Xem 'Mình nói chuyện mình': Đôi khi, ta lắng nghe ta

05/09/2023 06:19 GMT+7 | Văn hoá

Đoàn kịch thể nghiệm của Hồng Ánh đã xong những buổi diễn đầu tiên của Mình nói chuyện mình. Khán phòng luôn gần kín chỗ. Có vẻ, đây là tín hiệu vui để công chúng thấy rằng, kịch thể nghiệm vẫn không quá kén khán giả như người ta từng lo nghĩ.

Các nhà khoa học tin rằng, việc nghe chính những điều bạn nói có tác động không nhỏ đến não bộ, tốt hơn so với đọc và suy nghĩ về điều đó. Nhưng với vài trường hợp, đó có thể là một trong các dấu hiệu cảnh báo sự bất ổn về mặt tinh thần. Các nhân vật của đạo diễn Đoàn Khoa trong Mình nói chuyện mình, có lẽ không ngoài trường hợp này.

Mình nói chuyện mình, quen lắm

Đó là một người đàn bà hồi xuân, một doanh nhân thành đạt, một phụ nữ mê mua sắm, một cô gái sống với việc livestream. Những số phận khác nhau nhưng cùng mắc kẹt giữa những định kiến, quy chuẩn thông thường của xã hội, phải sống, hành xử như những gì mà họ nghĩ rằng đó là khuôn phép mà xã hội dành cho mình. Rồi cô đơn cùng cực vì không được chia sẻ. Xuyên suốt vở diễn là ánh sáng của cây cột đèn rọi xuống, cho họ 1 điểm sáng duy nhất giữa bóng tối nội tâm mịt mùng.

Xem 'Mình nói chuyện mình': Đôi khi, ta lắng nghe ta - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Hồng Ánh trong vở diễn

Mình nói chuyện mình có tình huống kịch khá quen, số phận của các nhân vật cũng quen và có độ vênh với nhau. Câu chuyện của quý bà hồi xuân có vẻ đáng nhớ hơn quý ông doanh nhân thành đạt kia, chuyện của cô vợ giàu có bị chồng bội tình kia có "đậm vị" hơn cô gái trẻ nghiện livestream trên mạng xã hội, nhưng cũng không có gì mới, lạ.

Cả 4 nhân vật, xét cho cùng vẫn là 4 thí dụ khác nhau về sự trắc trở quen thuộc trong tình yêu, đời sống hôn nhân. Người ta có quyền mong chờ thêm những số phận khác, có thể không cần phải dữ dội hơn, nhưng đa dạng tính cách, nhiều vấn đề nội tâm hơn. Như gợi ý của một nghệ sĩ sau khi xem kịch, nhân vật có liên quan đến thế giới LGBT chẳng hạn - một thế giới vốn có nhiều nội tâm đa tầng, nhiều ẩn ức để có thể khai thác đến tận cùng nỗi lòng riêng tư khó chia sẻ cùng ai.

Đạo diễn đã cho một trận thiên tai xảy ra để giải quyết vấn đề, cho những số phận mệt nhoài trong các vai diễn cuộc đời ấy thức tỉnh. Tháo được "cục đá của bản thân" để bước ra khỏi cái vòng kim cô của sự lẩn quẩn, để sống thật với chính mình, nhưng rồi có khi cuộc sống lại kéo với thực tế khủng khiếp hơn.

Sự truyền tải không điệp "thiên tai không bằng nhân tai" của đạo diễn khá thú vị nhưng vì thế cũng khiến người ta đặt ra câu hỏi: Nếu không có những sự cố bên ngoài ấy thì sao?

Nội tâm con người rất phức tạp, không phải ai cũng cần, hoặc vì một "thiên tai" nào đó, mới biết lắng nghe chính mình. Tiếng nói bên trong cần có những lý do xác đáng khác nữa để xuất hiện. 4 trái tim kia cần được yêu thương chân thành. Nhưng điều quan trọng nhất họ cần phải nhận ra, là phải biết yêu thương chính bản thân mình.

Sau đợt biểu diễn trong tháng 8, Mình nói chuyện mình dự kiến diễn tiếp trong tháng 9 này, vẫn tại TP.HCM.

Cây cột đèn quen thân

Điểm sáng nhất của vở kịch, cũng là thông điệp mà người xem cảm nhận rõ rệt nhất, chính là "nhân vật" cây cột đèn.

Có một thiền sư đã nói, lắng nghe là một nghệ thuật, lắng nghe với lòng thành khẩn, lắng nghe mà không phán xét, lắng nghe chỉ để lắng nghe thôi. Hình tượng cây cột đèn trong vở kịch vì thế rất hợp với vai trò người lắng nghe này. Nó chỉ đứng đó, cho các nhân vật nói chuyện của mình. Nó như một người bạn, hoặc cũng có thể là một người xa lạ nhưng đủ để tin cậy, biết lắng nghe mà không cần phải đưa ra một lời khuyên, không phán xét, không can dự vào. Nó giúp người ta nhận ra rằng, đừng tìm những gì bên ngoài.

Xem 'Mình nói chuyện mình': Đôi khi, ta lắng nghe ta - Ảnh 3.

Một cảnh trong vở diễn

Ngọn đèn đường cũng như đứa trẻ bên trong ta. Bên trong mỗi người luôn có một đứa trẻ kỳ diệu mà chúng ta thường quên mất. Để rồi khi mệt mỏi với cuộc sống bên ngoài, chúng ta có thể tìm về những khoảnh khắc tĩnh lặng để thành thật nói chuyện với đứa trẻ bên trong mình.

Đoàn Khoa nói: "Người Việt Nam hay xem và đánh giá bằng con mắt và tình cảm của người khác". Khi lớn lên,con người ta thường sống theo quy chuẩn của số đông và ngày càng giấu mình đi, thì với Mình nói chuyện mình, Đoàn Khoa mong mỏi khơi gợi được điều gì đó cho khán giả sau khi xem. Anh nói rằng, mẫu số chung giữa các nhân vật của mình chính là sự ham nói hơn ham nghe, họ cần được giải tỏa mà lại biếng nghe người khác. Âu đó cũng là chuyện thường gặptrong đời sống hiện nay. Mà thật ra, họ "biếng" lắng nghe chính bản thân mình.

Xem 'Mình nói chuyện mình': Đôi khi, ta lắng nghe ta - Ảnh 4.

Niềm mong mỏi cũng quen nốt

Đoàn Khoa tâm sự: Tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều giống nhau khi cho người ta một ước mơ, một ham muốn, và một hy vọng. Nó có thể xảy ra ngày mai, có thể lâu lắm, không biết được, nhưng sẽ cho một tương lai đẹp hơn.

Hẳn là hơn ai hết, Hồng Ánh, diễn viên từng đóng khá nhiều kịch thể nghiệm kiêm bà bầu của Mình nói chuyện mình, cũng mong mỏi một tương lai đông khách hơn cho thể loại kịch này.

Hồng Ánh gọi vui đây là đoàn kịch thể nghiệm "vượt khó" của mình. Khó vì kịch không hề khó xem nhưng gắn cái mác kịch thể nghiệm khiến không ít người cho rằng kén khán giả, nên phải làm cái việc "làm công tác tư tưởng" lại cho khán giả. Rất biết liệu cơm gắp mắm, Hồng Ánh nói, mình tổ chức "gọn gàng nhỏ nhắn như là một cú thăm dò, xem cách thể hiện, cách kể câu chuyện như Mình nói chuyện mình thì khán giả yêu sân khấu kịch nói của TP.HCM sẽ đón nhận như thế nào". Cô cũng chuẩn bị tinh thần cho sự cần kiên trì đi đường dàiđể khán giả và tác phẩm có thể gặp nhau nhiều hơn.

"Bản thân những người tham gia dự án đã làm hết sức mình, tính toán chi phí cho hợp lý. Điều thú vị là với thể loại này, Ánh có thể đem đi diễn ở bất cứ nơi nào và mình có thể đi được đường dài". Cô không ngần ngại cho biết: Một khán phòng nhỏ như sân khấu Trường Múa TP.HCM với hơn 160 ghế, dù đầy khách vẫn khó mà hòa vốn nếu không tăng số suất diễn. Nhưng với đặc trưng của kịch nói, diễn viên cũng chỉ có thể diễn nhiều lắm 2 đến 3 suất mỗi ngày.

Thường thì, tương lai của nhân vật trong vở kịch như thế nào sẽ quan trọng hơn kết thúc của nhân vật. Với khán giả yêu sân khấu, người ta cũng quan tâm tới tương lai của kịch thể nghiệm như thế nào hơn là sự kết thúc của một đợt trình diễn.

30 năm sân khấu kịch thể nghiệm

Vừa rồi, nhóm "những người yêu kịch 5B" có sưu tầm và đăng lên MXH tấm ảnh cách đây30 năm (1993), chụp Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5Bkhi mới khai trương. Đây là địa điểm diễn kịch thể nghiệm đầu tiên tại TP.HCM, nơi tiên phong và là bệ phóng cho nhiều thế hệ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn, hoạ sĩ…tỏa sáng. Sau 30 năm, những nghệ sĩ còn gắn bó với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ vẫn luôn "máu lửa" với yếu tố thể nghiệm trong nhiều tác phẩm. Ái tình ngoài hôn nhân đang công diễn ở đây là thí dụ mới nhất cho tôn chỉ sáng tạo đó.

Lê Minh Hạ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm