuke Nakamura.

Phong độ tuyệt vời đó tiếp tục được khẳng định tại Cúp các Liên đoàn châu lục 2005. Sau trận đầu thua sát nút Mexico một phần do thiếu kinh nghiệm dù đã dẫn bàn sớm, Nhật Bản đã thắng đội vô địch EURO 2004 Hy Lạp 1-0 và thủ hòa với Brazil 2-2. Dù không đủ điểm để lọt vào bán kết, Nhật Bản đã được coi trọng hơn.

Sau đó, Zico đã giúp Nhật Bản trở thành đội đầu tiên vượt qua vòng loại World Cup 2006. Họ có 5 trận thắng và 1 trận thua ở vòng bảng đấu loại cuối cùng trước Iran, Bahrain và CHDCND Triều Tiên sau khi đã toàn thắng 6 trận trong vòng bảng đầu tiên. Họ cũng đã tạo được ấn tượng tốt khi đánh bại Czech và Hy Lạp, hòa Anh, Brazil và Đức. Tuy nhiên, ở đấu trường lớn nhất thế giới diễn ra mùa hè 2006 tại Đức, họ đã không giành nổi một trận thắng. Thua hai trận trước Australia, Brazil và hòa Croatia, ghi 2 bàn trong khi để thủng lưới tới 7 bàn và bị loại sau vòng bảng. Zico lập tức xin từ chức.

Vừa chia tay ĐT Nhật Bản, Zico đã có ngay việc làm mới. Ông ký hợp đồng hai năm làm HLV trưởng CLB Fenerbahce của TNK ngày 4/7/2006.

Ông giành được chức VĐ TNK 2007 và Siêu Cúp TNK ngay trong mùa bóng đầu tiên trên mảnh đất mới. Dưới sự dẫn dắt của ông, Fenerbahce cũng đã vượt qua vòng bảng Champions League lần đầu tiên trong lịch sử CLB này và sau đó là đánh bại Sevilla để lọt vào tứ kết mùa giải 2007-08.

Sau những thành công cả ở giải vô địch TNK và các trận quốc tế, Zico nhận được biệt danh mới từ các CĐV Fenerbahce: Kral Arthur (có nghĩa là “Vua Arthur" trong tiếng Thổ).

Tháng 2/2008, HLV này dự lễ trao giải Zaman lần thứ 18, một sự kiện được coi như giải Oscar của bóng đá TNK do quy mô hoành tráng của lễ trao giải. Ông đoạt danh hiệu HLV xuất sắc nhất năm 2007 của bóng đá TNK sau khi lọt vào danh sách 5 đề cử cùng với 4 người khác, trong đó có Fatih Terim - HLV ĐTQG TNK.

Tạp chí Onze Mondial của Pháp đã nêu bật những đóng góp của Zico cho Fenerbahce. Họ đưa hẳn một bài 6 trang về bước tiến của Fenerbahce và ca ngợi CLB TNK này đã gia nhập nhóm những CLB quan trọng nhất châu Âu.

Thất bại trong gang tấc trước Chelsea ở tứ kết Champions League đã dập tắt giấc mơ vinh quang của thầy trò Zico. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, ông hoàn toàn có thể tự hào là HLV thành công nhất trong lịch sử Fenerbahce trên đấu trường lớn nhất của bóng đá CLB châu Âu và rất có thể còn cải thiện được điều đó trong những mùa tới.
 

Phỏng vấn Zico

- Ông tạo được ấn tượng như một người thân thiện, trầm tĩnh và kỷ luật. Vậy Zico-HLV như thế nào?

- Điều đó tùy thuộc vào tình huống, nhưng việc từng chơi bóng chuyên nghiệp dưới sự dẫn dắt của nhiều HLV là một thuận lợi lớn. Tôi cảm thấy mình luôn hiểu từng cầu thủ cần gì. Mối quan hệ tuyệt vời của chúng tôi dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Tôi luôn muốn lắng nghe từng cầu thủ. Tôi đặt ra quy định khi cần nhưng đôi khi cũng dễ dãi với các cầu thủ. Xét cho cùng, HLV là người chịu trách nhiệm nên tất cả mọi người cũng phải hiểu điều đó.

- Sức ép của công việc huấn luyện như thế nào?

- Tôi rất giỏi đối phó với sức ép. Tôi tránh xung đột với vợ bằng cách không mang việc về nhà làm. Từ khi còn ở Nhật Bản, nơi tôi phải lái xe hơn 100 km để đi làm mỗi ngày, tôi đã quen với việc suy nghĩ về hướng giải quyết công việc trong ôtô. Tôi chỉ có một mình để tập trung suy ngẫm. Tôi chẳng làm phiền ai và không ai làm phiền tôi. Tôi thậm chí còn không cảm thấy sức ép từ các CĐV dù họ thực sự là những người cuồng tín ở TNK. Đó là quan hệ yêu-ghét. Đơn giản là phải học cách để sống với nó.

- Nhìn lại sự nghiệp thi đấu và huấn luyện cho tới thời điểm này, những trận đấu nào là đáng nhớ nhất với tư cách cầu thủ và với tư cách HLV?

- Với tư cách cầu thủ, tôi luôn cảm thấy vui khi nghĩ về trận CK Cúp Libertadores 1981. Flamengo của chúng tôi đã đánh bại đội bóng Cobreloa của Chile 2-1 (Zico ghi cả hai bàn). Đó là một chiến thắng của nghệ thuật trước cơ bắp. Với tư cách một HLV, đó chỉ có thể là khi giành Asian Cup 2004 với Nhật Bản. Không ai tin chúng tôi có thể thắng Trung Quốc ngay tại Bắc Kinh. Vì thế chiến thắng đó thực sự đáng tự hào.

Tú Uyên (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm