Xung quanh việc 5 cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu bị khởi tố: Trở lại mặt đất

02/02/2024 05:40 GMT+7 | Bóng đá Việt

Bóng đá Việt Nam vừa nhận một tin rất xấu, khi 5 cầu thủ của đội hạng Nhất Bà Rịa-Vũng Tàu vừa bị cơ quan CSĐT công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khởi tố vụ án và khởi tố bị can  vì hành vi "Đánh bạc". Các cầu thủ này thông đồng với nhau, đánh cược trên mạng vào "cửa thua" của đội nhà và sau đó, họ tìm cách để đội thua trận.

1. Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Lúc bóng đá Việt Nam thăng hoa với những thành tích của đội tuyển ở nhiệm kỳ đầu của HLV Park Hang Seo, mọi thứ rất đẹp đẽ.

V-League như được "bơm" thêm sinh khí với lượng khán giả từ mức trung bình chỉ 5-6.000 người tăng lên trên dưới 10.000 người mỗi trận. Cầu thủ trở thành các ngôi sao trên mạng xã hội, thu nhập đa số tăng lên.

Nhưng những ngày vui rồi cũng qua, bầu không khí bóng đá Việt Nam cũng đã chùng xuống trong hơn một năm gần đây khi thành tích của đội tuyển không được khả quan. Trong khi đó, bóng đá quốc nội, hết chuyện tiêu cực ở đội U21 Đồng Tháp thì bây giờ là việc cầu thủ đánh bạc bằng chính trận đấu của đội mình.

Đừng vội kết luận sự việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ là cá biệt. Chúng ta hãy chú ý đến một số chi tiết liên quan đến hành vi phạm tội của nhóm cầu thủ này. Trong vài năm gần đây, cũng đã có những thông tin râm ran về chuyện cầu thủ lên các app cá cược bất hợp pháp, tự mình đánh cược, chủ yếu là các "kèo" về tổng số bàn thắng hoặc số lần phạt góc (cược "tài xỉu").

Những hình thức đánh bạc này phổ biến vì cá nhân cầu thủ có thể tạo ra được mà không cần sự giúp đỡ của ai (ví dụ cố tình phá bóng để có phạt góc chẳng hạn). Trong khi đó, việc thắng – thua của một trận đấu thì buộc phải có sự thông đồng giữa một nhóm cầu thủ với nhau thì mới bảo đảm được kết quả theo ý.

Ở vụ việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng ta thấy nhóm cầu thủ phạm tội đã tự đánh cược, thông đồng với nhau quyết định luôn kết quả trận đấu mà không cần phải tìm cách che giấu hành vi của mình bằng cách nhờ người khác đặt cược giúp.

Đa số các cầu thủ này đều không phải là người địa phương. Hãy tổng hợp lại các chi tiết đó, chúng ta sẽ thấy mức độ nguy hiểm của vụ việc này lớn đến thế nào đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Hay nói cách khác, về mặt xã hội, đây là một hành vi đánh bạc, nhưng ở góc độ bóng đá, nó chẳng khác gì một "quả bom" có thể thổi tung cả nền bóng đá.

2. Vài năm gần đây, bóng đá Bà Rịa-Vũng Tàu có một số tiếng vang nhất định sau khi có sự tham gia của doanh nghiệp. Họ có sân bóng mới và rất đẹp, và ban đầu cũng chịu đầu tư mua cầu thủ từ nhiều nơi về để đặt mục tiêu thăng hạng.

Con đường lên V-League thì chưa thấy tới đâu, nhưng đội bóng hiện thời đang là gánh nặng của cả địa phương sau khi không còn nhận được nguồn tiền từ doanh nghiệp. Bây giờ đến chuyện cá độ của cầu thủ, coi như việc Bà Rịa-Vũng Tàu xóa sổ đội bóng chỉ là vấn đề thời gian.

Câu chuyện thể thao: Trở lại mặt đất - Ảnh 1.

Một pha bóng trong trận đấu giữa CLB Bà Rịa-Vũng Tàu và CLB SHB Đà Nẵng diễn ra ngày 24/12/2023, tại SVĐ Bà Rịa. Ảnh: CLB Bà Rịa-Vũng Tàu

Bà Rịa-Vũng Tàu đang tạm xếp thứ 4 ở giải hạng Nhất, năm nay chỉ có 11 CLB thi đấu để tranh suất lên V-League. Đây là giải đấu cấp 2 trong hệ thống chuyên nghiệp chỉ có 2 cấp của bóng đá Việt Nam.

Bao nhiêu năm qua, giải đấu này không hề có chuyển biến đáng kể nào dù các nhà điều hành là Công ty VPF đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy chất lượng cũng như số CLB tham gia. Giải đấu này mỗi năm cũng phải tốn kém chi phí tổ chức không thua V-League là bao, nhưng kỳ thực cũng chỉ có 1-2 đội là muốn thăng hạng, trong khi áp lực rớt hạng cũng không làm cho các CLB quá lo lắng so với trường hợp rớt hạng của V-League.

Có những đội "ở" đây cả 2 thập niên như trường hợp của Huế, cũng chẳng sao cả. Cũng gần 20 năm qua, dù cố gắng thì giải hạng Nhất chưa bao giờ vượt qua được con số 14 CLB tham gia, dù về lý thuyết số CLB ở giải này nên nhiều hơn V-League theo mô hình kim tự tháp bóng đá chuyên nghiệp.

Một giải đấu mang tính chất như vậy, thì chuyện như ở Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra, có vẻ như chỉ là vấn đề thời gian. Hơn thế, mức độ liều lĩnh trong hành vi phạm tội của 5 cầu thủ kia cho thấy tình trạng cá cược trong giới cầu thủ rất đáng báo động, bởi có thể vì họ đã thua nhiều "kèo" không chắc ăn khác nên mới quyết định thông đồng với nhau để bảo đảm 100% thắng kèo.

3. Có thể không liên quan gì đến nhau, nhưng sự trùng hợp giữa việc bóng đá Việt Nam vừa thất bại Asian Cup 2023 với sự việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu ít nhiều cũng đáng để suy nghĩ.

Phải chăng chúng ta đang "bay cao" quá nên bắt đầu lộ ra khoảng trống bên dưới đôi chân không chạm đất ngày càng lộ ra. Hãy hình dung xem, cầu thủ trẻ không được ra sân nhiều ở V-League thì sẽ phải làm giàu trải nghiệm thi đấu bằng cách xuống đá ở giải hạng Nhất, nơi có ít áp lực hơn và cũng không phải cạnh tranh  với ngoại binh. Nhưng khi môi trường của giải hạng Nhất, vì những lý do chủ quan như kể trên, lại trở nên độc hại, thì cầu thủ trẻ của chúng ta học được gì?

Tất nhiên, những vấn đề của giải hạng Nhất thì chẳng phải bây giờ mới xuất hiện. Nhưng trong khi chúng ta chưa cải thiện được nhiều, khi những cảm hứng từ việc lên chơi V-League chưa đủ để thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào giải hạng Nhất, thì chúng ta lại quá "bay bổng" với giấc mơ World Cup.

Việc đó đương nhiên không sai, vì chuyện nào ra chuyện đó, nhưng sẽ "bay" được đến đâu khi đôi chân cứ mãi không chạm đất?

Nói như vậy là bởi ở góc độ quản lý điều hành nền bóng đá, thì về nguyên tắc, đội tuyển nào hoặc giải đấu nào cũng có những ý nghĩa và tầm quan trọng gần như nhau. Chúng ta tập trung vào đội tuyển quốc gia nhưng nếu các đội U thi đấu không tốt, thì chắc chắn là sẽ ảnh hưởng về sau. Chúng ta tập trung cho đội tuyển quốc gia, không nâng cao chất lượng V-League, thì lấy đâu ra con người cho HLV Troussier.

V-League có thể tiêu tốn cả năm cả nghìn tỷ đồng, gấp 10 lần hạng Nhất, nhưng tính chất của 2 giải gần như tương đồng trong cùng một hệ thống. Nhưng thực tế thì các ràng buộc về tính chuyên nghiệp của giải hạng Nhất rất ít được quan tâm, nên mới có chuyện cứ vào đầu mùa giải là các nhà tổ chức lại hồi hộp không biết có bao nhiêu đội dự giải.

Việc có quá ít doanh nghiệp sở hữu hoặc đầu tư vào bóng đá từ "chân đế" là hạng Nhất, hạng Nhì, vốn ít áp lực về vốn hơn, cũng dẫn đến chuyện bóng đá Việt Nam thiếu các doanh nghiệp làm bóng đá lâu dài. Họ không làm quen ở môi trường bên dưới, thì lên V-League lại dễ ngợp sớm.

Đó chính là vấn đề của bóng đá Việt Nam, khi yếu tố nền tảng thường bị xem nhẹ, thiếu sự giảm sát. Cái nền của đội tuyển chính là V-League, và tương tự, nền tảng của V-League chính là hạng Nhất.

Giải đấu cấp 2 này mà không hội đủ yếu tố chuyên nghiệp, thì hệ lụy của nó có khi còn có thể phá hỏng toàn bộ nỗ lực của cả nền bóng đá. Sự việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ là một ví dụ đau lòng. Hãy nhớ là nó chưa chắc cá biệt.  


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm