Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Chú trọng văn hóa ứng xử nơi công cộng

23/10/2015 16:05 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Với truyền thống văn hiến nghìn năm và cũng là nơi tiếp nhận văn hóa bốn phương hội tụ, văn hóa Hà Nội ngày nay vừa có sự kế thừa, vừa có sự tiếp biến các nền văn hóa khác nhau. 

Để gìn giữ truyền thống văn hóa đất Kinh kỳ xưa, tiếp thu một cách có chọn lọc các luồng văn hóa mới, Hà Nội chú trọng xây dựng văn hóa Thủ đô với một bản sắc riêng, xứng đáng là trung tâm văn hóa của cả nước. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến văn hóa ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Người Tràng An xưa vốn ứng xử nhẹ nhàng, thanh lịch, kính trên nhường dưới. Các lễ nghi trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều được coi trọng. Phụ nữ ra đường thường mặc áo dài, đầu vấn tóc, ăn nói nhẹ nhàng; ở nhà đảm đương việc tề gia nội trợ, khéo dạy con cái, lễ phép với cha mẹ. Nơi công cộng, đến thanh niên cũng hiếm khi xảy ra to tiếng, xô xát nhau. Cuộc sống rất thanh bình, con người hiền hòa, nhân ái. 

Nhưng ngày nay, nét thanh lịch đó đang dần phai nhạt. Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, người gắn bó với Hà Nội từ nhỏ, thừa nhận: “Hà Nội xưa rất giàu truyền thống văn hóa nên người ta đối xử với nhau cũng thanh lịch hơn. Kể cả giới trẻ cũng sống có nền nếp, có lý tưởng và khát vọng sống. Nhưng khi chúng ta hội nhập với bên ngoài, bên cạnh tiếp thu những cái hay thì cũng không ít mặt trái. Lớp trẻ có nhiều biểu hiện đi tìm lý tưởng sống khác, chưa phù hợp với quan niệm sống của cha ông, rồi còn phá phách, vô trách nhiệm với bản thân và xã hội. Người lớn thì bị lợi ích cá nhân chi phối, lợi ích cộng đồng bị coi nhẹ”. 

Thiếu nữ Hà Nội (ảnh mang tính minh họa)

Không khó để thấy những hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong cộng đồng ngày nay. Đó là lối nói xô bồ, kiểu nói lệch chuẩn, nhất là trong giới trẻ. Nếp sống văn minh đô thị không được coi trọng và người ta có thể xả rác bừa bãi bất cứ nơi nào. Tình trạng vi phạm pháp luật, vô cảm với người xung quanh diễn ra phổ biến. Sự gia tăng về lượng cũng như diễn biến phức tạp của các hiện tượng tiêu cực gần đây trong văn hóa ứng xử làm ảnh hưởng không nhỏ đến Thủ đô có bề dày truyền thống văn hóa. 

Người ta giải thích rằng, do môi trường sống tác động và do ý thức của bản thân, khiến con người bị cuốn theo những yếu tố không tích cực. Một mặt, cũng do công tác tuyên truyền, giáo dục và quản lý chưa thường xuyên, tích cực nên nảy sinh nhiều tiêu cực trong giới trẻ, nhất là cách ứng xử nơi công cộng, trong chấp hành luật lệ giao thông.. 

Để xây dựng môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh, giúp duy trì và phát triển các giá trị sống tốt đẹp, Hà Nội đang xây dựng Hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Hệ thống quy tắc ứng xử được xây dựng đảm bảo các giá trị văn hóa cơ bản của con người Việt Nam, cùng các giá trị và tinh thần Hà Nội, đáp ứng nguyện vọng của người dân cũng như cộng đồng xã hội. 

Thời gian thực hiện từ năm 2012 đến hết năm 2015. Trong 6 quy tắc ứng xử của 6 nhóm khách thể chính được xây dựng, quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong khu dân cư được đặc biệt quan tâm. Trong đó, hệ thống quy tắc ứng xử này chia làm 3 giai đoạn, trong đó dành riêng một giai đoạn nghiên cứu xây dựng nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng. 

Theo điều tra của đơn vị tư vấn và triển khai Hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư cho thấy, trên 60% người dân sinh sống tại các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội được hỏi không đồng ý với những cử chỉ lời nói thô bạo, xúc phạm danh dự người khác, tự ý phá hủy cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. 

55% số người được hỏi không đồng ý với những hành vi gây gổ đánh nhau, ghen ăn tức ở, dèm pha, không thu gom rác thải theo quy định… Còn tại nơi công cộng, trên 50% số người được hỏi không đồng ý với những vi phạm nội quy, quy định, lấn chiếm không gian công cộng, chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng, gây tiếng ồn nơi công cộng… 

Dự thảo quy tắc ứng xử trong khu dân cư đề cập đến cách ứng xử dành cho đại diện chính quyền và quy tắc dành cho người dân. Người dân cần hợp tác, chia sẻ; đúng mực, thẳng thắn; tôn trọng, bình đẳng; hưởng ứng, tham gia các hoạt động xã hội; bảo vệ cảnh quan môi trường. 

Còn nơi công cộng được đề cập đến cả cách ứng xử dành cho cơ quan quản lý khu vực công cộng, dành cho đại diện cung cấp dịch vụ và dành cho người dân. Với người dân cần văn minh, lịch sự; tôn trọng; thân ái, chia sẻ; phê phán những hành vi vi phạm quy định; bảo vệ cảnh quan, môi trường. 

Hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2015. Sau khi hoàn thiện, thành phố lựa chọn các địa phương, đơn vị để triển khai thí điểm mô hình văn hóa ứng xử đối với từng đối tượng, sau đó triển khai ra diện rộng. 

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư sẽ góp phần giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, duy trì và đẩy mạnh các hoạt động trong phạm vi ứng xử văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đinh Thị Thuận (TTXVN) 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm