World Cup ở nơi có “Ní hảo”

14/06/2010 14:10 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Một chuyến đi thú vị, đến chợ Tàu và khu phố Tàu của Johannesburg, những khu người Hoa lớn nhất ở Nam Phi, trong những ngày World Cup. Ở đó, họ có một World Cup riêng.

Từ bao năm nay, sân Ellis Park bị bao vây bởi khu chợ mà tiếng Anh trở thành tiếng phụ. Cái sân sẽ diễn ra 7 trận đấu của World Cup năm nay từ lâu đã trở thành bạn đồng hành một cách gắn bó hữu cơ với khu chợ bán buôn của người Hoa, thuộc loại lớn, sầm uất và tấp nập nhất châu Phi. Cũng như lịch sử của Johannesburg, khu chợ ấy đã chứng kiến những bước thăng trầm của Ellis Park, bởi từ bãi để xe lộn xộn và đầy đất đá của nó, có thể nhìn thấy những dãy cột và hàng rào của cái SVĐ nổi tiếng vào năm 1995 đã diễn ra trận CK giải bóng bầu dục thế giới (mà sau đó được diễn tả lại trong phim Invictus của Clint Eastwood, với cảnh tổng thống Nelson Mandela bắt tay đội trưởng đội rugby Nam Phi Francois Pienaar, một người da trắng), nơi đã xảy ra thảm họa xô đẩy làm chết 42 người, đã diễn ra các trận đấu của Confederations Cup một năm về trước. Cái chợ ấy được lập nên bởi con cháu của những người Hoa đã đến đây từ thế kỉ trước để làm công nhân mỏ và đủ mọi thứ nghề khác, ở cái nơi đã từng có tỉ lệ chết do tai nạn, bệnh tật và giết chóc lên đến 15%. Bây giờ, ở đấy, người ta không chết vì nghèo, mà có khi chết vì không biết tận dụng những cơ hội làm ăn nghìn vàng. Đấy chính là thiên đường của đồ giá rẻ và là một trong những nguồn cung ứng chính các đồ liên quan đến World Cup ở Nam Phi này.


Người da trắng rất ít đến nơi ấy mua đồ, nhưng người gốc Hoa và người da đen thì thường xuyên. Trên những bức tường của khu nhà cao 5 tầng là quần áo đủ mọi thứ nhãn hiệu của hãng lớn nổi tiếng thế giới với giá hạ chỉ bằng 1/10, những hiệu giày với các thứ mác không thể nào phát âm nổi vì được viết một cách cẩu thả bằng tiếng Anh, những ma nơ canh không mặc quần áo chỉ được trùm ni lông đứng xếp hàng trước vài cửa hiệu, những hiệu làm đầu rẻ tiền và nhếch nhác, những hiệu ăn mùi bốc lên thơm phức. Có những người da đen đứng tần ngần trước những ô cửa kính nhìn vào bên trong, nơi có một thế giới đầy đủ và sung túc; có những người đứng mặc cả những món đồ với mẫu mã rất đẹp; có những người khuân ra vô tuyến, loa thùng và tủ lạnh; những người khác mặc cả để mua cả lố hàng đem về bán ở những khu chợ của các khu dân cư nghèo nàn hơn ở ngoại ô.

Cánh bảo vệ lúc đầu không cho chúng tôi chụp ảnh. Một anh chàng gốc Hoa mặt mày nhăn nhó và hai người bảo vệ quát tháo tùm lum. Thế rồi, anh ta cho chúng tôi một số điện thoại để gọi cho một ông nào đó tên Avenis, người đứng đầu lực lượng an ninh trong khu chợ. “OK, nhưng hạn chế thôi”, ông ta bảo. World Cup chính là đây, khu bán buôn lớn nhất của cả một vùng rộng lớn sầm uất của Nam Phi, với những cửa hàng bán cờ của các đội, linh vật của giải, bán hàng thùng vuvuzela làm bằng thứ nhựa mỏng dính và trang trí lòe loẹt với giá không thể thấp hơn được nữa, chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/5 giá hàng xịn, tóm lại cung cấp không chỉ các đồ liên quan đến giải đấu lớn nhất hành tinh cho các thành thị, mà còn đến cả những nơi nghèo nàn nhất, chủ yếu vì giá siêu hạ.


Thật khó mà hỏi được những người gốc Hoa bán hàng ở đây những cảm nhận của họ về World Cup. Họ không quan tâm nhiều lắm đến những gì diễn ra trên sân cỏ, có khi không rõ những đội bóng nào đá ở đây và tỉ số trận đêm trước ra sao. Nhưng họ quan tâm đặc biệt đến lợi nhuận sẽ thu được trong World Cup này. Chưa có con số nào thống kê chính xác có bao nhiêu phần trăm đồ ăn theo World Cup lần này được sản xuất ở Trung Quốc và bao nhiêu phần trăm trong số đó là hàng thứ phẩm, nhưng dường như cái gọi là cuộc chiến chống đồ giả và đồ nhái World Cup của BTC giải đã thất bại. Ở đây, trong tiếng cười náo nức và tiếng chào “Ní hảo” của người bán hàng, trong sự hăng hái mua sắm của những người hăm hở đưa vuvuzela và cờ quạt các đội về những vùng sâu vùng xa của đất nước, World Cup tồn tại một cách sống động và thực dụng nhất có thể. Chừng nào World Cup còn diễn ra, đội nào thắng hay thua trở nên không quan trọng, chuyên môn của bóng đá trở thành thứ yếu theo nghĩa thị trường. FIFA, hay theo cách nghĩ đơn giản của tôi bây giờ, là một dạng LHQ không có lính mũ nồi xanh, bỏ túi hàng tỉ bạc từ những hạng mục kinh doanh cao cấp. Tại nơi cạnh Ellis Park này, biểu tượng của nước Nam Phi hòa hợp chủng tộc theo ý tưởng của Nelson Mandela, là một khu chợ biểu tượng của chiến thắng theo cách khác, âm thầm hơn, nhưng lợi nhuận có khi không kém FIFA.

Cách đấy mấy cây số, là China Town trên đường Derrick, khu phố mới sầm uất thay thế cho khu phố Tàu cũ ở phố Commissioner. Khu phố này vẫn đang mọc lên. Nhà cửa đang được xây mới. Các công trường vẫn đầy bụi đất và bụi bẩn bên cạnh những tòa nhà đang vươn dậy. Ở đây, World Cup chỉ là những lá cờ của các đội phấp phới 2 bên dãy phố ở các nhà hàng và siêu thị dày đặc tiếng Hoa (một biển chỉ đường cũng bằng tiếng Hoa), những quảng cáo bán điện thoại hạ giá nhân dịp World Cup, những biệt thự giàu có và xe sang trọng của người Hoa và một hiệu làm đầu Quảng Đông khuyến mãi trong giải. Sau World Cup, chắc khu chợ cạnh Ellis Park và khu phố này còn sầm uất hơn nữa, bất kể trên sân, đội nào chiến thắng.

Bài và ảnh: Anh Ngọc (đặc phái viên của TTXVN tại World Cup 2010, từ Johannesburg)


Trong thời kì apartheid, người gốc Hoa và các sắc tộc châu Á khác ở Nam Phi cũng chịu sự phân biệt đối xử, nhưng không bị những tác động nặng nề như người gốc Phi. Sau khi chế độ apartheid sụp đổ, số lượng người gốc Hoa ở Nam Phi tăng vọt. Hiện tại, có khoảng 300 nghìn người Hoa sinh sống và làm ăn ở Nam Phi. Nhiều trong số họ trở nên thành công và nổi tiếng, như Patrick Soon-Shiong, một bác sĩ trở thành tỉ phú; Ina Lu, hoa hậu quốc tế của Trung Quốc năm 2008; Chris Wang và Eugenie Chang, các chính trị gia, lần lượt của các đảng ANC và Inkatha. Tuy nhiên, cộng đồng người Á đông nhất ở nước này là Ấn Độ, lên đến gần 1 triệu, chủ yếu sống ở Durban, thành phố cảng phía nam của Nam Phi. Người Việt mình sống ở đây rất ít, có chưa đầy 100 người, rải rác ở nhiều nơi tại Nam Phi. Ở Johannesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi, cũng có 2 quán ăn của người Việt.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm